Những hạn chế

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp phát huy vai trò của mặt trận tổ quốc trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở phục vụ phát triển kinh tế xã hội tại huyện võ nhai (Trang 69 - 72)

Trong quá trình triển khai và thực hiện quy chế dân chủ ở cấp xã, mặc dù điều kiện hoạt động còn gặp nhiều khó khăn, nhưng Mặt trận cấp cơ sở đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, vừa vận động nhân dân phát huy quyền làm chủ, vừa thực hiện chức năng giám sát theo quy định, vừa phối hợp với chính quyền cùng cấp tổ chức thực hiện quy chế, qua đó đã khẳng định được vị trí, vai trò của Mặt trận.

Tuy nhiên, công tác Mặt trận Tổ quốc tham gia thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại huyện Võ Nhai còn nhiều hạn chế, khó khăn, chưa đạt kết quả như mong muốn. Đó là: - Một số cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc vẫn chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa, mục đích, động lực và những tác dụng to lớn của việc thực hiện dân chủ trực tiếp, nên chưa thường xuyên quan tâm chỉ đạo, rút kinh nghiệm, cũng như theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, giám sát thường xuyên việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Việc triển khai tổ chức thực hiện quy chế dân chủ ở một số nơi còn buông lỏng, thiếu đôn đốc kiểm tra việc thực hiện quy chế. Ban chỉ đạo thực hiện quy chế ở một số xã hoạt

động còn yếu, chậm được kiện toàn củng cố, nhất là sau Đại hội Đảng bộ các cấp và bầu cử. Có nơi, việc gắn thực hiện quy chế dân chủ với cải cách hành chính, sửa đổi cơ chế, chính sách và thủ tục hành chính làm còn chậm; xây dựng hương ước và quy ước cũng còn chậm, thậm chí có xã đến nay vẫn chưa xây dựng được hương ước, quy ước hoặc đã xây dựng nhưng chưa được cấp huyện phê duyệt. Đội ngũ cán bộ cơ sở còn hạn chế về trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ; năng lực tổ chức thực tiễn hạn chế cũng là những cản trở không nhỏ trong quá trình thực hiện quy chế dân chủ. Nhiều mối quan hệ công tác trong hệ thống chính trị ở cơ sở chưa được xây dựng thành quy chế. Mặt trận và các thành viên chưa có sự phối hợp và thống nhất hành động chặt chẽ để thực hiện quy chế dân chủ, nên có đoàn thể không rõ trách nhiệm của mình trong việc tham gia thực hiện quy chế, do đó chưa tạo thành sức mạnh của Mặt trận ở cơ sở. Mặt trận ở một số địa phương còn tham gia chưa thường xuyên và chưa chủ động phối hợp với chính quyền trong việc thực hiện quy chế; công tác tuyên truyền còn chưa sâu; hoạt động giám sát còn hình thức; việc lồng ghép các cuộc vận động, các phong trào vào việc thực hiện quy chế có nơi còn lúng túng, chưa hiệu quả. Hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân ở một số nơi còn lúng túng và hình thức.

- Công tác tuyên truyền của Mặt trận Tổ quốc ở nhiều nơi còn mang tính hình thức, chưa chủ động nên hiệu quả chưa cao. Một số nơi có biểu hiện đối phó, làm lướt cho qua để báo cáo, thiếu sáng tạo vì vậy nội dung không sâu và không đầy đủ, chưa đủ sức hấp dẫn để thu hút nhân dân. Một số nơi lại thấy do phải thực hiện nhiều nội dung, cái gì cũng cảm thấy khó, lúng túng, có tư tưởng ỷ lại, chờ hướng dẫn của cấp trên mới thực hiện.

- Sự phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên với chính quyền từng nơi, từng lúc còn thiếu chặt chẽ, chưa thường xuyên; vẫn còn một số nội dung chính quyền ít quan tâm phối hợp thực hiện; nhiều nội dung có khuynh hướng phó thác cho Mặt trận.

- Công tác kiểm tra, giám sát của Mặt trận Tổ quốc còn hạn chế; Mặt trận và các đoàn thể cũng chưa làm tròn chức năng vận động và tạo điều kiện cần thiết để nhân dân thực hiện quyền kiểm tra, giám sát. Ban Thanh tra nhân dân đã được kiện toàn và đi vào hoạt động khá tốt, nhưng nhiều nơi hoạt động còn hình thức, thành lập ra mà hiệu quả

còn rất thấp; nghiệp vụ không được tập huấn hoặc có nhưng sơ sài; kinh phí lại không bảo đảm nên hiệu quả chưa cao, chưa tương xứng với chức năng của mình. Thực hiện giám sát nhân dân của Mặt trận đối với hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử, cán bộ công chức nhà nước và đối với chính quyền ở cơ sở trong những năm qua đã có một số kết quả bước đầu thể hiện qua những phát hiện, kiến nghị hợp tình, hợp lý của Mặt trận và được chính quyền các cấp, đặc biệt là chính quyền ở cơ sở tiếp thu, được nhân dân hoan nghênh, nhưng đánh giá khách quan thì việc giám sát của Mặt trận còn hạn chế, có thể nêu một cách khái quát là:

