Giải pháp giảm thiểu rủi ro nhóm Cộng đồng địa phương

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) một số giải pháp nhằm giảm thiểu rủi ro trong các dự án đầu tư xây dựng công trên địa bàn huyện châu đức, tỉnh bà rịa vũng tàu (Trang 85 - 88)

8. Cấu trúc luận văn

3.2.5 Giải pháp giảm thiểu rủi ro nhóm Cộng đồng địa phương

Để huy động được sự đóng góp của cộng đồng, biện pháp đầu tiên là tổ chức và triển khai các đợt tuyên truyền sâu rộng tại các khu dân cư trên địa bàn huyện Châu Đức về định hướng phát triển chung của huyện. UBND huyện Châu Đức có thể phối hợp với các tổ dân phố để thông báo tình hình thực hiện các dự án của địa phương, lợi ích mà các dự án đã hoàn thành đem lại cho cộng đồng cũng như những dự án gặp khó khăn cần có sự giúp đỡ của cộng đồng. Chỉ khi nào dự án thật sự mang lại lợi ích và giúp nâng cao chất lượng sống của cộng đồng dân cư thì mới có thể tạo được động lực để nhân dân góp sức, góp của hỗ trợ cho việc hoàn thành dự án.

Mặt khác, khi tiến hành thực hiện những dự án đầu tư xây dựng công tại huyện Châu Đức, UBND huyện cũng như các chủ đầu tư cần có những giải pháp đối phó và giảm thiểu những phản ứng tiêu cực của cộng đồng. Như đã trình bày ở chương 2, phản ứng tiêu cực của người dân địa phương chủ yếu xuất phát từ hai nguyên nhân chính là mâu thuẫn trong giải phóng mặt bằng và giải quyết vấn đề tái định cư cho các hộ dân.

Thứ nhất, về nội dung giải phóng mặt bằng. Tương tự như giải pháp huy động sự đóng góp của cộng đồng, UBND huyện Châu Đức cần nâng cao nhận thức của nhân dân sinh sống trên địa bàn về công tác giải phóng mặt bằng. Chính quyền địa phương cần thực hiện chính sách dân chủ trong từng bước công việc. Cần có quy định cụ thể để các hộ dân phải di chuyển biết rõ mình được tham gia ý kiến bàn bạc về những vấn đề gì, bàn thế nào và bàn với ai. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật ở cơ sở nhằm tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân có đầy đủ thông tin, nhận thức rõ ràng, đúng đắn về pháp luật, về các chủ trương, chính sách của Nhà nước và của huyện cũng như ý nghĩa, tầm quan trọng của các dự án được đầu tư trên địa bàn. Đặc biệt, những gương tốt, người tốt trong các hộ dân cần được

tuyên dương trên các phương tiện truyền thông. Đồng thời, UBND huyện có thể nhờ đến những tấm gương tốt này hỗ trợ tham gia vào công tác dân vận, như thế tính thuyết phục sẽ cao hơn.

Về định mức bồi thường, người dân cần nắm rõ được những nội dung liên quan đến chính sách thu hồi đất và cách tính toán giá bồi thường cho các hộ dân. Giá đất bị chi phối bởi nhiều yếu tố khác nhau như vị trí, hình dáng, diện tích, mục đích sử dụng, v.v... trong khi các văn bản hướng dẫn xác định giá đất của Nhà nước chưa rõ ràng, thiếu định tính và định lượng, gây khó khăn cho UBND huyện cũng như chủ đầu tư trong quá trình xác định giá trị bồi thường hợp lý. Để quyền lợi cho các hộ dân thuộc diện giải tỏa được đảm bảo mà vẫn không làm ảnh hưởng đến các dự án đầu tư xây dựng, huyện Châu Đức cần xác định giá đất sát với giá thị trường. Để làm được điều này, huyện cần giao cho một đơn vị độc lập thực hiện được việc này. Sau khi xác định được mức giá bồi thường, cần tiến hành các buổi gặp gỡ với các hộ dân để trình bày, hướng dẫn và trao đổi một cách công khai cách xác định giá này. Vì trình nđộ và khả năng nhận thức của các hộ dân khác nhau nên hoạt động này có thể thực hiện nhiều lần để tất cả mọi người có thể thật sự hiểu rõ và không có phản hồi nào khác. Đồng thời, kết quả của các cuộc gặp gỡ này sẽ làm căn cứ để xác định liệu các đơn vị chủ quản của các dự án có cần điều chỉnh lại mức giá bồi thường hay không. Kinh nghiệm thực tiễn từ các địa phương khác cho thấy rất nhiều trường hợp người dân đã đồng ý với phương án giải phóng mặt bằng nhưng đến khi dự án bắt đầu thi công thì họ lại “đổi ý” và yêu cầu nâng mức bồi thường, gây trở ngại rất nhiều cho dự án. Vì vậy, để tránh rủi ro này, Nhà nước cần có những chế tài khắt khe hơn cho những trường hợp này. Ví dụ như trong biên bản đồng ý giao đất cần có thêm những điều khoản như: Người dân đã nắm rõ phương pháp tính giá bồi thường và đồng ý với phương án do chủ đầu tư đưa ra; Thời hạn để người dân có thể thay đổi ý của mình; Hoặc quy định mức phạt làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công dự án do người dân không chịu giao đất như đã cam kết. Có như thế, các hộ dân mới có trách nhiệm hơn trong việc thực thi những cam kết của mình.

