Đặc điểm tự nhiên

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp tăng cường công tác tạo việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh thái nguyên (Trang 50 - 52)

2. Khái quát 1 về tỉnh Thái Nguyên

2.1.1 Đặc điểm tự nhiên

2.1.1.1 Điều kiện địa lý tự nhiên a. Vị trí địa lý

Dọc theo quốc lộ số 3, đi khoảng 80 km từ Hà Nội sẽ đến Thái Nguyên, một trong những trung tâm chính trị kinh tế quan trọng thuộc vùng trung du, miền núi phía Bắc. Nằm giáp Bắc Kạn ở phía Bắc, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang ở phía Tây, Lạng Sơn, Bắc Giang ở phía Đông và Thủ đô Hà Nội ở phía Nam, Thái Nguyên là cửa ngõ giao lưu kinh tế - xã hội giữa trung du, miền núi phía Bắc với Đồng bằng Bắc Bộ. Sự giao lưu đó được thực hiện qua một hệ thống đường giao thông thuận tiện (gồm các quốc lộ 3, 1B, 37, 279, tuyến đường sắt Hà Nội – Quán Triều và các tuyến đường sông) hình rẻ quạt mà thành phố Thái Nguyên là đầu nút.

b. Đặc điểm địa hình

Thái Nguyên có nhiều dãy núi cao chạy theo hướng Bắc – Nam, thấp dần về phía Nam. Cấu trúc vùng núi phía Bắc chủ yếu là đá phong hoá mạnh, tạo thành nhiều hang động và thung lũng nhỏ. Phía Nam có dãy Tam Đảo với đỉnh cao nhất 1.590 m, các vách núi dựng đứng kéo dài theo hướng Tây Bắc – Đông Nam. Ngoài ra còn có vòng cung Ngân Sơn, Bắc Sơn là những dãy núi cao chắn gió mùa Đông Bắc cho tỉnh.

Mặc dù là tỉnh trung du, miền núi, nhưng địa hình Thái Nguyên không phức tạp lắm so với các tỉnh trung du, miền núi khác. Đây là một điều kiện thuận lợi cho tỉnh trong canh tác nông – lâm nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội nói chung.

c. Khí hậu

Với địa hình thấp dần từ núi cao xuống núi thấp, rồi xuống trung du, đồng bằng theo hướng Bắc – Nam làm cho khí hậu Thái Nguyên chia thành 3 vùng rõ rệt trong mùa

đông: vùng lạnh, vùng lạnh vừa, vùng ấm và 2 mùa rõ rệt: mùa mưa và mùa khô. Tổng số giờ nắng trong năm dao động từ 1.500 đến 1.750 giờ và phân bố tương đối đều cho các tháng trong năm. Lượng mưa trung bình hàng năm ở Thái Nguyên khá lớn, khoảng 2.000 – 2.500 mm nên tổng lượng nước mưa tự nhiên dự tính lên tới 6,4 tỷ m3/năm.

2.1.1.2 Tài nguyên thiên nhiên a. Tài nguyên đất

Tổng diện tích đất tự nhiên của Thái Nguyên là 3.541 km2. Do ảnh hưởng của địa hình, đất đai ở Thái Nguyên được chia làm 3 loại chính, trong đó, đất núi chiếm diện tích lớn nhất (48,4%), độ cao trên 200 m, tạo điều kiện cho phát triển lâm nghiệp, trồng rừng, cây đặc sản…, đất đồi chiếm 31,4%, độ cao từ 150 – 200 m, phù hợp với cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm và đất ruộng chiếm 12,4%. Thái Nguyên còn có một diện tích lớn đất chưa sử dụng, phần lớn là đất trống đồi trọc (do diện tích rừng tự nhiên đã bị khai thác trước kia) nên đây có thể được coi như một tiềm năng phát triển lâm nghiệp, tăng độ che phủ rừng ở Thái Nguyên.

b. Tài nguyên rừng

Hiện nay, Thái Nguyên có 206.999 ha đất lâm nghiệp, trong đó 146.639 ha đất có rừng, chiếm 41,4% diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh, diện tích đất rừng tự nhiên là 102.190 ha, rừng trồng 44,449 ha. Bên cạnh đó, diện tích đất chưa sử dụng của tỉnh chiếm 17%, trong đó đất rừng phòng hộ 64.553,6 ha, rừng đặc dụng 32.216,4 ha, rừng sản xuất: 110.299,6 ha vừa có tiềm năng phát triển ngành lâm nghiệp, vừa là nhiệm vụ để Thái Nguyên nhanh chóng tiến hành các biện pháp để phủ xanh đất trống đồi trọc.

c. Tài nguyên khoáng sản

Nằm trong vùng sinh khoáng Đông Bắc Việt Nam, thuộc vành đai sinh khoáng Thái Bình Dương, Thái Nguyên còn có nguồn tài nguyên khoáng sản rất phong phú, hiện có khoảng 34 loại hình khoáng sản phân bố tập trung ở các vùng lớn như Đại Từ, thành phố Thái Nguyên, Trại Cau (Đồng Hỷ), Thần Sa (Võ Nhai)…Khoáng sản ở

Thái Nguyên có thể chia ra làm 4 nhóm: nhóm nguyên liệu cháy, bao gồm: than mỡ (trên 15 triệu tấn), than đá (trên 90 triệu tấn); nhóm khoáng sản kim loại, bao gồm kim loại đen (sắt có 47 mỏ và điểm quặng; titan có 18 mỏ và điểm quặng), kim loại màu (thiếc, vonfram, chì, kẽm, vàng, đồng,…); nhóm khoáng sản phi kim loại, bao gồm pyrits, barit, phốtphorit…tổng trữ lượng khoảng 60.000 tấn; nhóm khoáng sản để sản xuất vật liệu xây dựng bao gồm đá xây dựng, đất sét, đá sỏi… với trữ lượng lớn, khoảng 84,6 triệu tấn. Sự phong phú về tài nguyên khoáng sản trong đó gồm nhiều loại có ý nghĩa trong cả nước như sắt, than (đặc biệt là than mỡ) đã tạo cho Thái Nguyên một lợi thế so sánh lớn trong việc phát triển ngành công nghiệp luyện kim, khai khoáng. Đây là thế mạnh đưa Thái Nguyên trở thành trung tâm công nghiệp luyện kim lớn của cả nước.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp tăng cường công tác tạo việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh thái nguyên (Trang 50 - 52)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(115 trang)