5. Kết cấu của Luận văn
3.2.4. Nâng cao chất lượng quản lý nguồn vốn
3.2.4.1. Kế hoạch hóa nguồn vốn
Trước tình hình rủi ro thanh khoản ở mức cao, trong khi nhu cầu vốn đầu tư ngày càng tăng, việc huy động vốn đã trở thành một trong những thách thức lớn đối với NHPT. Hoạt động huy động vốn cho tín dụng ĐTPT của Nhà nước cần phải có sự hỗ trợ của Nhà nước về nguồn vốn, thông qua việc bảo lãnh đối với trái phiếu do NHPT phát hành và hỗ trợ phòng ngừa rủi ro thị trường (lãi suất, tỷ giá..).
NHPT cần xây dựng và triển khai Chiến lược về huy động vốn cho hoạt động tài trợ giai đoạn 2011 - 2015. Đây là một vấn đề hết sức khó khăn, đòi hỏi phải được xây dựng trên cơ sở định hướng chiến lược về phát triển KT-XH, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và chiến lược phát triển ngành tài chính. Từng bước nghiên cứu, đổi mới công tác kế hoạch hoá và tăng cường quản lý chặt chẽ nguồn vốn theo hướng tập trung trong toàn hệ thống; cải thiện cơ cấu vốn để hạn chế rủi ro kỳ hạn, gắn chặt với quản lý rủi ro theo ngành nghề và vùng lãnh thổ. Phương hướng chiến lược lâu dài là huy động từ thị trường, trong đó thị trường trái phiếu là trọng tâm, nhằm thu hẹp khe hở kỳ hạn,đa dạng các nguồn vốn huy động về kỳ hạn, loại tiền, đối tượng huy động.
3.2.4.2. Hoàn thiện cơ chế và phương thức huy động vốn
a) Cơ chế lãi suất:
Lãi suất huy động vốn cần phải được điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường, tránh việc đưa ra mức lãi suất huy động quá thấp, chưa thật sự gắn với thị trường sẽ gây khó khăn cho các Chi nhánh trong công tác huy động vốn.
b) Đẩy mạnh huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu:
- Phối hợp với NHNN Việt Nam, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Kho bạc Nhà nước và các tổ chức kinh doanh chứng khoán xác định các phương thức phát hành trái phiếu nhằm từng bước nâng quy mô phát hành, chuẩn hóa các loại trái phiếu phát hành để xây dựng đường cong lãi suất chuẩn và tăng tính thanh khoản cho giao dịch trái phiếu tại thị trường thứ cấp.
- Từng bước lành mạnh hóa về tài chính, đảm bảo công khai, minh bạch trong hoạt động nhằm nâng cao hệ số tín nhiệm của NHPT trên thị trường vốn trong và ngoài nước.
- Thường xuyên tổ chức đối thoại với các nhà đầu tư trái phiếu nhằm thắt chặt hơn nữa mối quan hệ giữa nhà phát hành và nhà đầu tư, trao đổi các thông tin cần thiết nhằm đẩy mạnh công tác phát hành trái phiếu.
- Xây dựng phương án phát hành trái phiếu gắn với công trình cụ thể (cho các dự án, công trình có hiệu quả, có khả năng thu hồi vốn nhanh). Từ đó NHPT có thể huy động được lượng vốn tương đối lớn, với mức lãi suất huy động phù hợp, bảo đảm dự án có thể trả nợ đúng hạn.
- NHPT cần nghiên cứu và chuẩn bị điều kiện phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh ở thị trường vốn quốc tế và phát hành trái phiếu NHPT. Đồng thời, Chính phủ cần tăng nguồn vốn chủ sở hữu (tăng vốn điều lệ) cho NHPT. Trong điều kiện NSNN hạn chế, có thể học tập kinh nghiệm của các tổ chức nước ngoài bằng cách giao phần vốn Nhà nước (cổ phần) tại các doanh nghiệp mạnh cho NHPT để tăng vốn điều lệ. Giải pháp này sẽ làm tăng vốn chủ sở hữu và uy tín của NHPT, tăng khả năng huy động trên thị trường, hạn chế rủi ro.
