5. Kết cấu của Luận văn
3.2.5. Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn
3.2.5.1. Nâng cao chất lượng công tác thẩm định dự án đầu tư
Cùng với việc đảm bảo số lượng và chất lượng cán bộ làm công tác tín dụng (bao gồm cả thẩm định và cho vay), chất lượng công tác thẩm định rất cần được nâng cao nhằm chọn lọc được những dự án có hiệu quả với rủi ro ở mức thấp nhất. Để góp phần nâng cao chất lượng công tác thẩm định dự án đầu tư, NHPT cần thực hiện một số nội dung sau:
- Thứ nhất, đảm bảo việc tuân thủ nghiêm ngặt quy chế, các quy định của NHPT trong công tác thẩm định dự án. Không ngừng tìm hiểu các phương pháp thẩm định, nội dung và các chỉ tiêu thẩm định khác để tham khảo, đối chiếu với quy định của NHPT. Việc tuân thủ quy chế, các quy định của NHPT được đánh giá thông qua công tác kiểm tra nội bộ thường xuyên cũng như các đoàn kiểm tra, kiểm toán bên ngoài.
- Thứ hai, tăng cường khai thác, sử dụng các phần mềm về thẩm định dự án. Cán bộ tín dụng phải là người sử dụng thành thạo ứng dụng tin học trong quá trình phân tích, thẩm định dự án. Tất cả các chỉ tiêu tính toán về dòng tiền, độ nhạy, thời gian thu hồi vốn.v.v... dự án đầu tư cũng như tình hình tài chính của doanh nghiệp cần phải được chuẩn hóa theo quy chế, sổ tay nghiệp vụ và lập công thức sẵn trong ứng dụng. Điều này là rất cần thiết để giảm bớt thời gian tính toán và tăng độ chính xác, đồng bộ của các kết quả tính toán. NHPT cần thiết xây dựng một chương trình tính toán thẩm định thống nhất dựa trên ứng dụng tin học có khả năng kết xuất các báo cáo số liệu thẩm định chính xác, đảm bảo dễ khai thác.
- Thứ ba, chủ động xây dựng hệ thống thông tin phục vụ thẩm định dự án đầu tư. Hệ thống thông tin gồm các chỉ tiêu về dự án đầu tư và tình hình tài chính của doanh nghiệp trên địa bàn. Cụ thể, về dự án sẽ có các thông tin về suất đầu tư, tổng mức và cơ cấu đầu tư, hình thức quản lý dự án, sản phẩm, thị trường tiêu thụ.v.v... Những thông tin này có thể sưu tầm theo nhiều kênh thông tin nhưng thuận lợi nhất là qua Sở Kế hoạch và Đầu tư. Về tình hình tài chính, cần sưu tầm thông tin cơ bản của các doanh nghiệp có dự án đầu tư trong danh sách trên. Thông tin về tài chính được sưu tầm qua Cục thuế hoặc các Chi cục thuế. Các thông tin được sưu tầm có thể chưa phản ánh đúng và hết thực tế của các dự án đầu tư nhưng có thể là dữ liệu để xử lý thông tin phục vụ thẩm định dự án đầu tư của NHPT.
- Thứ tư, nếu có thể, phối hợp với chủ đầu tư từ khi lập dự án để nắm bắt các thuận lợi, khó khăn trong quá trình triển khai làm cơ sở thực tế cho việc hướng dẫn hoặc từ chối khách hàng lập hồ sơ vay vốn đầu tư cho dự án.
- Thứ năm, đối với những lĩnh vực quan trọng, có tác động lớn tới hiệu quả dự án, ảnh hưởng tới chất lượng cho vay, trong khi thẩm định, cần nâng cao chất lượng thẩm định quy hoạch, thị trường, bên cạnh việc căn cứ vào các ý kiến của các cơ quan quản lý Nhà nước, cần thuê các tổ chức có chức năng, năng lực thẩm định làm một trong những căn cứ quan trọng khi quyết định cho vay.
Cần phối hợp với các cơ quan như: Thuế, các TCTD, đối tác của khách hàng trong việc thẩm định năng lực hoạt động sản xuất kinh doanh, năng lực tài chính của Chủ đầu tư.
