Áp dụng mô hình 5 lực lượng cạnh tranh của Michael Porter vào phân tích ngành in cho thấy hiện nay tại Việt Nam có số lượng hơn 3000 doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh trong lĩnh vực in ấn và nhiều vạn các cơ sở gia công nhỏ lẻ phân bố rải rác ở tất cả các địa phương, tổ chức sản xuất với mọi quy mô, đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng, các doanh nghiệp in ấn lớn rất khó cạnh tranh với các cơ sở in ấn nhỏ lẻ có lợi thế hơn về vị trí địa lý, thủ tục pháp lý… Với lợi thế công nghệ hiện đại như hiện nay, rào cản ra nhập ngành của các cơ sở kinh doanh ngành in không phải là quá lớn. Vì lẽ đó, số cơ sở tham gia vào ngành trong thời gian gần đây không ngừng tăng lên dẫn đến việc số lượng đối thủ cạnh tranh của doanh nghiệp cũng không ngừng tăng lên.
29
Mặt khác, để tổ chức sản xuất ở quy mô lớn, các doanh nghiệp ngành in phải đầu tư nguồn vốn rất lớn cho trang thiết bị ngành in. Một thực tế khách quan là các xí nghiệp hoạt động trong ngành in trước đây đều do Nhà nước đầu tư quản lý, điều hành và tổ chức sản xuất nhằm thực hiện các nhiệm vụ chính trị đặc biệt (in ấn sản phẩm tuyên truyền chủ trương, chính sách, báo chí chính thống, sách giáo khoa, công trình nghiên cứu…) Trong giai đoạn hiện nay, mục tiêu chính trị này cộng với yêu cầu phải bảo toàn vốn Nhà nước trong điều kiện cạnh tranh khốc liệt gây áp lực rất lớn về mặt chi phí cho các doanh nghiệp, đồng thời cản trở quá trình thoái lui khỏi ngành nếu sản xuất kinh doanh không hiệu quả.
Ngoài ra, dưới áp lực thay đổi công nghệ hiện nay, các sản phẩm online đang dần thay thế hàng loạt hình thức ấn bản phẩm truyền thống cũng là một yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp in ấn truyền thống. Có thể coi các doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ online này cũng là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp in truyền thống hiện nay.