Hiệp định Việt Nam – EAEU mới chính thức có hiệu lực từ ngày 05/10/2016,
tính đến nay mới chỉ được sáu tháng, chính vì thế Hiệp định này chưa thực sự được phổ biến một cách rộng rãi tới tất các doanh nghiệp. Hơn nữa các doanh nghiệp dù biết tới Hiệp định nhưng cũng chưa có một cái nhìn chính xác, toàn diện, nhật thức rõ nét cơ hội, và thách thức mang đến. Để khắc phục vấn đề này, Bộ công thương nên phối hợp nhiều hơn với các bộ ngành để phổ biến rộng rãi nội dung của Hiệp định.
Tổ chức các hội thảo phổ biến về Hiệp định
Trong giai đoạn Hiệp định còn khá mới lạ, những hội thảo như thế này sẽ giúp các doanh nghiệp nắm bắt được nội dung và các cam kết trong Hiệp định, hiểu rõ cơ hội và thách thức Hiệp định mang tới cho doanh nghiệp mình. Nội dung của hội thảo phải đảm bảo cung cấp đẩy đủ các thông tin cần thiết về thời hạn hiệu lực và
tính pháp lý, các cam kết cắt giảm thuế quan, những văn bản pháp lý có liên quan tới lộ trình cắt giảm, chỉ ra nhưng cơ hội thâm nhập vào thị trường và tận dụng các ưu đãi đó đối với những mặt hàng chủ lực và hướng dẫn cách tiếp cận tương tự với các mặt hàng khác. Bên cạnh đó, hội thảo cũng cần có các bài tham luận về Quy tắc xuất xứ trong Hiệp định do chính đại diện Vụ Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương trình bày để hướng dẫn các doanh nghiệp khai thác những ưu đãi của Hiệp định trong lĩnh vực thương mại hàng hóa, thông qua việc tận dụng quy tắc xuất xứ để được hưởng ưu đãi thuế quan, giảm giá thành sản phẩm khi xuất khẩu hàng hóa sang các nước thành viên.
Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các chương trình xúc tiến thương mại định hướng xuất khẩu
- Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả của công tác xúc tiến thương mại; tập trung xúc tiến thương mại tại thị trường các nước thành viên đối với các mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn;
- Để hỗ trợ tích cực cho các danh nghiệp xuất khẩu và góp phần giúp các doanh nghiệp trong nước tham gia vào thị trường các nước thành viên, cần tạo điều kiện nâng cao hiệu quả hoạt động cảu các thương vụ, tăng cường đại diện tham tán thương mại tại các nước này và phối hợp chặt chẽ giữa các Hiệp hội ngành hàng và các Thương vụ Việt Nam tại đây.
- Phối kết hợp hệ thống xúc tiến thương mại với hệ thống khuyến nông, khuyến lâm để cung cấp thông tin và dự báo thị trường trong nước và thị trường quốc tế về những mặt hàng xuất khẩu chủ lực, các thông tin về thị hiếu, chính sách thuế, phi thuế, các yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa của khách hàng để định hướng sản xuất những sản phẩm phù hơp và có sức cạnh tranh cao, tìm kiếm thị trường, chắp nối bạn hàng, giới thiệu đối tác, quảng cáo triển lãm cho các doanh nghiệp, các hợp tác xã và gia đình nông dân..
Xây dựng thương hiệu cho hàng nông sản Việt Nam
Đây là một trong những căn cứ giúp đảm bảo uy tín và danh tiếng của sản phẩm, nâng cao giá trị và gia tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa nông sản trong nước. Để xây dựng và phát triển thương hiệu cho các mặt hàng nông sản Việt Nam,
trước mắt, ta cần định hướng lựa chọn một số thương hiệu chủ lực cho các mặt hàng nông sản đang có thế mạnh trên thị trường các nước thành viên như các đặc sản cà phê Buôn Mê Thuột, thanh long Bình Thuận, xoài cát Hoà Lộc, bưởi Năm Roi, hồ tiêu Chư Sê … để có thể xuất khẩu trực tiếp vào thị trường các nước này mà không phải qua trung gian hoặc mượn thương hiệu nước ngoài.
Bên cạnh đó, nhà nước cũng có thể hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu cho hàng nông sản Việt Nam thông qua sở hữu trí tuệ. Người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cao hơn nhiều lần cho sản phẩm của các doanh nghiệp đã được trao quyền sử dụng các đối tượng sở hữu trí tuệ. Ở Việt Nam, việc sử dụng sở hữu trí tuệ như một công cụ nhằm nâng cao uy tín sản phẩm hiện nay chưa thực sự được chú trọng bởi việc này không thể cho kết quả ngay, mà đòi hỏi phải kiên trì cả một quá trình mới thành công.