1.2. Các yếu tố tác động đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp
1.2.2. Các yếu tố bên ngoài doanh nghiệp
1.2.2.1. Các yếu tố môi trường vĩ mô
Môi trường vĩ mô là yếu tố đầu tiên cần được xem xét khi nhận diện các nhân tố tác động đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
- Môi trường chính trị, luật pháp: Yếu tố quan trọng đầu tiên mà bất cứ nhà kinh doanh, nhà đầu tư nào khi tham gia hoạt động đều quan tâm để dự báo mức độ an toàn trong hoạt động tại quốc gia đó, khu vực đó nơi mà doanh nghiệp hoạt động hay có quan hệ hợp tác. Hệ thống các chính sách pháp luật rõ ràng, minh bạch, tạo ra khuôn khổ pháp lý hoạt động cho các doanh nghiệp nhằm thiết lập quan hệ đúng đắn, bình đẳng giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng, đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh. Đối với mỗi lĩnh vực kinh doanh khác nhau chịu sự điều tiết bởi các chính sách luật pháp khác nhau, do đó, cần nắm bắt kịp thời những thay đổi, bổ sung của các chính sách để kinh doanh thuận lợi và đúng luật định tạo niềm tin, uy tín cho khách hàng, đối tác trên thị trường.
.- Môi trường Kinh tế: Môi trường kinh tế bao gồm các yếu tố về tăng trưởng của nền kinh tế, các chính sách tiền tệ và tài khóa, vấn đề tỷ giá, thuế và lạm phát… Khi tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, làm tăng thu nhập và khả năng chi tiêu của người tiêu dùng, làm cầu thị trường tăng lên tạo cơ hội cho doanh nghiệp bán được sản phẩm, dịch vụ với số lượng lớn, tăng giá bán và thu lợi nhuận cao. Lãi suất tăng hay giảm có thể tác động đến trả lãi vay và nguồn vốn đầu tư cho kinh doanh và các hoạt động khác dẫn đến tăng hay giảm năng lực cạnh tranh. Lạm phát là yếu tố không thể bỏ qua khi xem xét đến yếu tố kinh tế. Nó làm giảm tỷ lệ tăng trưởng kinh tế, làm tăng lãi suất, làm mất giá trị thực của đồng tiền, ảnh hưởng tới mức thu nhập và mức sống của người dân từ đó tác động đến cầu của doanh nghiệp. Lạm phát làm giảm các hoạt động đầu tư của
20
doanh nghiệp do khả năng sinh lợi nhuận không cao và có thể bị thua lỗ bởi đồng tiền bị mất giá kéo theo việc giảm dần năng lực cạnh tranh so với các đối thủ mạnh về vốn.
- Môi trường văn hóa xã hội: Nhóm các nhân tố này tác động trực tiếp trong việc hình thành phong tục tập quán, lối sống, thói quen, sở thích, thị hiếu, thái độ, qui mô và phong cách tiêu dùng ảnh hưởng sâu sắc tới cơ cấu của cầu trên thị trường. Vì vậy, để nâng cao năng lực cạnh tranh, doanh nghiệp cần tiến hành nắm bắt đầy đủ các thông tin về thị trường người tiêu dùng để thiết kế sản phẩm, dịch vụ phù hợp, đáp ứng tối đa nhu cầu của họ. Khi nói về văn hóa cũng phải kể đến yếu tố nhân khẩu, nhân khẩu tạo lập quy mô của thị trường, độ tuổi lao động, trình độ học vấn của tầng lớp dân cư…tác động đến nguồn lực lao động của doanh nghiệp, khả năng lao động, năng suất lao động, tác động đến năng lực cạnh tranh.
- Môi trường công nghệ: Trong bối cảnh hiện nay, công nghệ là yếu tố biến đổi không ngừng và vô cùng năng động. Công nghệ không chỉ bao hàm yếu tố về kỹ thuật và trình độ lao động, công nghệ thay đổi còn dẫn đến sự xuất hiện hoặc kết thúc vòng đời hoạt động của cả một ngành chứ không riêng gì sản phẩm. Áp lực từ đổi mới công nghệ ngày càng lớn khi ranh giới giữa các ngành được xóa mờ, khả năng sáng tạo khoa học kỹ thuật, áp dụng công nghệ của ngành khác đang là xu hướng mới tạo động lực hình thành lợi thế cạnh tranh doanh nghiệp.
- Môi trường quốc tế hóa: Các nền kinh tế đã và đang dần vượt qua rào cản về biên giới quốc gia để xây dựng thị trường sản xuất và tiêu thụ mang tính quốc tế. “Sân chơi” đa màu sắc này là hướng phát triển dài hạn trong tương lai mà ở đó năng lực cạnh tranh quốc gia gắn kết với năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Hiểu rõ vị trí của doanh nghiệp trong môi trường quốc tế hóa chính là chìa khóa cho doanh nghiệp tiến xa hơn.
1.2.2.2. Các yếu tố môi trường ngành
Môi trường ngành là môi trường bao gồm các doanh nghiệp trong cùng ngành tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh. Môi trường ngành còn được hiểu là môi trường cạnh tranh của doanh nghiệp, sự tác động của môi trường ngành ảnh hưởng
21
tới khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp là điều không thể phủ nhận. Michael Porter đã xây dựng mô hình năm lực lượng cạnh tranh để phân tích mức độ cạnh tranh trong ngành, đó là các doanh nghiệp cạnh tranh hiện tại, đối thủ gia nhập tiềm năng, khách hàng, sản phẩm thay thế và nhà cung cấp. Các yếu tố này tác động tới môi trường hoạt động của doanh nghiệp nên có ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Có thể xem xét các yếu tố bên ngoài ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thông qua mô hình “Năm lực lượng cạnh tranh” của M. Porter – Sự gia nhập, sự đe dọa của các sản phẩm thay thế, sức mạnh mặc cả của khách hàng, sức mạnh mặc cả của nhà cung cấp và cạnh tranh giữa các đối thủ hiện có – phản ánh thực tế cạnh tranh trong ngành không chỉ bao gồm những doanh nghiệp trong ngành. Khách hàng, nhà cung cấp, sản phẩm thay thế và đối thủ gia nhập tiềm năng đều là những “đối thủ cạnh tranh” của các doanh nghiệp trong ngành và có vai trò khác nhau phụ thuộc vào từng hoàn cảnh cụ thể.
Hình 1.1 Mô hình năm lực lượng cạnh tranh
Tất cả năm lực lượng cạnh tranh này cũng quyết định cường độ cạnh tranh và mức lợi nhuận trong ngành, và yếu tố mạnh nhất sẽ đóng vai trò thống trị và trở nên quan trọng đối với việc hoạch định chiến lược. Chẳng hạn, một doanh nghiệp có vị trí thị trường rất mạnh trong ngành trong đó các đối thủ gia nhập mới không phải là nguy cơ đối với doanh nghiệp đó, thì vẫn có thể bị giảm lợi nhuận nếu doanh nghiệp phải đối mặt với sản phẩm thay thế có giá thấp hơn và chất lượng vượt trội (Michael E. Porter 2009).
22