Quan điểm và định hướng phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc các cấp trong

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp phát huy vai trò của mặt trận tổ quốc trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở phục vụ phát triển kinh tế xã hội tại huyện võ nhai (Trang 78 - 87)

trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại huyện Võ Nhai

Thực tiễn cuộc sống luôn vận động và biến đổi, quy chế dân chủ đòi hỏi không ngừng hoàn thiện và phải dựa trên cơ sở những quan điểm mang tính nguyên tắc sau [[6]]: Thứ nhất, đặt việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở trong cơ chế hoạt động tổng thể của hệ thống chính trị "Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ". Coi trọng cả ba mặt nói trên, không vì nhấn mạnh một mặt mà coi nhẹ, hạ thấp các mặt khác, nhưng việc cấp bách là phải đổi mới, kiện toàn hệ thống chính trị, trước hết là hệ thống chính trị ở cơ sở trong đó có Mặt trận Tổ quốc cấp xã.

Dân chủ và hệ thống chính trị có mối quan hệ biện chứng, tác động và chuyển hóa lẫn nhau giữa mục đích và phương tiện, giữa nguyên nhân và kết quả. Xét đến cùng, đổi mới hệ thống chính trị không chỉ là mục đích tự thân mà vì thực hiện dân chủ. Trong "Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kì quá độ lên chủ nghĩa xã hội", Đảng ta đã xác định: "Toàn bộ tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị nước ta trong giai đoạn mới là nhằm xây dựng, là từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, đảm bảo quyền lực thuộc về nhân dân” [[3]].

Hệ thống chính trị là một chỉnh thể các tổ chức chính trị-xã hội hợp pháp, các đảng chính trị hợp pháp và nhà nước của chủ thể cầm quyền (ở nước ta là Đảng, nhà nước, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội), cùng quan hệ qua lại giữa các yếu tố đó để tác động vào các quá trình kinh tế - xã hội nhằm củng cố, duy trì và phát triển chế độ xã hội đương thời. Có thể xem hệ thống chính trị như là cơ chế chung, tổng thể xác định quyền lực của nhân dân và phương thức thực hiện quyền lực đó. Hệ thống chính trị cũng có thể coi là cơ chế vận hành của nền dân chủ nhằm hướng quyền lực chính trị, tập trung ở quyền lực nhà nước, thuộc về dân. Bởi vậy, đổi mới hệ thống chính trị, trong đó để Đảng là hạt nhân lãnh đạo, nhà nước thực sự là tổ chức quản lí, nhân dân là người chủ chân chính (trong đó Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội là các tổ chức trực tiếp của nhân dân), vừa là yêu cầu của việc thực hiện quy chế dân chủ, vừa

là yêu cầu của việc xây dựng hệ thống chính trị thực sự dân chủ, hướng tới việc hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm toàn bộ quyền lực thuộc về dân. Như vậy, đổi mới, kiện toàn hệ thống chính trị là đổi mới, kiện toàn cơ chế chung, tổng thể mang tính thực hiện quyền dân chủ của nhân dân. Vấn đề đặt ra là, để giá trị dân chủ có thể hiện thực hoá một cách sinh động trong cuộc sống cần thiết phải có tổng hợp các tiêu chí, điều kiện, biện pháp để hướng dẫn và tổ chức thực hiện dân chủ. Đó là cơ chế dân chủ cụ thể, là những chỉ dẫn hành động sát thực cho các chủ thể, hơn thế nữa, đó còn chính là những điều kiện, hành lang pháp lí cho việc tổ chức, thực thi và kiểm soát quyền lực, bảo đảm cho tính năng động, sáng tạo của mỗi chủ thể và ngăn ngừa những sự thái quá, khắc phục tình trạng dân chủ hình thức.

Trong hệ thống chính trị nước ta, đổi mới, kiện toàn tổ chức Mặt trận nhằm mục đích phát huy quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở trong cơ chế tổng thể của hệ thống chính trị "Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ" thì cần phát huy tốt hơn vai trò của Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể nhân dân trong tổ chức, vận động, tập hợp nhân dân thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, trong phối hợp với tổ chức Đảng và chính quyền để thực hiện quy chế, và trong giám sát việc thực hiện quy chế.