- Thứ sáu, tăng cường công tác tổng kết, đúc rút kinh nghiệm để không ngừng tìm kiếm và xây dựng các mô hình hợp lý cho mỗi loại hình kinh tế trên địa bàn bằng thực nghiệm. Việc tổng kết, đúc rút kinh nghiệm không chỉ giới hạn trong các dự án vay vốn tại NHPT mà cần mở rộng ra các dự án khác cùng loại hình. Qua đó các thành công cũng như hạn chế của từng dự án đầu tư được phân tích, đánh giá giúp cho việc tăng năng lực dự báo, năng lực thẩm định DAĐT của Chi nhánh trong thẩm định cho vay các dự án về sau.
3.2.5.2. Xây dựng hệ thống chấm điểm tín dụng và xếp hạng khách hàng nội bộ
Mục đích chính của hệ thống chấm điểm tín dụng và xếp hạng tín dụng nội bộ là hỗ trợ việc ra quyết định cho vay, phân loại nợ, tạo lập và quản lý danh mục tín dụng. Cụ thể, việc thực hiện chấm điểm tín dụng và xếp hạng khách hàng nội bộ có thể giúp NHPT thực hiện được các mục tiêu sau:
- Xây dựng chính sách, biện pháp phù hợp với từng loại khách hàng về các điều kiện tín dụng, biện pháp bảo đảm cho khoản tín dụng... nhằm đảm bảo chất lượng, an toàn cho hoạt động tín dụng đầu tư của Nhà nước.
- Giám sát và đánh giá khách hàng khi khoản tín dụng đang còn dư nợ; thực hiện giám sát diễn biến các khoản tín dụng trong những điều kiện kinh tế bình thường, cũng như các tình huống xấu nhất để phát hiện sớm và xử lý các khoản nợ có vấn đề; đo lường rủi ro đối với các khoản tín dụng cũng như của toàn bộ danh mục tín dụng đồng thời cũng thiết lập môi trường nhằm giảm bớt rủi ro trong hoạt động tín dụng.
- Duy trì và phát triển một cơ cấu khách hàng bền vững, từ đó phát triển mạng lưới khách hàng có uy tín và chất lượng, phát triển chiến lược marketing nhằm hướng tới các khách hàng có ít rủi ro.
- Tạo lập cơ sở dữ liệu thống nhất, đồng bộ về khách hàng vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước trong hệ thống NHPT để tạo cơ sở ra quyết định cấp tín dụng (từ chối hay chấp thuận cho vay). Hình thành hệ thống thông tin quản lý, cung cấp đầy đủ thông tin về cơ cấu và chất lượng danh mục tín dụng.
Hệ thống chấm điểm tín dụng và xếp hạng tín dụng nội bộ định dạng và đo lường các rủi ro tín dụng được thực hiện thống nhất, tập trung trong suốt quá trình cho vay và quản lý khoản vay từ Hội sở chính tới tất cả các Chi nhánh, nhằm đáp ứng tốt các yêu cầu về mục tiêu an toàn, hiệu quả và quản lý rủi ro cho hệ thống NHPT. Từ đó, giúp cho việc hoạch định chính sách quản lý rủi ro tín dụng phù hợp, góp phần đẩy nhanh lộ trình hiện đại hoá, áp dụng các chuẩn mực quốc tế trong quản lý rủi ro của NHPT hiện nay. Hệ thống trên được xây dựng cần phù hợp với đặc thù hoạt động tín dụng đầu tư của Nhà nước, đối tượng khách hàng của NHPT và chiến lược phát triển của NHPT, vận hành trên nguyên tắc thận trọng, khách quan và thống nhất. Ngoài ra, không có phương pháp phân tích hay một hệ thống nào có thể thay thế được kinh nghiệm và đánh giá chuyên môn của chính các cán bộ tác nghiệp.
