Tổng quan về cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đẩy mạnh hoạt động marketing tại NHTMCP sài gòn hà nội, chi nhánh quảng ninh trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4 0 (Trang 28 - 33)

7. Kết cấu của luận văn

1.1.3.1. Tổng quan về cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0

* Quá trình hình thành

Cuộc CMCN 4.0 được dựa trên sự kế thừa của 3 cuộc CMCN trước đó. Cuộc CMCN lần thứ nhất từ khoảng năm 1784 sử dụng năng lượng nước và hơi nước để cơ giới hoá sản xuất. Cuộc CMCN lần thứ 2 từ khoảng năm 1870 đến khi Thế Chiến I nổ ra, sử dụng năng lượng điện để tạo nên nền sản xuất quy mô lớn. Cuộc CMCN lần thứ 3 xuất hiện vào khoảng từ năm 1969, với sự ra đời và lan tỏa của công nghệ thông tin, sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hoá sản xuất (Schwab, 2016).

Tới ngày nay, Cuộc CMCN 4.0 đang được hình thành trên nền tảng của CMCN lần thứ 3. Đó là cuộc cách mạng số, đã bắt đầu xuất hiện từ giữa thế kỷ trước. Cuộc cách mạng này có đặc trưng là sự kết hợp các công nghệ giúp xóa nhòa ranh giới giữa các lĩnh vực vật lý, số hóa và sinh học.

Một cuộc CMCN ra đời, luôn được xác định bởi hai lực đẩy và kéo. Lực đẩy chính là các cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật, khoa học công nghệ, có những công nghệ thúc đẩy các cá nhân, doanh nghiệp, và chính phủ áp dụng để nâng cao năng suất, hiệu quả công việc, quy trình sản xuất và cơ cấu lại nền kinh tế, từ đó đem lại nhiều lợi ích, thậm chí có tính bùng nổ, bước ngoặt. Tức là từ những công nghệ mới được sáng tạo ra, người ta áp dụng để mang lại hiệu quả cao hơn cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Như vậy gọi là lực đẩy của cách mạng khoa học công nghệ. Lực kéo lại là những mong muốn, sức ép và hi vọng từ thực tế vận động của các doanh nghiệp và nền kinh tế. Lực kéo có thể đến từ các cuộc khủng hoảng, từ nỗi lo bị doanh nghiệp, nền kinh tế khác vượt qua và từ nhiều nguyên nhân khác (Nguyễn Thị Đào Thu, 2018).

Đối chiếu vào cuộc CMCN lần thứ tư, chúng ta thấy một loạt các sáng tạo công nghệ là nền tảng và tạo cảm hứng cho sự ứng dụng cũng như các sáng tạo tiếp theo. Đó là sự kết nối của con người trên hệ thống Internet, trên quy mô toàn cầu. Sự kết nối của con người thông qua Internet đã xóa bỏ khoảng cách về địa lý giữa con người, làm cho sự giao tiếp, trao đổi và hợp tác của con người được trực tiếp, không phụ thuộc vào khoảng cách địa lý. Đây là một bước ngoặt, và bước ngoặt này chín muồi khi phần lớn nhân loại được tương tác trực tiếp với nhau. Chính từ sáng tạo này, đã đẩy tới một sáng tạo khác, vạn vật kết nối, tức là không chỉ con người kết nối mà cả đồ vật cũng được kết nối. Cùng với vạn vật kết nối là một loạt các sáng tạo công nghệ như năng lượng mới, năng lượng nhiệt hạch, công nghệ vật liệu mới, công nghệ cảm biến, trí tuệ nhân tạo…

* Bản chất và đặc trưng của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 - Bản chất

Thuật ngữ (Industrie 4.0) bắt nguồn từ một dự án trong Chiến lược công nghệ cao của Chính phủ Đức, trong đó khuyến khích việc tin học hoá sản xuất. Thuật ngữ này được sử dụng lần đầu vào năm 2011 tại Hội chợ Hannover - Hội chợ hàng đầu thế giới về công nghệ và công nghiệp, là sự kiện lớn nhất và quan trọng nhất của ngành, được tổ chức thường niên bởi Deutsche Messe AG (CHLB Đức). Khái niệm

này lần đầu tiên được đề cập trong bản Kế hoạch hành động chiến lược công nghệ cao được Chính phủ Đức thông qua vào năm 2012 (Schwab, 2016).