Trong quá trình thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể nhân dân đã có vai trò rất quan trọng trong phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Mặt trận Tổ quốc đã làm tốt công tác phối hợp với chính quyền để phát huy quyền tự chủ của nhân dân trong thực hiện các dự án. Ví dụ như khi thực hiện chương trình 135 về phát triển kinh tế - xã hội xã đặc biệt khó khăn, những công trình có kỹ thuật không phức tạp, vốn đầu tư dưới 500 triệu đồng được thực hiện theo cơ chế dân chủ đặc biệt, phù hợp với khả năng của cán bộ và đồng bào các dân tộc địa phương.

Trong thời gian tới, cần chú ý mấy vấn đề sau:

a) Nâng cao trách nhiệm của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, tổ chức, vận động nhân dân thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Mặt trận và các đoàn thể nhân dân thúc đẩy việc thực hiện quy chế dân chủ, phản ánh ý kiến của quần chúng về xây dựng Đảng và chính quyền, phát giác các hành vi tham nhũng, lãng phí, vi phạm dân chủ; tham gia hòa giải các mâu thuẫn trong nội bộ nhân

dân, bày tỏ thái độ đối với những khiếu kiện của dân để góp phần giải quyết từ gốc. Cần đa dạng hoá các hình thức tập hợp dân; coi trọng và mở rộng các hoạt động tự quản của nhân dân dưới nhiều hình thức phong phú; các hội viên, đoàn viên chủ động tham gia vào các tổ chức đó, làm nòng cốt vận động và tổ chức hoạt động đúng mục đích, đúng pháp luật.

Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân để sát hợp với nhu cầu và lợi ích của hội viên ở cơ sở; trên cơ sở đó tập hợp rộng rãi và nâng cao tính tự giác của hội viên, đoàn viên, xây dựng tổ chức vững mạnh; tuyên truyền các chủ trương; chính sách của Đảng và nhà nước đến mọi người dân; vận động nhân dân tham gia thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng; tiến hành có hiệu quả các phong trào thi đua; thực hiện tốt quy chế dân chủ; tuân thủ đúng hương ước, quy ước.

Phải coi trọng đổi mới cả hình thức tổ chức và hình thức tuyên truyền đối với dân, nhằm mục tiêu bảo vệ an ninh chính trị, củng cố đoàn kết dân tộc, làm thất bại âm mưu chia rẽ của các thế lực thù địch. Công tác của Mặt trận và đoàn thể nhân dân phải góp phần tích cực vào phát triển đời sống kinh tế - xã hội, từng bước đưa đường lối, chính sách của Đảng vào cuộc sống.

b) Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận và đoàn thể hướng vào giải quyết những vấn đề bức xúc của đời sống nhân dân ở cơ sở.

Để thực sự trở thành tổ chức đại diện cho quyền và lợi ích của nhân dân, Mặt trận và các đoàn thể nhân dân phải phát động, lôi cuốn được nhân dân tham gia bàn bạc những vấn đề có liên quan đến đời sống hàng ngày. Đáng chú ý là vấn đề chuyển dịch cơ cấu kinh tế, kiên cố hoá kênh mương, xây dựng kết cấu hạ tầng, huy động quỹ các loại, thực hiện chỉ tiêu thuế và nghĩa vụ, xây dựng làng văn hoá và gia đình văn hoá, xây dựng quy ước, hương ước ở nông thôn, giới thiệu đại biểu ra ứng cử Hội đồng nhân dân các cấp. Quyền giám sát của dân đối với các loại quỹ do dân đóng góp và các quỹ khác về phát triển kinh tế - xã hội theo quy định của quy chế cần phải được thực hiện tốt. Để làm tốt chức năng đại diện cho lợi ích của nhân dân Mặt trận và các đoàn thể nhân dân cần phải không ngừng đổi mới phương thức hoạt động, khắc phục các biểu

hiện hành chính hoá. Hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân cần hướng vào những vấn đề thiết thực, có chiều sâu về dân sinh, dân trí và dân quyền. Chú ý nắm chắc các thành phần có uy tín trong làng, bản, nhất là trưởng xóm, trưởng bản, già làng, người đứng đầu các tôn giáo,… để tuyên truyền thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Phát huy quyền tự quản trên cơ sở kế thừa những truyền thống tốt đẹp trong luật tục của các dân tộc.

