Khái niệm rủi ro

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) một số giải pháp nhằm giảm thiểu rủi ro trong các dự án đầu tư xây dựng công trên địa bàn huyện châu đức, tỉnh bà rịa vũng tàu (Trang 26 - 28)

8. Cấu trúc luận văn

1.3.1 Khái niệm rủi ro

Đến nay vẫn chưa có một định nghĩa thống nhất chung nào về rủi ro xuất phát từ góc độ quản lý khác nhau cũng như sự khác nhau giữa các lĩnh vực và ngành nghề. Theo đó, cách nhìn nhận về rủi ro có thể chia thành hai trường phái lớn đó là trường phái truyền thống và trường phái hiện đại.

Trường phái truyền thống nhìn nhận rủi ro là những sự không chắc chắn của những sự kiện xảy ra trong tương lai gây ra những sự sai lệch tiêu cực so với những

mục tiêu ban đầu. Trong Từ điển từ và ngữ Việt Nam (2006), giáo sư Nguyễn Lân đã giải thích rằng rủi ro là sự không may. Trong kinh doanh, rủi ro là những điều ngoài ý muốn xảy ra gây tác động xấu tới sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Có thể thấy, theo trường phái truyền thống, rủi ro mang ý nghĩa tiêu cực khi nó chỉ đem lại những thiệt hại, mất mát, nguy hiểm cho con người hoặc cho doanh nghiệp mà chúng lại nằm ngoài tầm kiểm soát của con người (Đoàn Thị Hồng Vân và cộng sự, 2013).

Ngược lại với trường phái truyền thống, trường phái hiện đại cho rằng rủi ro có thể gây ra những thiệt hại, những điều không mong muốn nhưng con người vẫn có thể phòng tránh được, giảm nhẹ được. Ví dụ như Nhật Bản là quốc gia thường xuyên xảy động đất. Đây là hiện tượng thiên nhiên, nằm ngoài tầm kiểm soát nhưng người dân Nhật Bản vẫn có những giải pháp nhằm hạn chế tối đa thiệt hại về người và của khi rủi ro này xảy ra, đó là lựa chọn thiết kế cũng như vật liệu trong xây dựng nhà cửa, lắp đặt hệ thống nhận biết và báo động, hoặc thường xuyên hướng dẫn, tập huấn người dân cách ứng phó khi động đất xảy ra. William và cộng sự (1997) cho rằng rủi ro là sự biến động tiềm ẩn ở những kết quả. Tổ chức Quốc tế Tiêu chuẩn hóa (2018) khi đề cập đến các nguyên tắc của quản lý rủi ro đã định nghĩa: “Rủi ro là tác động của sự không chắc chắn lên mục tiêu”. Theo đó, tài liệu cũng giải thích rõ các thuật ngữ trong định nghĩa này, bao gồm: Tác động là một sự sai lệch so với dự kiến; Mục tiêu có thể có những khía cạnh khác nhau (như mục tiêu tài chính, sức khỏe, an toàn và môi trường) và có thể áp dụng ở các cấp độ khác nhau (như chiến lược, toàn bộ tổ chức, dự án, sản phẩm và quá trình); Sự không chắc chắn là tình trạng, thậm chí là một phần, sự thiếu hụt thông tin liên quan tới việc hiểu biết hoặc nhận thức về một sự kiện, hệ quả, hoặc khả năng xảy ra của nó. Như vậy, theo trường phái này, rủi ro là sự bất trắc có thể đo lường được, và rủi ro vừa mang tính tích cực vừa mang tính tiêu cực, rủi ro có thể gây ra những tổn thất, mất mát, nguy hiểm v.v… nhưng cũng có thể mang tới cho chúng ta những cơ hội. Nhà quản trị cần nhận dạng chính xác các rủi ro, phân tích, và tìm ra các biện pháp xử lý nhằm mục đích phòng tránh hoặc giảm nhẹ rủi ro, hoặc thậm chí biến rủi ro thành cơ hội phát triển.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) một số giải pháp nhằm giảm thiểu rủi ro trong các dự án đầu tư xây dựng công trên địa bàn huyện châu đức, tỉnh bà rịa vũng tàu (Trang 26 - 28)