Nội dung tiếp theo liên quan đến phản ứng của cộng đồng địa phương sau khi giải tỏa mặt bằng là vấn đề tái định cư. Đầu tiên vẫn là câu chuyện và tài chính. Nhiều trường hợp người dân chấp nhận di dời để đến khu tái định cư, tuy nhiên mức hỗ trợ của Nhà nước quá thấp dẫn đến tình trạng giá trị đền bù mặt bằng không đủ để người dân chi trả cho giá trị nhà ở tái định cư. Bên cạnh đó, một loạt những dự án hỗ trợ tái định cư không đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của người dân như chưa hoàn thiện các công trình điện, nước cũng như hệ thống giao thông nội bộ, gây khó khăn rất nhiều cho các hộ dân tái định cư. Điều này có thể gây ra những tiền đề xấu, ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân đối với chính quyền. Do đó, để không còn những than phiền, khiếu nại của người dân sau khi các dự án đầu tư xây dựng hoàn thành, các đơn vị chủ quản cần thực hiện một cách đồng bộ giữa việc giải phóng mặt bằng cùng với việc triển khai thực hiện các hạng mục phục vụ cho công trình tái định cư. Để tăng tính minh bạch và hiệu quả, chính quyền huyện cùng chủ đầu tư các dự án tái định cư cần thường xuyên thông báo kết quả hoàn thành từng hạng mục và nêu rõ lý do nếu có chậm trễ. Việc làm này cần thực hiện thường xuyên, tránh tình trạng báo cáo “cho xong” mà phải thật sự đưa ra giải pháp và cam kết, đảm bảo cho việc hoàn thành các dự án tái định cư đúng tiến độ.

Một vấn đề cần lưu tâm khác là tình trạng người dân không đến sinh sống ở khu nhà ở tái định cư, các dự án tiền tỉ bị bỏ hoang, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, ngoài lý do về các hạng mục phục vụ đời sống người dân chưa được hoàn thiện được nêu trên thì nguyên nhân sâu xa chính là người dân không có thu nhập ở khu vực mới. Nếu như trước đây họ là nông dân, họ giao đất nông nghiệp của mình nhưng khi đến khu ở mới họ không có đất canh tác thì họ sẽ sinh sống bằng gì? Nếu như chính quyền huyện Châu Đức có chủ trương chuyển đổi cơ cấu nghề nghiệp cho các hộ nộng dân thì cần làm rõ các vấn đề sau:

1) Định hướng nghề nghiệp mới cho nông dân;

3) Chính sách hỗ trợ việc làm sau khi học nghề như thế nào?.

Trong quá trình giải tỏa mặt bằng, nếu chính quyền địa phương có thể tư vấn những định hướng này cho các hộ dân thì sẽ tránh được những chuyện đau lòng đằng sau những dự án xây dựng đã hoàn thành. Khi người dân được bố trí nơi ở mới phù hợp, được hỗ trợ để có kế sinh nhai mới với thu nhập ổn định hơn thì chắc chắn sẽ là tiền đề tốt, tạo uy tín tốt cho địa phương và giúp các bên thuận lợi hơn trong quá trình thực hiện những dự án đầu tư xây dựng tương tự sau này.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) một số giải pháp nhằm giảm thiểu rủi ro trong các dự án đầu tư xây dựng công trên địa bàn huyện châu đức, tỉnh bà rịa vũng tàu (Trang 85 - 88)