Đối với hoạt động ngân hàng nói chung và lĩnh vực thanh toán nói riêng, CMCN 4.0 sẽ mang lại cơ hội cho việc ứng dụng công nghệ quản trị thông minh AI và tự động hóa trong quy trình nghiệp vụ, đẩy nhanh tiến trình hướng tới mô hình chuẩn trong tương lai, trong đó có hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt. Thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực công không ngừng được mở rộng trong nhiều lĩnh vực như: thuế, điện, nước, học phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội… Hiện đã có 27 ngân hàng và 10 TCTD cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán về tiền điện và 100% cơ sở y tế bắt đầu triển khai đề án nhờ thu tiền khám chữa bệnh. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp bảo hiểm xã hội tích cực tham gia với số lượng 21% tổng số người hưởng chế độ được thanh toán qua ngân hàng. Đồng thời, những tiến bộ từ cuộc CMCN 4.0 là bàn đạp giúp các ngân hàng trong nước phát triển và cạnh tranh với các ngân hàng tiên tiến trong khu vực và trên thế giới trong điều kiện nắm bắt, thích nghi và thay đổi kịp thời với xu thế công nghệ mới. Ảnh hưởng của CMCN 4.0 mà cụ thể là Internet, điện toán đám mây, lưu trữ dữ liệu quy mô lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT) sẽ giúp các ngân hàng thương mại trong nước định hình lại mô hình kinh doanh, quản trị, thanh toán điện tử, hướng tới việc xây dựng các ngân hàng kỹ thuật số thông minh trong tương lai. Mô hình quản trị ở
52
các ngân hàng trở nên hoàn thiện nhờ sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo (AI) trong cuộc CMCN 4.0. AI đang là trọng tâm phát triển của rất nhiều công ty công nghệ lớn trên thế giới và dần trở nên hoàn thiện, trong đó thậm chí về một số mặt nào đó có thể thông minh và chính xác hơn con người. Các ngân hàng có thể ứng dụng AI trong việc quản lý danh mục rủi ro, quản lý khách hàng và quản lý cơ sở dữ liệu. Rất nhiều các ngân hàng, ví dụ như HSBC đã sử dụng AI để đảm bảo tuân thủ theo đúng quy định pháp luật và phòng chống hành vi rửa tiền. Với khả năng tự học hỏi và thích nghi, tiềm năng của AI là không giới hạn trong các ứng dụng. Thực tế hiện nay một số ngân hàng của Anh cũng đang xem xét để cho phép khách hàng tương tác với ngân hàng – nhận thông tin tài khoản và chuyển tiền – thông qua phần mềm trợ lý ảo thông minh Alexa của Amazon hay ở mức độ AI đơn giản hơn thì Ngân hàng Hoàng Gia Scotland (RBS) cũng đang đẩy mạnh việc sử dụng hội thoại trả lời tự động (chatbot) để trả lời những yêu cầu của khách hàng.