Do tác động từ mặt trái của cơ chế thị trường, nhiều xóm, xã thiếu ổn định; tình trạng trộm cắp, nghiện hút, buôn lậu, tranh chấp tài sản, đất đai, đánh nhau, cãi nhau, bất chấp kỷ cương pháp luật diễn ra. Có vùng, đặc biệt vùng đồng bào dân tộc ít người miền núi, vùng sâu, vùng xa, trình độ dân trí còn thấp, ít hiểu biết đường lối, chính sách, pháp luật, đời sống văn hoá thấp. Đó là những cản trở lớn đối với quá trình mở rộng dân chủ ở cơ sở nói chung và thực hiện quy chế dân chủ nói riêng. Vì vậy, trên cơ sở những văn bản về phát triển kinh tế - xã hội, Mặt trận Tổ quốc cần giải thích cho nhân dân hiểu để thực hiện.

c) Cần chăm lo đội ngũ cán bộ chuyên trách và bán chuyên trách làm công tác quần chúng ở cơ sở.

Để đổi mới phương thức hoạt động của Mặt trận và các tổ chức thành viên, trước hết cần phải xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực, khắc phục một thực tế là những cán bộ kém năng lực thì đưa sang làm công tác Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể. Kinh nghiệm cho thấy, những nơi triển khai nhanh, gọn, thực hiện có hiệu quả quy chế dân chủ ở cơ sở là nhờ cán bộ đủ trình độ nắm bắt những nội dung của quy chế và có năng lực vận động quần chúng thực hiện. Bên cạnh đó cũng phải nhấn mạnh đến tinh thần nhiệt tình của đội ngũ cán bộ trong vấn đề này. Dù là cơ sở hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước hay xã, thị trấn đều cần đội ngũ cán bộ làm tốt công tác dân vận. Đặc biệt ở nông thôn miền núi có địa hình chia cắt, cán bộ phải hết sức vất vả khi đến từng hộ gia đình tuyên truyền và càng khó hơn đối với việc vận động những người mù chữ. Đội ngũ cán bộ đó phải hiểu biết điều kiện tự nhiên, địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu, đặc điểm tộc người… của từng địa phương thì mới triển khai thuận lợi. Ngay từ các khâu tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho khối dân vận ở các địa phương trong thời gian trước mắt cũng như lâu dài cần phải tính toán đầy đủ các yếu tố nêu trên. Thực tế

cho thấy, càng ở những nơi điều kiện kinh tế - xã hội thấp, việc phát huy dân chủ càng không thể tiến hành thuận lợi nếu như trước đó chưa có đội ngũ cán bộ đủ khả năng vận động quần chúng. Cần thiết gắn liền với các chương trình, dự án lớn và cần phải dành một khoản kinh phí thích đáng cho vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, nhất là đào tạo cán bộ Mặt trận các xã - những người đại diện cho lợi ích chân chính của nhân dân, hướng dẫn, vận động nhân dân thực hiện.

Tóm lại:

+ Về tổ chức: Xây dựng Mặt trận Tổ quốc vững mạnh về tổ chức, hoạt động ngày càng thiết thực và hiệu quả, thực sự là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện rộng rãi nhất, tập hợp và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân. Cải tiến và nâng cao chất lượng sinh hoạt, thực hiện tốt hơn nữa nguyên tắc hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động giữa các tổ chức thành viên.

Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ Mặt trận vững vàng về chính trị, thành thạo công việc, có tinh thần trách nhiệm cao trước nhân dân. Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác bồi dưỡng cán bộ chuyên trách và đội ngũ cộng tác viên.

Đẩy mạnh việc xây dựng các tổ chức tư vấn, thu hút đông đảo các chuyên gia, cộng tác viên ở tất cả các cấp, nhất là cấp cơ sở, nhằm phát huy năng lực, trí tuệ vốn sống và kinh nghiệm hoạt động của đội ngũ này, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Mặt trận.

