Đặc điểm tự nhiên

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp phát huy vai trò của mặt trận tổ quốc trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở phục vụ phát triển kinh tế xã hội tại huyện võ nhai (Trang 45 - 47)

2.1.1.1 Vị trí địa lý

Võ Nhai là huyện miền núi, thuộc vùng đặc biệt khó khăn nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Thái Nguyên. Phía Bắc giáp huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn, phía Đông giáp huyện Bắc Sơn tỉnh Lạng Sơn, phía Nam giáp huyện Yên Thế tỉnh Bắc Giang, phía Tây giáp huyện Đông Hỷ tỉnh Thái Nguyên.

2.1.1.2 Đặc điểm đất đai, khí hậu, thuỷ văn

Đất đai:

Tổng diện tích đất tự nhiên 83.942,57ha. Trong đó:

- Diện tích đất nông nghiệp 77.552,71 ha, chiếm 92,4% tổng diện tích đất tự nhiên, trong đó: Diện tích đất sản xuất nông nghiệp 11.284,85 ha chiếm 13,4%, diện tích đất lâm nghiệp 66.012,18 ha chiếm 78,6%, diện tích đất nuôi trồng thủy sản 255,68 ha chiếm 0,3% tổng diện tích đất tự nhiên.

- Diện tích đất phi nông nghiệp 3.274,14 ha, chiếm 3,90% tổng diện tích đất tự nhiên.

- Diện tích đất chưa sử dụng: 3.115,69 ha, chiếm 3,7% tổng diện tích đất tự nhiên.

Đặc điểm địa hình huyện Võ Nhai là núi cao, chịu ảnh hưởng của 2 vòng cung là vòng cung Ngân Sơn chạy từ Bắc Kạn theo hướng Đông Bắc -Tây Nam và vòng cung Bắc Sơn chạy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, vì vậy huyện có địa hình khá phức tạp, đồi núi là chủ yếu, đất bằng thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp ít. Vùng núi dốc và núi đá vôi chiếm 92%, những vùng đất bằng phẳng thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ lệ nhỏ tập trung chủ yếu theo các khe suối, dọc các triền sông và thung lũng của vùng núi đá vôi. Toàn huyện độ cao trung bình so với mặt biển từ 100 - 800 m, đất nông nghiệp phân bố ở độ cao 100 - 450 m. Căn cứ vào địa hình, địa mạo và đất đai huyện chia làm 3 tiểu vùng như sau:

- Tiểu vùng I : Bao gồm các xã, thị trấn dọc quốc lộ 1B gồm: Thị trấn Đình Cả, các xã

Phú Thượng; Lâu Thượng; La Hiên, với tổng diện tích vùng này là 14.008,33ha (chiếm 16,69% tổng diện tích đất tự nhiên của huyện) đây là nơi tập trung dân số cao là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá - xã hội của huyện. Đặc điểm vùng này có hệ thống giao thông, thuỷ lợi, điện lưới thuận lợi cho phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa.

- Tiểu vùng II: Gồm 5 xã phía Nam: Tràng Xá; Liên Minh; Phương Giao; Dân Tiến;

Bình Long với tổng diện tích 26.153,57 ha (chiếm 31,16% tổng diện tích đất tự nhiên của huyện). Địa hình đồi núi hình bát úp, bị chia cắt bởi nhiều khe, suối, sông và xen kẽ núi đá vôi có các bãi soi bằng phẳng phù hợp phát triển cây công nghiệp ngắn và

dài ngày, cây lương thực và kết hợp các cây ăn quả, cây lâm nghiệp và phát triển chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại.

- Tiểu vùng III: Bao gồm 6 xã phía Bắc của huyện là xã Nghinh Tường; Sảng Mộc; Thượng Nung; Vũ Chấn; Thần Sa và Cúc Đường với tổng diện tích 43.780,7 (chiếm 52,15% tổng diện tích đất tự nhiên của huyện). Đặc điểm của vùng này là đất rộng, nhiều đồi núi, khe suối rất thuận lợi cho việc phát triển lâm nghiệp, du lịch sinh thái.

Khí hậu:

Khí hậu Võ Nhai mang đặc điểm chung của khí hậu miền núi Bắc Bộ chia làm hai mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô.Mùa mưa kéo dài từ tháng 4 đến tháng 10, mùa khô từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau. Lượng mưa bình quân năm 1.941,5 mm, thấp hơn so với các vùng khác trong tỉnh Thái Nguyên (2.050 - 2.500) và phân bố không đều, lượng mưa tập trung chủ yếu vào các tháng mùa mưa với 1.765mm, chiếm 91% lượng mưa cả năm. Các tháng mùa khô có lượng mưa không đáng kể, lượng bốc hơi nước rất lớn, gây nên tình trạng khô hạn nghiêm trọng cho cây trồng, nhất là đối với cây trồng hàng năm.Độ ẩm bình quân hàng năm trên địa bàn huyện Võ Nhai dao động từ 80 - 87%, các tháng mùa khô, nhất là các tháng cuối năm (tháng 11,12) độ ẩm thấp gây khó khăn cho việc phát triển cây vụ Đông.

Thuỷ văn:

Võ Nhai là huyện có địa hình bị chia cắt bởi nhiều dãy núi đá nên huyện có nhiều khe suối nhỏ, tuy nhiên nguồn nước ít thường bị cạn kiệt về mùa khô. Ngoài nguồn nước mặt từ những dòng sông, suối còn có các nguồn nước khác từ các hang động trong núi đá vôi chảy ra đang được sử dụng cho sản xuất và sinh hoạt.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp phát huy vai trò của mặt trận tổ quốc trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở phục vụ phát triển kinh tế xã hội tại huyện võ nhai (Trang 45 - 47)