- Đội ngũ cán bộ giảng viên
2. Một số không gian trong hội họa
2.5. Không gian kết hợp
Không gian kết hợp trong hội họa chiếm một vị trí rộng lớn, phong phú. Nó biến chuyển linh hoạt theo thời gian, theo địa lý. Nó hiện tồn ở nhiều dạng thể đã được gọi tên như Lập thể, Dã thú, Siêu thực… hay trong rất nhiều những hình thức chưa có tên gọi hoặc không xếp được vào phong cách nào. Ngay cả những thiên hướng không gian cảm giác, mục đích triệt để là vậy nhưng ít hay nhiều, nó cũng mang theo yếu tố chủ quan của người vẽ. Điều này có thể mâu thuẫn với đề mục trên, nhưng trong phân tích thụ cảm, sáng tạo rất cần sự phân loại, sắp xếp như vậy. Cái tuyệt đối trong hình thức khác, mối quan hệ khác.
Sự kết hợp hai hình thái không gian mang lại cho hội họa sức biểu cảm lớn lao. Ở đó là sự bộc lộ những rung cảm trước cuộc sống một cách trực tiếp và mạnh mẽ nhất, đồng thời chứa đựng những ẩn ý sâu xa. Nó vẫn giữ lại đặc trưng hình thức bên ngoài của đối tượng, đồng thời chuyển tải những ý niệm bên trong: trong hồn cốt đối tượng miêu tả, trong thế giới nội tâm của họa sĩ, hay cả người thưởng thức.
Ta có thể thấy sức mạnh ghê gớm của sự kết hợp qua một số trường phái, tác giả, tác phẩm hội họa. Trong tranh của VanGogh ông vẽ thiên nhiên được cường điệu hóa một cách có ý thức để “biểu lộ… sự say mê của con người: thế giới nội tâm sôi sục của ông làm nóng chảy cả những đối tượng, cảnh vật bình thường nhất. Những mái nhà lặng lẽ cũng được diễn tả bằng những nét vẽ cuồng nhiệt uốn lượn. Những cây thông được ông khắc họa cuồn cuộn như lửa, bốc cháy ngùn ngụt lên trời. Những vì sao đêm cũng thành tâm điểm cho những vòng xoáy chuyển động trên mặt tranh. Nhân vật được khắc họa, biểu lộ trong sự giằng xé nội tâm với những màu sắc dữ dội.
Họa sĩ Edvard Munch cũng thăm dò những khả năng của màu sắc bạo liệt và đường nét vặn vẹo mà ông dùng để biểu lộ những cảm xúc cơ bản là lo âu, sợ hãi, yêu thương và thù ghét, ông luôn tìm kiếm cái tương đương bằng hình ảnh với những ám ảnh cuồng loạn. Tác phẩm “Tiếng thét” đã biểu hiện cái tột cùng trạng thái sợ hãi, hoảng loạn của con người. Hình hài nhân vật bị bóp méo đến đau đớn. Hai tay ôm chặt lấy tai để quên đi cái âm thanh rùng rợn, khuôn mặt không còn như dáng vẻ thường thấy, méo mó một cách dữ dội và không kiềm chế.Toàn bộ không gian chìm trong màu
84
xám đen u uẩn với những đường nét chất chứa rung động và cảm giác. Như ông từng nói “Leonardo da Vinci đã nghiên cứu con người và mổ xẻ tử thi, tôi cố gắng mổ xẻ
linh hồn”.
Họa sĩ Picasso là người sáng tạo ra chủ nghĩa Lập thể, ông phân tích mổ xẻ đối tượng của mình một cách mạnh bạo. Thiên nhiên, con người xuất hiện trong tranh ông với bao vẻ lạ lùng. Cái tàn khốc của chiến tranh ở tác phẩm “Guernica” được bộc lộ một cách trực tiếp, đi thẳng vào tâm thức con người nhờ hình thức biểu hiện không gian độc đáo này. Trong chiến tranh bom đạn, những thân phận người được diễn tả vặn vẹo, thống thiết trong sự đau đớn. Khuôn mặt của những người phụ nữ, người mẹ biến dạng trong tiếng kêu gào khi mang trên tay đứa con không còn sức sống.
Hội họa phương Đông cũng chứng kiến những sự kết hợp giữa không gian cụ thể và không gian ý niệm. Đó là tính ước lệ cổ sơ mang tính trường kỳ trong nghệ thuật cổ đại Ai Cập; không gian ước lệ, đồng hiện, thường thấy trong nghệ thuật truyền thống Trung Hoa, Nhật Bản hay Việt Nam.
Tranh dân gian Đông Hồ cũng cho ta thấy sự kết hợp ấy thật duyên dáng, thi vị, cuộc sống sinh hoạt của người nông dân được tái tạo bằng cách tạo hình giản đơn đến hồn nhiên, đầy thuận cảm, cách thể hiện hóm hỉnh, nhiều khi chào lộng cho thấy một mơ ước giản dị, một đời sống tinh thần vui tươi lạc quan. Dường như ở đây, tính chất ước lệ là một đặc trưng nổi bật, có thể đại diện cho khuynh hướng biểu hiện không gian kết hợp.