+ Về đổi mới phương thức hoạt động: Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc phải thực sự đổi mới, bám sát các nhiệm vụ kinh tế - xã hội quan trọng của đất nước, của địa phương, sát với cơ sở cộng đồng dân cư. Tiếp tục nâng cao hiệu quả phối hợp với các cơ quan nhà nước, thực hiện tốt các quy chế phối hợp công tác, các nghị quyết, thông tư liên tịch đã ký kết. Tạo chuyển biến thực sự trong việc phối hợp và thống nhất hành động với các tổ chức thành viên ở tất cả các cấp, nhất là cấp cơ sở và khu dân cư trên mọi lĩnh vực hoạt động. Cần hướng mạnh hoạt động về cơ sở, cộng đồng dân cư và hộ gia đình. Triển khai thực hiện tốt quy chế dân chủ. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban công tác Mặt trận, xây dựng cộng đồng dân cư tự quản, góp phần đổi mới tổ chức

và hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở. Khắc phục cách hoạt động hành chính, hình thức, xa dân. Hướng dẫn và phát huy vai trò của các cá nhân tiêu biểu, động viên mọi người tham gia các hoạt động do Mặt trận các cấp đề ra.

Thứ hai, xây dựng, hoàn thiện và hiện thực hoá quy chế dân chủ gắn liền với việc thực hiện có hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao dân trí, từng bước mở rộng và hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa.

Dân chủ hoá và phát triển kinh tế là hai nội dung cơ bản của quá trình đổi mới. Dân chủ vừa là tiền đề vừa là điều kiện cho phát triển kinh tế; trong đó trình độ phát triển kinh tế - xã hội là yếu tố quan trọng, quyết định trình độ dân chủ hoá xã hội.

Không thể có cái gọi là dân chủ trong cảnh nghèo đói túng quẫn, xã hội còn nhiều tệ nạn tiêu cực, bất ổn định. Cũng sẽ mất phương hướng, nếu như dân chủ không hướng tới phát triển mà trước hết là phát triển kinh tế.

Bởi vậy, xây dựng, hoàn thiện và thực hiện quy chế dân chủ trước hết nhằm mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện thắng lợi công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Quá trình này bắt đầu từ quá trình thay đổi cơ cấu kinh tế ở nông thôn theo hướng công nghiệp hóa. Điều đó tất yếu dẫn tới việc tích tụ, tập trung ruộng đất, khắc phục tình trạng manh mún gắn liền với sản xuất nhỏ, và khi quá trình tích tụ ruộng đất diễn ra, kinh tế trang trại sẽ phát triển và hợp tác xã kiểu mới với nhiều hình thức sẽ xuất hiện. Một khi kinh tế hộ gia đình, trang trại, kinh tế hợp tác xã phát triển thì đời sống nhân dân ở nông thôn sẽ đổi mới, tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền và nghĩa vụ của nhân dân được tôn trọng. Đồng thời với quá trình phát triển kinh tế, không ngừng chăm lo việc nâng cao dân trí, trong đó bao gồm kiến thức văn hoá, khoa học kỹ thuật, khả năng ứng dụng những thành tựu khoa học nông nghiệp, đặc biệt là sự hiểu biết về pháp luật, ý thức sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật của nhân dân. Bác Hồ cũng đã dạy, để cho dân biết làm cách mạng, trước hết phải làm cho dân giác ngộ. Có như vậy, dân mới hiểu rõ quyền hạn và nghĩa vụ của mình, có năng lực để biết, bàn, làm, kiểm tra. Vậy là, ý thức, năng lực làm chủ của dân trước hết tuỳ thuộc vào trình độ dân trí, ý thức sống, làm việc theo hiến pháp, pháp luật. Đây cũng là điều kiện tiên quyết để nhân dân tham gia tích cực

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp phát huy vai trò của mặt trận tổ quốc trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở phục vụ phát triển kinh tế xã hội tại huyện võ nhai (Trang 78 - 87)