Tính đến năm 2018, công tác thu hút VĐT xây dựng CTGT trong chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần không nhỏ trong việc thực hiện kế hoạch phát triển KTXH trong toàn tỉnh, tuy nhiên, hiệu quả thu hút VĐT xây dựng CTGT trong chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh vẫn chưa cao, cụ thể:
Thứ nhất, cơ chế, chính sách thu hút vốn đầu tư xây dựng công trình giao thông thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh còn chưa đạt hiệu quả cao. Thực tế cho thấy, UBND tỉnh và UBND các xã, thành phố Lạng Sơn đã xây dựng các kế hoạch cụ thể trong đầu tư xây dựng các CTGT nông thôn tại các địa phương, đã lập được danh mục các công trình cần thu hút vốn đầu tư. Tuy nhiên, công việc này được
tiến hành thiếu tính chủ động, chưa đồng bộ giữa các xã. Bên cạnh đó, các công trình dự kiến thu hút đầu tư dù đã khái toán tổng mức đầu tư nhưng trong giải pháp thực hiện lại chưa xây dựng phương án thu hút vốn đầu tư cũng như chưa dự kiến đối tượng thu hút đầu tư.
Thứ hai, tỉnh chưa tạo được môi trường đầu tư thực sự hấp dẫn, mang tính cạnh tranh cao so với nhiều tỉnh trong vùng. Vấn đề cải cách hành chính còn nhiều bất cập, thủ tục hành chính theo mô hình liên thông “một cửa” chưa đạt hiệu quả cao. Thiếu sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan chức năng liên quan nên tốn nhiều thời gian giải quyết các vấn đề liên quan đến dự án; việc xác định địa điểm, xin chủ trương cho phép tiến hành dự án, các thủ tục liên quan đến đất đai, đánh giá tác động môi trường… thường bị kéo dài.
Thứ ba, việc huy động nhân dân cùng thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới còn chưa đạt hiệu quả cao và chưa đồng đều ở các địa phương.
Thứ tư, việc sử dụng các nguồn lực tài chính thực hiện xây dựng công trình giao thông trong chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh còn chưa hiệu quả, chi phí xây dựng cao mà chất lượng nhiều công trình chưa thực sự đảm bảo.
Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trên:
Tỉnh còn thụ động trong việc lập quy hoạch phát triển vùng, địa phương; chưa có phương án đề xuất trong giải pháp thu hút vốn đầu tư trên địa bàn.
Mặc dù đã được quan tâm đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp và có sự chuyển biến rõ rệt, nhưng hệ thống đường giao thông nông thôn vẫn còn thấp kém, chưa đáp ứng nhu cầu đi lại và phát triển KTXH của khu vực nông thôn, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa, biên giới. Trong tổng số 896,6 km đường huyện, tỷ lệ cứng hoá còn thấp, đạt 33,2%; 2.526 km đường xã, tỷ lệ cứng hoá còn thấp đạt 28,3 %; 4.166,7 km đường xã, thôn tỷ lệ cứng hóa còn thấp đạt 45%.
Quy hoạch phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn huyện, xã chưa được chú trọng, chất lượng chưa cao.
Vốn đầu tư còn hạn chế, việc đầu tư còn thiếu tính kế hoạch, dàn trải, kéo dài thời gian thi công, làm giảm hiệu quả đầu tư.
Công tác xã hội hoá làm đường giao thông nông thôn thực hiện chưa đồng đều giữa các địa phương.
Chất lượng thi công các tuyến đường giao thông nông thôn chưa cao, tải trọng thiết kế thấp; công tác quản lý phương tiện quá tải lưu thông còn chưa chặt chẽ nên công trình bị xuống cấp.
Công tác bảo trì chưa được các địa phương coi trọng, chỉ tập trung đầu tư xây dựng đường mới nên công trình nhanh chóng xuống cấp, hiệu quả thấp. Đa số các địa phương chưa có kế hoạch tổ chức quản lý bảo trì được thường xuyên.
Hệ thống tổ chức quản lý giao thông nông thôn từ Trung ương đến địa phương chưa có quy định rõ ràng; cán bộ theo dõi công tác giao thông nông thôn ở cấp huyện, xã còn thiếu và yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, chưa được đào tạo thường xuyên nên chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.
Chế độ báo cáo thống kê định kỳ giữa các cấp quản lý chưa được thực hiện theo quy định. Việc chia sẻ thông tin giữa các cơ quan, tổ chức còn nhiều hạn chế nên còn ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo, điều hành.
Hàng năm các huyện, xã còn chậm sơ kết, tổng kết phong trào làm đường giao thông nông thôn để rút kinh nghiệm và kịp thời khen thưởng những điển hình tốt về làm đường giao thông nông thôn, nhằm thúc đẩy phong trào chung.
Kết luận chương 2
Trong chương 2, luận văn đã giới thiệu một cách tổng quát về tỉnh Lạng Sơn với điều kiện tự nhiên có nhiều thuận lợi về vị trí địa lý kinh tế, chính trị khá đặc biệt trên tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; đồng thời là cầu nối, cửa ngõ không chỉ của Việt Nam mà cả các nước ASEAN với thị trường Trung Quốc trong Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc.
Kết quả thu hút vốn đầu tư vào xây dựng công giao thông trong chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa tỉnh Lạng Sơn đã thể hiện rõ được tình hình chung của quá trình thu hút đầu tư trên cơ sở phân tích, đánh giá các tiêu chí cụ thể như về số vốn đầu tư, lĩnh vực và hình thức đầu tư vào nông thôn mới. Kết quả đầu tư từ các nguồn lực xã hội góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hàng năm của tỉnh, bổ sung tăng cường kết cấu hạ tầng, hỗ trợ đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. Kết quả thu hút vốn cơ bản đạt mục tiêu về tổng vốn, cơ cấu ngành nghề đầu tư theo đúng định hướng; góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu và nhiệm vụ chủ yếu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Qua đó, đánh giá được thực trạng thu hút vốn đầu tư vào xây dựng công giao thông trong chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa tỉnh Lạng Sơn từ việc xây dựng các chính sách khuyến khích đầu tư, tạo lập môi trường đầu tư thuận lợi, công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo điều điện thuận lợi cho doanh nghiệp, vận động, xúc tiến đầu tư, công tác phát triển doanh nghiệp, hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp; đẩy mạnh công tác đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cán bộ, công chức; chính sách thu hút người có trình độ chuyên môn cao... để ngày càng đáp ứng được nhu cầu, đảy mạnh phát triển khu kinh tế.
Tuy nhiên, thực trạng thu hút vốn đầu tư xây dựng công trình giao thông trong chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn vẫn còn chưa thực sự hiệu quả, và trong chương 3, luận văn đề xuất định hướng thu hút vốn đầu tư xây dựng công trình giao thông nông thôn và các giải pháp nhằm tăng cường thu hút vốn đầu tư xây dựng công trình giao thông trong chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
CHƯƠNG 3 GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG THU HÚT VỐN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH GIAO THÔNG TRONG CHƯƠNG TRÌNH NÔNG THÔN MỚI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN