2.3.2.1. Hạn ch ế
Thứ nhất: số lượng khách hàng không lớn, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ có quan hệ vay vốn với SHB Lào Cai còn chiếm tỷ trọng nhỏ so với các NHTM trên địa bàn.
Thứ hai: nợ quá hạn trong cả 3 năm đều cao, tỷ trọng nợ quá hạn/tổng dư nợ đều cao (năm 2014 là 4,6%, năm 2016 là 1,5%) điều đó chứng tỏ hoạt động cho vay còn khá rủi ro. Tuy nhiên tỷ lệ này đang có xu hướng giảm cho thấy ngân hàng đang từng bước giải quyết được hạn chế này
Thứ ba. tỷ trọng vốn cho vay chủ yếu là các khoản nợ ngắn hạn, trong khi đó nhu cầu vay vốn của khách hàng là rất đa dạng. Chi nhánh cần tăng cường khai thác các nhu cầu vốn trung dài hạn, nhất là đối với các dự án đầu tư trọng điểm của tỉnh và Nhà nước, đây là những khoản vay có tính đảm bảo cao và đem lại lợi nhuận lớn cho ngân hàng.
Thứ tư. Chỉ tiêu vòng quay vốn trung bình hàng năm đang có xu hướng giảm. Năm 2014 hệ số vòng quay vốn trung bình là 2,9, đến năm 2016 hệ số này đã giảm xuống vòn 1,82. Phản ánh tốc độ luân chuyển vốn tín dụng của SHB Lào Cai ngày càng chậm hơn, ảnh hưởng tới chất lượng tín dụng.
Thứ năm: Các sản phẩm cho vay còn nghèo nàn, không đa dạng. Hiện nay tại chi nhánh được dùng phổ biến là cho vay tiêu dùng mua ô tô, mua nhà, vay kinh doanh,...
2.3.2.2. Nguyên nhân
a. Nguyên nhân khách quan
Thứ nhất: các diễn biến khó lường của nền kinh tế là nguyên nhân dẫn đến những thay đổi trong chính sách điều hành vĩ mô của chính phủ nói chung và NHNN nói riêng. Việc thay đổi chính sách điều hành của Chính phủ và NHNN làm ảnh hưởng rất nhiều tới chính sách hoạt động của các NHTM, NHNN thắt chặt hoạt động thị trường mở, tăng lãi suất cơ bản đã buộc các NHTM phải cân nhắc trong việc cấp tín dụng.
Thứ hai: Áp lực cạnh tranh từ các ngân hàng khác. Ngày nay với sự ra đời của hàng loạt ngân hàng, các ngân hàng cạnh tranh gay gắt trong việc phát triển các sản phẩm mới, thu hút khách hàng. Hơn nữa không chỉ đối với ngân hàng trong nước mà hiện nay có nhiều ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam đang nỗ lực thiết lập mối quan hệ với các doanh nghiệp của Việt Nam. Các ngân hàng này có tiềm lực mạnh về vốn, công nghệ cao hiên đại, trình độ quản lý chuyên môn cao,. đã thu hút được lượng khách hàng lớn.
Hiện nay ở Lào Cai có 12 ngân hàng đang cùng hoạt động, do đó sự cạnh tranh là rất gay gắt. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của tín dụng cũng như chất lượng tín dụng của chi nhánh.
Thứ ba. ở Việt Nam chưa có nhiều những kho dữ liệu thông tin về khách hàng giữa các tổ chức tín dụng, điều này dẫn đến việc thiếu sót nguồn đáng tin cậy trong việc thẩm định tín dụng, các NHTM vì thế phải tốn nhiều hơn chi phí và thời gian trong việc thẩm định trong khi kết quả vẫn không được đảm bảo.
