Sau khi tiếp thu Chỉ thị 30 ngày 18/02/1998 của Bộ Chính trị về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, Ban Thường vụ Huyện ủy Võ Nhai đã thành lập Ban Chỉ đạo quy chế dân chủ ở huyện. Hàng năm Huyện uỷ, Ủy ban nhân dân huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với các nhiệm vụ chính trị trên địa bàn [[9]]. Huyện uỷ, Ủy ban nhân dân huyện, Ban Chỉ đạo quy chế dân chủ huyện [[10]] đã ban hành các văn bản chỉ đạo về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Tất cả các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp và 15 xã, thị trấn trong huyện đã triển khai quy chế dân chủ cho nhân dân, cán bộ, công nhân viên chức, xây dựng được quy chế thực hiện dân chủ và 174 xóm, bản đã xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước. Đặc biệt trong những năm gần đây [[21]] việc thực hiện quy chế dân chủ trên địa bàn huyện đã được gắn chặt
với việc thực hiện Chỉ thị 05 về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI: “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Xây dựng chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” và các phong trào thi đua “Dân vận khéo”, “Xây dựng nông thôn mới” ...
Nổi bật trong quá trình thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trên địa bàn huyện Võ Nhai là việc triển khai được tiến hành sâu rộng, dần dần đi vào nền nếp, chất lượng. Nội dung quy chế dân chủ ở cơ sở đã tập trung vào các lĩnh vực liên quan đến đời sống nhân dân. Tính công khai, dân chủ ngày càng được thể hiện rõ, do vậy đã huy động được nội lực sức dân vào sự phát triển địa phương. Nhân dân trong huyện qua thực hiện quy chế dân chủ đã đóng góp trên 15 tỷ đồng, hiến 77.291m2 đất, tham gia hơn 16.800 ngày công xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn mới [[19]]. Nhân dân cũng đã tích cực đóng góp ý kiến xây dựng Đảng, chính quyền bằng nhiều hình thức. Cũng qua thực hiện quy chế dân chủ, ý thức tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân trong đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng lên; phương thức lãnh đạo, điều hành của các cấp uỷ Đảng, chính quyền từ huyện đến xã, thị trấn luôn có sự đổi mới; tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có chuyển biến rõ rệt. Các hoạt động cụ thể gắn với dân, gần dân, sát dân và tôn trọng nhân dân thể hiện ngày càng tốt hơn, tạo được mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân và sự đồng thuận cao trong thực hiện các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, góp phần tạo động lực tinh thần mạnh mẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của huyện. Hàng năm, các cơ quan, đơn vị đều tổ chức Hội nghị cán bộ công nhân viên chức, người lao động; qua đó công khai tài chính, quản lý và sử dụng tài sản cơ quan; khoán chi, thực hành tiết kiệm,... Việc xây dựng các kế hoạch công tác, hoạt động của cơ quan được lấy ý kiến của cán bộ, công nhân viên chức;vai trò và trách nhiệm của Công đoàn, Thanh tra nhân dân trong việc giám sát thực hiện các chế độ chính sách cho người lao động được phát huy, nhất là trong việc xét nâng lương, chăm lo đời sống, lợi ích chính đáng, hợp pháp.
Việc thực hiện quy chế dân chủ ở xã, thị trấn theo Pháp lệnh 34 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội [[20]]; tại 15 xã, thị trấn trong huyện đều đã thành lập Ban chỉ đạo, xây dựng quy chế thực hiện dân chủ. Cấp ủy Đảng, chính quyền 15 xã, thị trấn đã đưa ra những nội dung công việc nhân dân bàn bạc và quyết định, công việc nhân dân bàn chính quyền quyết định. Những nội dung nhân dân được tham gia như quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, quy hoạch xây dựng nông thôn mới, các phương án chuyển dịch cơ cấu kinh tế, công khai các nguồn vốn vay phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, các chế độ an sinh xã hội, các chính sách đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng; việc phòng chống tiêu cực, tham nhũng, các tệ nạn xã hội; cải cách hành chính cơ chế “một cửa”,... Việc thông báo cho nhân dân biết các hoạt động của địa phương được tiến hành bằng nhiều hình thức như niêm yết công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã, thị trấn, nhà sinh hoạt thôn, xóm hoặc qua sinh hoạt hội đoàn thể, hệ thống truyền thanh,... Trong quá trình thực hiện, luôn coi trọng phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, coi trọng tính công khai, dân chủ nên quy chế dân chủ ở cơ sở đã thực sự đi vào đời sống nhân dân; có những tác động tích cực đến các cuộc vận động lớn, các phong trào thi đua ở địa phương.