Một là, có thể thấy rằng, những quy định về giám sát của Mặt trận trong Hiến pháp, pháp luật và các văn bản quy phạm pháp luật khác mới chủ yếu là những quy định có tính chất chung, và chủ yếu quy định quyền năng giám sát, chưa có những quy định cụ thể và đầy đủ về trách nhiệm, hậu quả pháp lý, cũng như những điều kiện đảm bảo cho hoạt động giám sát của Mặt trận. Ngay trong Luật Mặt trận Tổ quốc tại Điều 2 và Điều 12 cũng không quy định cả tính chất nguyên tắc và mục đích giám sát, đối tượng, hình thức giám sát và một số cơ chế trả lời kiến nghị giám sát của Mặt trận đối với hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ, công chức nhà nước. Nhiều nội dung quan trọng trong nhiệm vụ giám sát của Mặt trận chưa được quy định cụ thể như việc phối hợp tham gia các đoàn giám sát của Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân huyện; trách nhiệm, quyền hạn của Mặt trận bao gồm những vấn đề gì, hậu quả pháp lý của các phản biện, kiến nghị của Mặt trận đến đâu chưa được quy định rõ. Nhiều lĩnh vực bức xúc nhân dân có nhiều ý kiến nhưng chưa có cơ chế cụ thể để giám sát, như giám sát các chương trình, dự án do nhà nước đầu tư trực tiếp tại cấp xã, thu, chi ngân sách xã, thu chi các loại quĩ, các khoản đóng góp của nhân dân, giám sát đại biểu Hội đồng nhân dân, cán bộ, công chức,... Mặt khác, trong các văn bản pháp luật còn thiếu những quy định cụ thể về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc giải quyết, trả lời những phát hiện, kiến nghị của Mặt trận và trách nhiệm trong việc đáp ứng các điều kiện cần thiết cho hoạt động giám sát của Mặt trận. Do đó, chất lượng và hiệu qủa hoạt động giám sát của Mặt trận còn rất thấp, chưa đáp ứng mong đợi và những đòi hỏi của dân. Qua đó đã cho thấy, quyền làm chủ trên thực tế của nhân dân trong việc tham gia quản lý xã hội và kiểm soát quyền lực nhà nước còn chưa được nhiều, đồng thời vẫn còn nguy cơ và khả năng thực tế làm tha hoá, biến

dạng quyền lực nhà nước, vi phạm quyền làm chủ của nhân dân, cũng như tệ tham nhũng, quan liêu, cửa quyền, hách dịch trong bộ máy và cán bộ, công chức nhà nước, trong đó có cấp cơ sở.

Hai là, hoạt động giám sát của Mặt trận trong thực tế còn hình thức, hiệu quả pháp lý chưa cao, nhiều đề xuất, kiến nghị nghị của Mặt trận chưa được cơ quan nhà nước, chính quyền ở cơ sở và các cấp xem xét, giải quyết và trả lời, mặc dù ở một số lĩnh vực đã có qui định của pháp luật.

Ba là, phạm vi đối tượng bị giám sát trong thực tế của Mặt trận còn chưa đầy đủ, chưa toàn diện. Mặt trận mới chủ yếu tham gia giám sát được một số hoạt động của cơ quan chính quyền, còn đối với hoạt động của cơ quan dân cử và tư pháp thì còn ít.

Bốn là, các hoạt động giám sát chưa được quan tâm thực hiện thường xuyên, liên tục. Thực tế cho thấy giám sát là một nhiệm vụ cơ bản của Mặt trận Tổ quốc nhằm tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy quyền làm chủ của dân, tham gia xây dựng chính quyền nhưng đây lại là một nhiệm vụ rất khó khăn, phức tạp, thậm chí là "rất tế nhị" trong quan hệ chính trị - xã hội giữa các cơ quan, các cá nhân trong hệ thống chính trị. Vì vậy, dù là một nhiệm vụ cơ bản, một khâu yếu của Mặt trận, nhưng chưa thực sự được sự quan tâm chỉ đạo, đôn đốc thường xuyên của Ban Thường trực Mặt trận các cấp, nhất là cấp cơ sở.

Năm là, thực hiện quyền giám sát của Mặt trận chưa mạnh mẽ và chưa thể hiện đúng và đầy đủ quyền lực của nhân dân. Bản thân Mặt trận cũng không tránh khỏi thiếu sót như: nhận thức về giám sát còn chưa đầy đủ và sâu sắc, xem nhẹ quyền giám sát của chính mình, nói nhiều làm ít, hoạt động giám sát đôi khi chỉ gói gọn trong hoạt động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, chưa lôi kéo, phát huy tổng hợp sức mạnh các tổ chức thành viên tham gia hoạt động giám sát, còn né tránh ngại va chạm với các cơ quan nhà nước...

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp phát huy vai trò của mặt trận tổ quốc trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở phục vụ phát triển kinh tế xã hội tại huyện võ nhai (Trang 69 - 72)