Thứ tư. sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các ngân hàng vẫn còn rất phổ biến ở Việt Nam, với mục tiêu lợi nhuận, các NHTM chạy đua lãi suất, sử dụng các chương trình khuyến mại trái với quy định ban hành của NHNN nằm thu hút khách hàng, tạo lập nguồn vốn kinh doanh. Việc sử dụng phương thức cạnh tranh này cộng với trong một số trường hợp sự quản lý của các cơ quan chủ quản là khá lỏng lẻo, các tổ chức càng có cơ hội để lợi dụng kiếm lời. Điều này làm ảnh hưởng tới tín dụng cũng như chất lượng tín dụng của các ngân hàng.
b. Nguyên nhân chủ quan
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Hà Nội - Chi nhánh Lào Cai đã luôn cố gắng nỗ lực hoàn thiện công tác tín dụng, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều mặt tồn tại cần được khắc phục nhằm mục tiêu thúc đẩy hơn nữa việc mở rộng thị phần của ngân hàng trong tín dụng.
Thứ nhất: Chiến lược Marketing của ngân hàng còn nhiều hạn chế, chưa đem lại hiệu quả cao. Việc tổ chức nghiên cứu thị trường, tổ chức hội nghị, truyền thông, thực hiện quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng của chi nhánh vẫn còn hạn chế. Do đó ảnh hưởng tới việc thu hút khách hàng của chi nhánh, và cũng ảnh hưởng tới việc nâng cao chất lượng tín dụng tại chi nhánh.
Thứ hai: công tác thu thập và phân tích thông tin tín dụng về khách hàng đôi khi còn gặp nhiều khó khăn. Ngân hàng có thể thu thập thông tin tín dụng từ nhiều nguồn khác nhau như: từ bản thân ngân hàng, từ phía khách hàng, từ trung tâm thông tin tín dụng, từ phía các đối tác của khách hàng, từ mạng internet... nhưng khối lượng cũng như chất lượng thông tin mà chuyên viên quan hệ khách hàng của chi nhánh thu thập được từ khách hàng không được đảm bảo do tình trạng thông tin bất cân xứng dẫn đến công việc đánh giá và đưa ra các quyết định của chuyên viên quan hệ khách hàng không phù hợp về khối lượng, giá cả và thời gian vay vốn không chính xác, chính những điều này đã hạn chế mở rộng tín dụng và ảnh hưởng lớn tới chất lượng tín dụng của chi nhánh.
Thứ ba: hệ thống tiêu chuẩn để đánh giá khách hàng của SHB Lào Cai chưa cụ thể, thiếu toàn diện. Việc đánh giá khách hàng hiện tại của chi nhánh chủ yếu dựa vào năng lực tài chính của khách hàng, trong khi nhiều yếu tố phi tài chính lại bị bỏ qua. Chính điều này đã ảnh hưởng đến việc đánh giá về khách hàng là không thực sự chính xác và đã ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng tín dụng của chi nhánh.
Thứ tư: Công tác kiểm tra giám sát khi cho vay đôi khi còn mang tính hình thức, không phát hiện kịp thời những sai phạm hoặc có phát hiện nhưng chưa có biện pháp xử lý hữu hiệu. Đó cũng là nguyên nhân gây phát sinh nợ quá hạn.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 2
Tín dụng tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Hà Nội - Chi nhánh Lào Cai trong thời gian vừa qua đã có những bước phát triển đáng kể, đạt được một số thành tựu. Điều này cũng góp phần vào doanh thu cũng như sự phát triển của chi nhánh. Tuy nhiên bên cạnh đó tín dụng của chi nhánh vẫn còn gặp một số khó khăn và hạn chế, gây ảnh hưởng tới chất lượng tín dụng. Nguyên nhân của những tồn tại này xuất phát từ nhiều phía nhưng ngân hàng phải là người đi tiên phong trong việc hạn chế và khắc phục những điểm còn bất cập ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng. Việc áp dụng các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng tín dụng trong giai đoạn tới là yêu cầu tất yếu nhằm góp phần vào sự phát triển chung của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội nói chung và SHB Lào Cai nói riêng. Xuất phát từ những nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan, ở Chương 3 của Luận văn sẽ đi sâu vào các giải pháp để nâng cao chất lượng tín dụng tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Hà Nội - Chi nhánh Lào Cai.
CHƯƠNG 3
GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG TÍN DỤNG TẠI NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN HÀ NỘI - CHI NHÁNH LÀO CAI