Thời gian qua, cùng với các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc trên địa bàn xã La Hiên đã tích cực tham mưu cho cấp ủy Đảng, tham gia với chính quyền, triển khai thực hiện tốt quy chế dân chủ trên địa bàn xã [[12]]. Thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở cho thấy nhận thức và thực hành dân chủ của cấp ủy, cơ sở được nâng lên rất nhiều. Từ việc thực hiện quy chế dân chủ gắn với thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại địa phương cho thấy, người dân ngày càng thấy rõ vai trò của mình trong đời sống xã hội, nhận thấy rõ thành quả của sự nghiệp cách mạng do Đảng ta lãnh đạo. Điều đó chỉ rõ việc thể chế hóa và thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra, dân hưởng thụ”, tại xã, ngay từ việc xây dựng đề án quy hoạch nông thôn, quy hoạch sử dụng đất đai, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng, phương án sản xuất, xây dựng nếp sống văn hóa, huy động đóng góp… đều được công khai để dân biết, dân được bàn, dân được quyết định, được giám sát. Nhờ thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở mà xã La Hiên từ một địa phương có xuất phát điểm thấp, cơ sở hạ tầng thấp kém, nguồn lực có hạn; một bộ phận nhân dân còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại… đến nay, La Hiên đã huy động được nguồn lực đầu tư xây dựng
nông thôn mới với tổng số tiền huy động gần 10 tỷ đồng, trong đó huy động từ sự đóng góp của nhân dân trên 2 tỷ đồng; vận động nhân dân hiến trên 8.000 m2 đất để xây dựng đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa; huy động trên 3.000 ngày công… Với những kết quả đó, năm 2016 xã La Hiên được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Làm tốt công tác công khai, minh bạch, dân chủ bàn bạc, tôn trọng, cầu thị cho nên trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở xã La Hiên không phát sinh những khiếu kiện, những bức xúc của người dân trong đóng góp xây dựng nông thôn mới. Dẫn chứng cho điều này, Bí thư Đảng ủy xã chia sẻ về trường hợp của một nông dân trồng Na ở xóm Hiên Minh khi được hỏi đã phấn khởi trả lời thu nhập bình quân hàng năm của gia đình đạt từ 200 triệu đồng trở lên, đời sống cũng thay đổi nhiều. Từ đâu lại có kết quả đó, chính là nhờ thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở trong xây dựng nông thôn mới, trong chuyển đổi tái cơ cấu nông nghiệp giúp nâng cao đời sống vật chất của nhân dân.
Từ thực tiễn có thể khẳng định, việc thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở là một trong những yêu cầu không thể thiếu trong quá trình triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới. Thực hành dân chủ không chỉ là mục tiêu động lực mà còn trở thành “chìa khóa” tập hợp khối đại đoàn kết và huy động sức mạnh tổng hợp, phát huy sức sáng tạo trong nhân dân”.
Có thể khẳng định qua thực hiện quy chế dân chủ đã có nhiều tác động tích cực đến việc xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền ngày càng trong sạch, vững mạnh. Các cấp uỷ Đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể trong huyện đã tăng cường mối quan hệ mật thiết, gắn bó với nhân dân. Thái độ, phong cách làm việc của cán bộ. công chức, viên chức có chuyển biến đáng kể. Việc lấy ý kiến đối với cán bộ, đảng viên tại nơi cư trú được thực hiện nền nếp hàng năm; tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân thể hiện vai trò giám sát đối với cán bộ, đảng viên đương chức sinh hoạt tại thôn, xóm nơi cư trú. Qua thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, huyện đã rút ra một số kinh nghiệm để tiếp tục thực hiện tốt hơn trong những năm tiếp theo. Đó là phải quán triệt quan điểm “Lấy dân làm gốc”, dựa vào dân, chăm lo phát triển đời sống của nhân dân; thực hiện công khai, dân chủ những vấn đề liên quan trực tiếp đến đến cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, tạo ra sự đồng thuận, nhất trí cao trong nhận thức và thực hiện.
Đồng thời phải thể hiện đầy đủ vai trò bản chất của Nhà nước ta là “Nhà nước của dân, do dân, vì dân”. Trên cơ sở đó phát huy quyền làm chủ thực sự của nhân dân trong mọi hoạt động của đời sống xã hội để thúc đẩy tăng trưởng toàn diện, xây dựng được đội ngũ cán bộ đảng, chính quyền, hội đoàn thể có năng lực, uy tín, công tâm. Thực hiện quyền lãnh đạo tuyệt đối của Đảng đối với hệ thống chính trị; coi trọng và xây dựng mối quan hệ đồng bộ giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị theo cơ chế và nguyên tắc:” Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”. Cùng lúc trong quá trình lãnh đạo, thực hiện quy chế dân chủ phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, kịp thời có biện pháp khắc phục, chấn chỉnh các hạn chế, tồn tại, có sơ kết, tổng kết để biểu dương các điển hình làm tốt.