CMCN 4.0 được định nghĩa là một cụm thuật ngữ cho các công nghệ và khái niệm của tổ chức trong chuỗi giá trị đi cùng với các hệ thống vật lý trong không gian ảo, Internet kết nối vạn vật (IoT) và Internet của các dịch vụ (IoS) (Schwab, 2016).

Bản chất công nghệ của cuộc CMCN lần thứ tư là nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh, công nghệ cao để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất. Nói cách khác, đó là sự tích hợp và kết nối công nghệ. Không như các cuộc cách mạng trước đây thường diễn ra theo xu hướng phát minh mới làm lu mờ phát minh cũ, thì ngày nay công nghệ nền tảng của cuộc CMCN lần thứ tư sẽ tạo cơ sở cho các công nghệ khác, các ngành nghề khác cùng phát triển.

- Đặc trưng

Cuộc CMCN lần thứ tư có những đặc trưng sau.

(1) Kết hợp giữa các hệ thống ảo và thực thể

Cuộc CMCN lần thứ tư đã bắt đầu từ những năm 2000, đặc trưng bởi sự hợp nhất, không có ranh giới giữa các lĩnh vực công nghệ, vật lý, kỹ thuật số và sinh học. Đây là xu hướng kết hợp giữa các hệ thống ảo và thực thể, vạn vật kết nối Internet và các hệ thống kết nối Internet (Schwab, 2016).

Cuộc CMCN lần thứ tư đang làm thay đổi cách thức sản xuất, chế tạo. Trong các “nhà máy thông minh”, các máy móc được kết nối Internet và liên kết với nhau qua một hệ thống có thể tự hình dung toàn bộ quy trình sản xuất rồi đưa ra quyết định sẽ thay thế dần các dây chuyền sản xuất trước đây. Nhờ khả năng kết nối của hàng tỷ người trên trên thế giới thông qua các thiết bị di động và khả năng tiếp cận được với cơ sở dữ liệu lớn, những tính năng xử lý thông tin sẽ được nhân lên bởi những đột phá công nghệ trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, công nghệ người máy, Internet kết nối vạn vật, xe tự lái, công nghệ in 3 chiều, công nghệ nano, công nghệ sinh học, khoa học vật liệu, lưu trữ năng lượng và tính toán lượng tử. Từ sự kết nối này, thời đại sản xuất một sản phẩm với số lượng lớn đang dần kết thúc. Thay vào đó là khả năng tiếp nhận nhu cầu của khách hàng và truyền ngay tới công xưởng, các dây chuyền sẽ tự động kết hợp với nhau để sản xuất đơn chiếc với mức giá không thay đổi. Đây gọi là thời đại sản xuất hàng loạt đơn chiếc theo nhu cầu của khách hàng (Nguyễn Thị Đào Thu, 2018).

(2) Quy mô và tốc độ phát triển chưa có tiền lệ trong lịch sử

Nếu quy mô của cuộc CMCN lần thứ nhất diễn ra với chỉ một nhóm ít quốc gia, cuộc CMCN lần thứ hai chưa đến được với 17% dân số thế giới và cuộc CMCN lần thứ ba vẫn chưa đến được với một nửa dân số thế giới thì cuộc CMCN lần thứ tư sẽ khác hẳn. Quy mô của cuộc CMCN lần thứ tư sẽ là toàn thế giới với những ảnh hưởng và tác động vô cùng sâu sắc.

