Tác động của cuộc CMCN 4.0 đến hoạt động marketing tại ngân hàng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đẩy mạnh hoạt động marketing tại NHTMCP sài gòn hà nội, chi nhánh quảng ninh trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4 0 (Trang 38 - 42)

7. Kết cấu của luận văn

1.1.3.3. Tác động của cuộc CMCN 4.0 đến hoạt động marketing tại ngân hàng

thương mại

a) Tác động tích cực và cơ hội * Tác động tích cực

Một là, CMCN 4.0 góp phần xây dựng mô hình ngân hàng số hoạt động dựa trên nền tảng công nghệ thông qua các thiết bị số kết nối với các phần mềm máy tính qua môi trường mạng Internet. Ở Việt Nam, ngân hàng số còn khá mới mẻ, song các ngân hàng cũng đã bước đầu có những sự chuẩn bị cho việc xây dựng ngân hàng số như VPBank với sản phẩm Timo không có chi nhánh, Vietcombank có Digital Lab tạo môi trường giao dịch tự động số hóa cho khách hàng hay gần đây nhất là TPBank cho ra mắt hệ thống máy giao dịch LiveBank với tư vấn ảo và có thể phục vụ khách hàng 24/7, và đây cũng có thể coi là một ứng dụng của Trí tuệ nhân tạo trong hoạt động ngân hàng (Viện Chiến lược ngân hàng, 2016).

Hai là, CMCN 4.0 góp phần hỗ trợ ngân hàng nâng cao hoạt động quản lý cũng như giám sát và quản trị rủi ro theo tiêu chuẩn quốc tế nhờ vào ứng dụng Dữ liệu lớn. Một số ngân hàng đã bắt đầu triển khai nghiên cứu áp dụng Dữ liệu lớn vào hoạt động của mình như Vietinbank với Dự án Kho dữ liệu doanh nghiệp (EDW) cung cấp đủ lượng thông tin, dữ liệu cần thiết phục vụ cho các mô hìnhphân tích, dự báo như: Đánh giá hành vi khách hàng, các mô hình dự đoán, cảnh báo rủi ro...; NHTMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) hợp tác với IBM để xây dựng cơ sở dữ liệu lớn phục vụ việc nghiên cứu hành vi khách hàng, nắm bắt được xu hướng lựa chọn của khách hàng và xu thế thị trường, dự báo doanh thu, xây dựng chiến lược và kế hoạch kinh doanh, từ đó tạo ra sự khác biệt trong cách tiếp cận khách hàng và nâng cao hiệu quả kinh doanh nói chung; hay NHTMCP Quân đội (MB)

cũng đang hợp tác với Infosys, Amigo triển khai dự án kho dữ liệu tập trung và công cụ báo cáo quản trị (Data Warehouse) giúp MB xây dựng được nền tảng dữ liệu và công nghệ mạnh đáp ứng các yêu cầu về thông tin, dữ liệu của MB, đồng thời góp phần nâng cao hoạt động quản lý, giám sát và quản trị rủi ro của MB (Viện Chiến lược ngân hàng, 2016).

Ba là, CMCN 4.0 giúp tăng cường đảm bảo an ninh trong thanh toán ngân hàng điện tử nhờ vào ứng dụng công nghệ sinh trắc học. Cùng với sự phát triển nhanh chóng về công nghệ số, các ngân hàng Việt Nam cũng phải đối mặt với những thách thức về bảo mật và nhiều ngân hàng đã bắt đầu triển khai các hình thức bảo mật sinh trắc học như như Vietcombank, ACB, Eximbank, VietinBank,… triển khai giao dịch xác thực bằng vân tay, hay mới đây nhất là Citibank đã giới thiệu công nghệ sinh trắc xác thực bằng giọng nói cho khách hàng tại thị trường Việt Nam vào tháng 10/2016.

Bốn là, CMCN 4.0 góp phần đa dạng hóa các dịch vụ ngân hàng điện tử, khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt do các ngân hàng đã hợp tác với các công ty viễn thông, công ty công nghệ cho ra đời các sản phẩm thanh toán mới. Tuy rằng, thói quen sử dụng tiền mặt vẫn còn hiện hữu trong xã hội Việt Nam nhưng với số lượng khách hàng trẻ, năng động ngày càng lớn, khách hàng có sử dụng điện thoại thông minh tăng lên, nhiều ngân hàng và công ty công nghệ đã hợp tác cho ra đời các sản phẩm ví điện tử như MB hợp tác với Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) ra đời sản phẩm BankPlus, ban đầu chỉ là một ví điện tử đơn giản nhưng đến nay đã có nhiều tiện ích hơn như giao tiền tận nhà, hợp tác với công ty phát hành thẻ MasterCard cho ra đời sản phẩm BankPlus MasterCard; hay các sản phẩm ví điện tử khác như MoMo, Payoo cũng có hợp tác với Vietcombank, Vietinbank,VPBank… Ngoài ra, nhiều ngân hàng như VPBank, ACB, OCB đã triển khai giao dịch bằng hình ảnh/camera với ứng dụng MOCA (Viện Chiến lược ngân hàng, 2016).

