- Đội ngũ cán bộ giảng viên
2. Một số không gian trong hội họa
2.6. Không gian hai chiều
Không gian hai chiều đã từng một thời độc tôn trong thế giới mỹ thuật cổ đại và gắn liền với những giá trị nhân văn sâu xa từ trong tiềm thức con người. Khi người cổ đại khởi đầu việc sáng tạo mỹ thuật với những hình vẽ trên vách hang động, họ đã sử dụng không gian hai chiều. Trong không gian đó, chiều sâu của sự vật không được lưu ý tới, hay nói đúng hơn là không được biểu đạt một cách chính xác. Hội họa dân gian cổ Việt Nam vận dụng rất ít không gian ba chiều. Các nghệ nhân Việt cổ thậm chí hầu như không có ý thức cố gắng tả bóng để làm nổi bật hình khối các vật thể trong tranh. Trái lại, họ tìm cách phẳng hóa sự vật. Những sự vật vốn dĩ không phẳng trong đời sống, khi vào hình họa được cách điệu hóa để trở nên phẳng một cách hợp lý theo ý thức thẩm mỹ của người sáng tạo. Biểu tượng chim lạc trên các mặt trống đồng cổ là một ví dụ.
Lịch sử nghệ thuật hiện đại của phương Tây đã dạy chúng ta bài học về giá trị của tự do trong tư tưởng sáng tạo. Những người nghệ sĩ trường phái Ấn tượng đã tìm thấy tự do vì họ biết chối bỏ ý thức mô tả chính xác vẻ bề ngoài của hiện thực. Thay vào
85
đó họ tập trung vẽ những ấn tượng nhằm biểu đạt tình cảm chân thành của mình. Điều thú vị là, những nghệ sĩ Ấn tượng như VanGogh hay Picasso từng chịu ảnh hưởng sâu sắc từ tranh khắc gỗ Nhật Bản, mà một trong những điểm khác biệt lớn nhất của chúng với hội họa đương thời phương Tây chính là ở tính chất không gian hai chiều. Tư duy về không gian hai chiều chính là duyên do sâu xa khởi nguồn cho sự tự do, phóng khoáng và tính chiêm nghiệm cô đọng sâu sắc trong hội họa phương Tây hiện đại. Sự chuyển hóa trong tư duy mỹ thuật này được minh chứng thuyết phục trong bức “Vũ Điệu”, năm 1910 nổi tiếng của Henri Matisse.
Lựa chọn không gian hai chiều chính là một cách để người nghệ sĩ từ bỏ thế giới nhìn thấy được trong hiện thực để đổi lấy khả năng tự do biểu đạt sự phong phú, phức tạp của sự vật. Cũng giống như ở bức “Vũ Điệu” của Henri Matisse, chúng ta có thể thấy rằng bức tranh “Ngũ Hổ” với lối thể hiện không gian hai chiều rất phù hợp để biểu đạt cho không gian tâm linh có tính khái quát cao.Đây cũng chính là điểm tương đồng giữa tranh thờ Hàng Trống với tranh thờ ở những nền văn hóa tâm linh phát triển mạnh mẽ như Ấn Độ hay Tây Tạng. Qua đó thấy rằng tư duy không gian hai chiều không đơn thuần là biểu hiện của sự lạc hậu về kỹ thuật, mà gắn liền với những giá trị tinh thần độc đáo riêng.
Cũng tương tự như vậy, tư duy không gian hai chiều trong mỹ thuật dân gian Việt vốn gắn liền với những hạn chế trong nhận thức do điều kiện khách quan nhưng nó cũng gắn liền với một hệ mỹ cảm độc đáo và quý giá. Tinh kết hợp với thô, sự cô đọng có tính khái quát cao hòa trộn nhuần nhuyễn với tinh thần cộng đồng giản dị và thoải mái tự do, đó là những giá trị nhân văn cổ truyền của tâm hồn Việt được ẩn chứa trong tư duy không gian hai chiều.