- Ngoài ra, cho phép NHPT được sử dụng vốn nhàn rỗi để tham gia mua bán các giấy tờ có giá theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và thị trường nội tệ liên ngân hàng để NHPT có điều kiện thực hiện các nghiệp vụ thị trường mở, huy động vốn trong những thời điểm cần thiết và sử dụng một cách hiệu quả nhất nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi. NHPT được phép áp dụng quy định về vay vốn và chiết khấu các giấy tờ có giá tại Ngân hàng Nhà nước tương tự như các NHTM. NHPT được tham
gia thanh toán điện tử liên ngân hàng (chuyển tiền điện tử, thanh toán bù trừ) và hỗ trợ công tác thanh toán, kỹ thuật nghiệp vụ chuyển tiền điện tử.
- Từng bước hình thành tổ chức kinh doanh vốn tại Hội sở chính. Thành lập bộ
phận kinh doanh trái phiếu, nghiên cứu phối hợp với các NHTM và tổ chức kinh doanh chứng khoán lớn khác thành lập/phát triển sàn giao dịch trái phiếu nhằm tăng tính thanh khoản của thị trường trái phiếu.
c) Huy động vốn gắn với dịch vụ thanh toán:
- Huy động vốn của các chủ đầu tư, khách hàng có quan hệ với NHPT như: Huy động vốn từ cung cấp dịch vụ thanh toán; huy động vốn từ tài khoản tiền gửi thanh toán của các tổ chức kinh tế có quan hệ tín dụng với NHPT.
- Huy động vốn gắn với hợp đồng tín dụng: Quản lý vốn tự có tham gia đầu tư của chủ đầu tư; huy động vốn khấu hao cơ bản để trả nợ vốn vay của NHPT.
d) Kế hoạch hóa tiền gửi có kỳ hạn:
Để tăng sự thu hút trong hoạt động huy động vốn, có thể kế hoạch hóa tiền gửi có kỳ hạn căn cứ theo tiến độ sử dụng vốn đối với các nguồn vốn đặc thù như: tiền gửi vốn đầu tư, các khoản bảo đảm tiền vay, các khoản tiền gửi cấp phát ủy thác,.v.v... NHPT áp dụng trả lãi theo lãi suất kỳ hạn tương đương kỳ hạn tiền gửi.
3.2.4.3. Đổi mới cơ chế điều hành và quản lý nguồn vốn huy động
a) Giao kế hoạch huy động vốn: NHPT cần căn cứ kế hoạch giải ngân các dự án để giao chỉ tiêu huy động vốn; việc giao kế hoạch huy động vốn phải được bám sát tình hình thực tế cũng như năng lực từng Chi nhánh. Có như vậy thì việc đánh giá hoạt động huy động vốn tại các Chi nhánh mới chuẩn xác.
b) Gắn huy động vốn với hiệu quả hoạt động của NHPT: Các Chi nhánh cần nhận thức tầm quan trọng của công tác huy động vốn; không nên chỉ tập trung vào việc huy động được nguồn, mang tính chất đối phó để hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch mà phải tính toán, cân đối các loại nguồn vốn huy động với mục đích sử dụng.
c) Quản lý nguồn vốn huy động:
- Nguồn vốn được quản lý tập trung tại Hội sở chính, một phần để lại Chi nhánh nhằm bảo đảm nhu cầu Tín dụng Xuất khẩu và thanh toán nợ ngắn hạn. Hội sở chính quản lý nguồn vốn tại Chi nhánh bằng công cụ định mức tồn ngân. Tất cả nguồn vốn huy động và thu nợ gốc ở Chi nhánh, sau khi cân đối định mức tồn ngân tại Chi nhánh, phải chuyển ngay về Hội sở chính.
- Ket quả huy động vốn của Chi nhánh điều chuyển về Hội sở chính sẽ được hưởng phí điều chuyển vốn và tính vào chỉ tiêu thu nhập của Chi nhánh. Điều hành nguồn vốn giữa Hội sở chính và Chi nhánh cần được xây dựng theo hướng (i) xác định hạn mức sử dụng vốn cho Chi nhánh căn cứ vào kế hoạch giải ngân; (ii) Chi nhánh sử dụng vốn vượt hạn mức phải trả phí sử dụng vốn; (iii) Nguồn vốn huy động dài hạn tại Chi nhánh vượt hạn mức sử dụng vốn, Chi nhánh chuyển về Hội sở chính và được hưởng phí điều chuyển vốn. Phí điều chuyển vốn từ Chi nhánh về Hội sở chính được xây dựng theo hướng khuyến khích Chi nhánh huy động dài hạn, NHPT quản lý nguồn vốn tại Chi nhánh bằng công cụ định mức tồn ngân.