* Cơ hội

Cuộc CMCN 4.0 đang đem lại cho hệ thống tài chính ngân hàng Việt Nam không ít các cơ hội để phát triển nhanh chóng hơn dịch vụ ngân hàng điện tử, đuổi kịp các ngân hàng quốc tế trong khu vực và trên thế giới:

Một là, với công nghệ di động phát triển, các ngân hàng có thể khai thác tệp khách hàng mới, vốn là những người trước đây chưa sử dụng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, thông qua các ứng dụng ngân hàng trên di động mà không cần tới chi

nhánh vật lý. Có thể nói công nghệ chính là cánh tay nối dài giúp các ngân hàng vươn xa và rộng hơn tới các khu vực chưa có chi nhánh, tới các khách hàng mới mà không cần phải bỏ ra nhiều chi phí để xây dựng các chi nhánh vật lý (Nguyễn Thị Đào Thu, 2018).

Hai là, sự phát triển của công nghệ trong cuộc CMCN 4.0 sẽ cho ra đời các công nghệ mới, giúp cho các ngân hàng tăng hiệu quả kinh doanh, giảm chi phí giao dịch.

Ba là, công nghệ hiện đại sẽ giúp các ngân hàng không chỉ đẩy mạnh được hoạt động kinh doanh, giảm chi phí giao dịch mà còn tăng tính bảo mật, giao dịch minh bạch và an toàn hơn với những công nghệ mới như blockchain, sinh trắc học trong thanh toán như sử dụng dấu vân tay thay thế cho thẻ thanh toán…

Bốn là, việc xây dựng một xã hội không tiền mặt đang là cơ hội lớn để các ngân hàng đẩy mạnh việc cung cấp các sản phẩm dịch vụ của mình. Nhu cầu thanh toán trực tuyến cũng tăng lên khi hoạt động thương mại điện tử phát triển, công nghệ Vạn vật kết nối Internet (IoT) trở nên thông dụng hơn, và đây cũng là một cơ hội lớn để các ngân hàng mở rộng kinh doanh trong thời kỳ công nghiệp 4.0 (Viện Chiến lược ngân hàng, 2016).

b) Tác động tiêu cực và thách thức * Tác động tiêu cực

Ngoài những tác động tích cực kể trên, cuộc CMCN 4.0 cũng đem đến một số tác động tích cực đối với dịch vụ ngân hàng điện tử như sau:

Một là, những tiến bộ về kỹ thuật công nghệ cũng gây ra nhiều khó khăn cho việc quản lý và giám sát hoạt động tiền tệ - ngân hàng. Do các sản phẩm dịch vụ ngân hàng ngày càng đa dạng, rủi ro kinh doanh phức tạp hơn, gây khó khăn cho nhiều quốc gia trong việc kiểm soát rủi ro dựa trên các phương pháp truyền thống, cơ chế giám sát ngân hàng ở mỗi nước không còn phù hợp. Do vậy, các ngân hàng trung ương cần phải tiếp tục đổi mới hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng. Hiện nay, những vụ vi phạm và tấn công mạng đang gia tăng, dẫn đến lo ngại về tình trạng bất ổn, tiếp tục xói mòn niềm tin của khách hàng. Thực tế cho thấy, tội phạm công nghệ cao có thể lấy cắp tài sản và thông tin của ngân hàng mà không cần phải đến ngân hàng, thậm chí cũng không cần kết nối về mặt vật lý. Do đó, các chính phủ và ngân hàng cần chủ động có biện pháp đối phó khả thi để đảm bảo an ninh mạng và thông tin của khách hàng.

Hai là, thị trường lao động trong lĩnh vực ngân hàng cũng sẽ có sự thay đổi. Do việc ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng này nên các ngân hàng giảm được số lượng nhân viên. Mặc dù vậy, nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ gia tăng (giỏi cả về chuyên môn nghiệp vụ ngân hàng và công nghệ thông tin). Hơn nữa, việc cạnh tranh thông qua mở rộng mạng lưới các chi nhánh ngân hàng sẽ dần chấm dứt, do chi phí hoạt động cao, thay vào đó là công nghệ ngân hàng hiện đại. Điều này cũng tác động đến việc giảm số lượng nhân viên trong lĩnh vực ngân hàng (Viện Chiến lược ngân hàng, 2016).