Hệ thống chấm điểm tín dụng và xếp hạng khách hàng cần được xây dựng với mục tiêu linh hoạt, được bổ sung và phát triển nhằm đảm bảo tính thực tế cao và việc đánh giá cũng như hiệu chỉnh hệ thống cần được tiến hành định kỳ, các kết quả chấm điểm phải được lưu trữ đầy đủ cùng với hồ sơ tín dụng của khách hàng, kể cả đối với khách hàng bị từ chối.
Trên cơ sở tổng hợp kết quả chấm điểm, xếp hạng nội bộ khách hàng, NHPT có thể áp dụng các biện pháp, chính sách tín dụng, quản lý danh mục tín dụng đối với từng loại khách hàng nhằm nâng cao chất lượng tín dụng, đảm bảo an toàn vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước.
3.2.5.3. Tái cơ cấu nợ trong tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước
Việc cải cách hệ thống tài chính, ngân hàng hiện đang là vấn đề lớn trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Trong đó, tái cơ cấu nợ là một nội dung đặc biệt quan
trọng, có ý nghĩa minh bạch hóa về tài chính, phù hợp với thông lệ quốc tế, tăng khả năng cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu trong phát triển KT- XH của đất nước. Tuy nhiên, tín dụng ĐTPT của Nhà nước mới dừng ở mức các quy định về xử lý rủi ro theo các nguyên nhân và trường hợp cụ thể, chưa tạo được hướng đột phá trong việc tái cơ cấu nợ, chưa giải quyết dứt điểm các khoản nợ xấu cho vay theo cơ chế kế hoạch hóa và các chương trình tồn đọng như mía đường, đánh bắt xa bờ.v.v.... Để làm được điều đó, NHPT cần từng bước phát triển theo hướng chuẩn hóa, minh bạch hóa về tài chính để nâng cao uy tín, góp phần quan trọng trong việc huy động được nhiều hơn các nguồn vốn cho ĐTPT, phục vụ mục tiêu CNH - HĐH đất nước.
NHPT cần tạo sự thay đổi về chất, coi tái cơ cấu nợ là một trong những nội dung quan trọng có ý nghĩa lâu dài với mục tiêu xây dựng một định chế tài chính lành mạnh và hoạt động minh bạch trong tương lai, phù hợp với thông lệ quốc tế. Theo đó, ngoài các vấn đề cần hoàn thiện về việc xử lý rủi ro cần tính đến các biện pháp như bán nợ hoặc chuyển nợ vay thành vốn cổ phần đối với các doanh nghiệp khó khăn về tài chính đang trong quá trình cổ phần hóa. Có thể áp dụng biện pháp này với những doanh nghiệp có khả năng phát triển tốt trong tương lai, đồng thời tạo điều kiện tốt cho doanh nghiệp cổ phần hóa phát triển. Khi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phát triển và có đủ điều kiện, NHPT có thể bán cổ phần này để thu hồi số vốn đã cho vay cho Nhà nước. Trong một số trường hợp, NHPT có thể thực hiện chức năng khai thác, quản lý tài sản - nợ dưới mô hình công ty (AMC) để bảo đảm thu hồi vốn cho Nhà nước. Mô hình công ty AMC hoạt động theo mô hình công ty TNHH 1 thành viên do NHPT làm chủ sở hữu với mục đích quản lý và khai thác có hiệu quả tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu, tăng cường phòng ngừa rủi ro tài chính trong các hoạt động tín dụng, góp phần nâng cao chất lượng và sự an toàn trong các hoạt động tín dụng của NHPT. Mô hình Công ty AMC sẽ cho phép hoạt động khai thác tài sản - nợ được chuyên nghiệp hơn, năng động hơn với tư cách 1 doanh nghiệp chuyên biệt, nhằm khai thác và đem lại lợi ích tối đa, bảo toàn và phát triển vốn của Nhà nước.
Trong giai đoạn chuyển đổi, các chính sách của Nhà nước đối với NHPT nên có ưu đãi hơn để hỗ trợ cho NHPT xử lý các khoản nợ xấu một cách nhanh chóng, thuận lợi. Neu công tác này không có sự hỗ trợ của Nhà nước, NHPT sẽ mất rất nhiều thời gian và công sức để giải quyết.