Tốc độ phát triển của những đột phá trong CMCN lần thứ tư này là không có tiền lệ trong lịch sử. Nếu như các cuộc CMCN trước đây diễn ra với tốc độ theo cấp số cộng (hay tuyến tính) thì tốc độ phát triển của CMCN lần thứ tư này là theo cấp số nhân. Thời gian từ khi các ý tưởng về công nghệ và đổi mới sáng tạo được phôi thai, hiện thực hóa các ý tưởng đó trong các phòng thí nghiệm và thương mại hóa ở qui mô lớn các sản phẩm và qui trình mới được tạo ra trên phạm vi toàn cầu được rút ngắn đáng kể. Nếu như trước đây phải mất hàng chục năm các phát minh, cải tiến mới được ứng dụng vào thực tế thì ngày nay, việc cải tiến có thể xảy ra trong hàng tháng, thậm chí là hàng tuần. Những đột phá công nghệ diễn ra trong nhiều lĩnh vực như kể trên với tốc độ rất nhanh và tương tác thúc đẩy nhau đang tạo ra một thế giới được số hóa, tự động hóa và ngày càng trở nên hiệu quả và thông minh hơn. Tốc độ lan truyền công nghệ nhanh của làn sóng Công nghiệp 4.0 này được mô tả như sau: nếu như trước đây để đạt được con số 50 triệu người sử dụng điện thoại cần 75 năm, radio cần 38 năm, tivi cần 13 năm thì gần đây Internet chỉ cần 4 năm và Facebooks chỉ cần 3,5 năm (Viện Chiến lược ngân hàng, 2016).

(3) Tác động mạnh mẽ và toàn diện đến thế giới đương đại

Cuộc CMCN lần thứ tư có những tác động to lớn về kinh tế, xã hội và môi trường ở tất cả các cấp - toàn cầu, khu vực và trong từng quốc gia. Các tác động này mang tính rất tích cực trong dài hạn, song cũng tạo ra nhiều thách thức điều chỉnh trong ngắn đến trung hạn.

Về mặt kinh tế, cuộc CMCN lần thứ tư có tác động đến tiêu dùng, sản xuất và giá cả. Từ góc độ tiêu dùng và giá cả, mọi người dân đều được hưởng lợi nhờ tiếp cận được với nhiều sản phẩm và dịch vụ mới có chất lượng với chi phí thấp hơn.

Từ góc độ sản xuất, trong dài hạn, cuộc CMCN lần này sẽ tác động hết sức tích cực. Kinh tế thế giới đang bước vào giai đoạn tăng trưởng chủ yếu dựa vào động lực không có trần giới hạn là công nghệ và đổi mới sáng tạo, thay cho tăng trưởng chủ yếu dựa vào các yếu tố đầu vào luôn có trần giới hạn (Hoàng Thanh Hà, 2017).

Tuy nhiên cuộc cách mạng công nghệ này đang tạo ra những thách thức liên quan đến những chi phí điều chỉnh trong ngắn đến trung hạn do tác động không đồng đều đến các ngành khác nhau: có những ngành sẽ tăng trưởng mạnh mẽ và có những ngành sẽ phải thu hẹp đáng kể. Trong từng ngành, kể cả các ngành tăng trưởng, tác động cũng có sự khác biệt giữa các doanh nghiệp, với sự xuất hiện và tăng trưởng nhanh của nhiều doanh nghiệp tạo ra những công nghệ mới và sự thu hẹp, kể cả đào thải của các doanh nghiệp lạc nhịp về công nghệ…

Đối với ngành Ngân hàng Việt Nam, CMCN 4.0 có thể tác động tới mô hình tổ chức, quản trị tại các ngân hàng thông qua sự xuất hiện của trí thông minh nhân tạo (AI - Artificial Intelligence) và tác động kênh phân phối, các sản phẩm dịch vụ ngân hàng truyền thống, cụ thể:

Đối với mô hình tổ chức, quản trị tại các ngân hàng: AI - Trí thông minh nhân tạo đang là trọng tâm phát triển của rất nhiều công ty công nghệ lớn trên thế giới, trong đó có Google. Trong tương lai gần, AI sẽ dần trở nên hoàn thiện; thậm chí về một số mặt nào đó có thể thông minh và chính xác hơn con người. Các ngân hàng có thể ứng dụng AI trong việc quản lý danh mục rủi ro, quản lý khách hàng, quản lý cơ sở dữ liệu. Với khả năng tự học hỏi và thích nghi, tiềm năng của AI là không giới hạn trong các ứng dụng, vì vậy, yêu cầu đặt ra với ngành Ngân hàng trong tương lai là nắm bắt được xu hướng, ứng dụng cách làm việc và kiểm soát AI để đảm bảo hoạt động ngân hàng diễn ra an toàn, hiệu quả. Mô hình ngân hàng số hoạt động dựa trên nền tảng công nghệ thông qua các thiết bị số kết nối với các phần mềm máy tính qua môi trường mạng Internet trên thực tế đã, đang và sẽ làm thay đổi toàn bộ cấu trúc hệ thống của ngân hàng. CMCN 4.0 cũng sẽ tạo ra những bước tiến mới trong thay đổi cách giao tiếp và xử lý nghiệp vụ thông qua tương tác và giao tiếp điện tử. Với hạ tầng viễn thông ngày càng phát triển, các cuộc đàm thoại đang có xu hướng thành các cuộc gọi hình ảnh (video-call) với mức độ ổn định và chất lượng ngày càng tăng. Do đó, công việc chăm sóc khách hàng tại các ngân hàng cũng có thể sẽ đòi hỏi thêm những kỹ năng làm việc từ xa qua video-call. Trong tương lai xa, công nghệ thực tế ảo (virtual-reality) và hình ảnh 3 chiều (holography) sẽ có thể thay thế hoàn toàn cách giao tiếp của con người. Các cuộc gọi 3D như trong các bộ phim viễn tưởng có thể sẽ không còn xa vời nữa.

Đối với kênh phân phối và các sản phẩm dịch vụ ngân hàng truyền thống: CMCN 4.0 có thể sẽ làm thay đổi hoàn toàn kênh phân phối và các sản phẩm dịch vụ ngân hàng truyền thống. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, sự xuất hiện của điện

thoại thông minh (smart phone) đã thay đổi cách con người giao tiếp và tương tác, kéo theo sự thay đổi trong kênh phân phối, mạng lưới bán hàng và cách thiết kế sản phẩm dịch vụ của các ngân hàng. Các dịch vụ ngân hàng qua Internet, Mobile, mạng xã hội, phát triển ngân hàng số và giao dịch không giấy tờ sẽ là xu thế phát triển mạnh. Trải nghiệm khách hàng sẽ là xu hướng vượt trội, ở một số nước phát triển, kể cả các nước đang phát triển đã xuất hiện ngày càng nhiều “ngân hàng không giấy”. Nhờ ứng dụng chuyển đổi kỹ thuật số, các sản phẩm của ngân hàng có thể tích hợp được với nhiều sản phẩm dịch vụ phụ trợ để làm hài lòng khách hàng. Việc áp dụng các nguyên tắc của CMCN 4.0, các vấn đề như giao diện lập trình ứng dụng (API), phân phối liền mạch hay phân tích thông minh (Intelligence analytics) sẽ là xu hướng ứng dụng phổ biến trong hoạt động phát triển sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao của các ngân hàng. Ngoài ra, dữ liệu lớn (Big Data) và phân tích hành vi khách hàng cũng đang trở thành xu hướng tương lai trong thời đại công nghệ số, nhờ vào việc công nghệ hỗ trợ có thể thu thập dữ liệu bên trong và bên ngoài thông qua tổ chức phân tích hành vi khách hàng nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, mang lại giá trị gia tăng, góp phần tiết giảm chi phí và hỗ trợ cho các quá trình ra quyết định.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đẩy mạnh hoạt động marketing tại NHTMCP sài gòn hà nội, chi nhánh quảng ninh trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4 0 (Trang 28 - 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(125 trang)