Ba là, những kỳ vọng của khách hàng, năng lực công nghệ, yêu cầu điều chỉnh, nhân chủng học và khoa học kinh tế đang trở thành mệnh lệnh của sự thay đổi. Những thay đổi này sẽ định hình lại ngành ngân hàng, các ngân hàng cần vượt qua những thách thức này và tái trang bị để có thể thành công trong những thập kỷ tới đây. Trong tương lai, kinh doanh ngân hàng không chỉ đơn thuần là tiếp tục những gì đã và đang làm, ngân hàng có thể thất bại nếu thiếu chiến lược và mô hình kinh doanh rõ ràng để tiến hành việc đổi mới, tiếp tục duy trì vai trò trung tâm trong việc phân bổ dịch vụ ngân hàng.

* Thách thức

Mọi sự thay đổi đều đem lại những cơ hội mới nhưng cũng không ít thách thức đi cùng. Một số thách thức mà hệ thống ngân hàng nói chung và dịch vụ ngân hàng điện tử nói riêng có thể gặp phải khi thực hiện cuộc cách mạng số:

Một là, hệ thống ngân hàng lõi truyền thống phức tạp đang là rào cản lớn nhất đối với sự thành công của ngân hàng số. Nếu không có những sự thay đổi về chiều sâu, các ngân hàng có thể bị tụt lại trong cuộc đua cung cấp các trải nghiệm số cho khách hàng. Hệ thống công nghệ thông tin lỗi thời với cấu trúc không linh hoạt và hoạt động nguyên khối cũng đang cản trở các ngân hàng phát triển lên ngân hàng số, trong khi đó việc thay đổi hệ thống rất phức tạp, tốn kém cả về thời gian lẫn tiền bạc(Nguyễn Thị Đào Thu, 2018).

Hai là, ngân sách đầu tư chiến lược cho các công nghệ mới bị hạn chế khi mà các ngân hàng Việt Nam hiện nay kinh doanh mới chủ yếu tập trung vào ngắn hạn. Đồng thời, do thiếu chiến lược và tầm nhìn về công nghệ số, hiểu biết hạn chế về số hóa và các tiềm năng của số hóa cũng đang hạn chế các ngân hàng đầu tư đúng mực vào việc hiện đại hóa hệ thống.

Ba là, không chỉ gặp hạn chế ở hệ thống máy móc cũ, nhân sự có năng lực về công nghệ số hiện đại trong các ngân hàng Việt Nam còn yếu và mỏng, còn thiếu các nhân sự có khả năng nắm bắt và triển khai các công nghệ số hiện đại trên thế giới.

Bốn là, với tốc độ phát triển của công nghệ số như hiện nay thì bảo mật cũng đang là vấn đề khiến các ngân hàng toàn cầu, trong đó có Việt Nam phải quan tâm rất nhiều khi trình độ của các tổ chức tấn công mạng, trình độ của tội phạm cũng cao hơn rất nhiều, cùng với đó là mức độ toàn cầu hóa cao mà cuộc CMCN 4.0 đem lại thì việc tấn công các ngân hàng Việt Nam không còn chỉ gói gọn trong phạm vi trong nước mà tại bất kỳ một quốc gia nào, tội phạm cũng có thể tấn công được các ngân hàng Việt Nam, trong khi đó năng lực công nghệ thông tin còn mỏng cũng đang là một hạn chế lớn đối với các ngân hàng Việt Nam trong việc xây dựng hệ thống bảo mật, quản trị rủi ro của ngân hàng (Viện Chiến lược ngân hàng, 2016).

Năm là, không chỉ có những thách thức đến từ bên trong các ngân hàng mà cả những thách thức đến từ bên ngoài cũng cần được các ngân hàng chú ý. Đó là sự cạnh tranh đến từ các công ty tài chính công nghệ, khi mà những Apple Pay hay Samsung Pay đang lần lượt ra đời và là đối thủ cạnh tranh trực tiếp đối với các sản phẩm thanh toán của các ngân hàng truyền thống.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đẩy mạnh hoạt động marketing tại NHTMCP sài gòn hà nội, chi nhánh quảng ninh trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4 0 (Trang 38 - 42)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(125 trang)