Nhóm giải pháp về nghiệp vụ

Một phần của tài liệu 0344 giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra giám sát của chi nhánh NH nhà nước đối với các NHTM trên địa bàn tỉnh hải dương luận văn thạc sỹ kinh tế (Trang 87 - 90)

Tiếp tục củng cố, hoàn thiện bộ máy thanh tra, giám sát chi nhánh cả về số lượng và chất lượng, vừa đáp ứng yêu cầu đổi mới của ngành, đồng thời, phải tương xứng phù hợp với quy mô, tổ chức và hoạt động của các TCTD.

3.2.1.1. Hoàn thiện phương thức giám sát từ xa

- Phải áp dụng các biện pháp cần thiết để các ngân hàng thương mại thực hiện tốt chế độ thông tin báo cáo đang áp dụng. Trên cơ sở đó, kết hợp với số liệu thông tin tín dụng, Thanh tra NHNN mới có đánh giá đầy đủ, toàn diện và chính xác về hoạt động đầu tư của NHTM.

- NHTM phải báo cáo Thanh tra NHNN khi có phát sinh các khoản tiền gửi lớn, bất thường của một tổ chức hoặc cá nhân. Thanh tra NHNN sẽ điều tra theo nguyên tắc bí mật để khẳng định nguồn gốc hình thành khoản tiền này nhằm ngăn ngừa hoạt động “rửa tiền ” thông qua các NHTM.

- Tiếp tục cải tiến chương trình giám sát từ xa đối với chi nhánh một NHTM, bởi vì các chỉ tiêu giám sát, đặc biệt là các chỉ tiêu về pháp luật và quy chế, chỉ áp dụng cho một NHTM độc lập chứ không sử dụng được cho chi nhánh một NHTM.

- Xây dựng quy chế phân tích giám sát từ xa các NHTM theo một chuẩn mực chung. Trong đó phải quy định rõ trình tự các bước phân tích, cách thức phân tích đánh giá một cách thống nhất những vấn đề cốt lõi của một NHTM. Một vấn đề hết sức quan trọng là phải pháp quy hoá các chỉ tiêu giám sát từ xa thì mới có cơ sở để nhận xét, đánh giá kiến nghị xử lý một cách cụ thể đối với những vi phạm những hoạt động bất thường hoặc phải quan tâm, hoặc phải kiểm tra xử lý; các chỉ tiêu về dư nợ cho vay một khách hàng và 10 khách hàng vay lớn nhất, chỉ số khả năng thanh toán, an toàn chi trả... đối với chi nhánh NHTM. Không có các quy định cụ thể như vậy thì việc giám sát từ xa và phân tích giám sát từ xa đối với chi nhánh NHTM sẽ không có căn cứ, kết quả giám sát không phát huy tác dụng thiết thực mà chỉ mang tính chất tư liệu tham khảo mà thôi.

Trong bối cảnh hội nhập, để hệ thống ngân hàng phát triển ổn định, bền vững, ngoài việc phải đổi mới cơ chế giám sát từ xa, các cơ quan quản lý, cũng đòi hỏi phải có sự đổi mới trong cơ chế giám sát của từng các TCTD, cần yêu cầu các TCTD công khai hóa thông tin tài chính ở cấp độ cao. Việc yêu cầu báo cáo công khai phải được hỗ trợ bằng một hệ thống chuẩn mực kế toán phù hợp với thông lệ quốc tế, được quốc tế công nhận

3.2.1.2. Nâng cao chất lượng và hoàn thiện phương thức thanh tra tại chồ

Chất lượng thanh tra tại chỗ có ý nghĩa quyết định đến hiệu lực của toàn bộ hoạt động thanh tra, bởi vì thông qua hoạt động thanh tra tại chỗ có thể xác định được toàn bộ ưu điểm, các tồn tại trong việc chấp hành cơ chế, quy chế, pháp luật; đánh giá thực trạng hoạt động của một NHTM hay chi nhánh ngân hàng thương mại trong một giai đoạn nhất định.

Việc xác định chuẩn xác nội dung thanh tra và xây dựng đề cương thanh tra phù hợp có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc thanh tra. Một mặt, phải đảm bảo không bỏ sót nội dung quan trọng cần thanh tra. Mặt khác, cần

bỏ qua những nội dung thứ yếu chưa cấp thiết để tập trung thời gian và lực lượng cho nội dung trọng điểm đánh giá được mức độ rủi ro. Chính vì vậy, thời gian tới nội dung thanh tra không nên chỉ tập trung vào các nghiệp vụ truyền thống như tín dụng và quản lý thu chi tài chính mà phải đặt trọng tâm vào hoạt động quản trị điều hành, hoạt động kiểm tra, kiểm toán nội bộ, hệ thống thông tin quản lý và hệ thống quản trị rủi ro là những lĩnh vực các NHTM còn nhiều bất cập.

3.2.1.3. Phối hợp chặt chẽ hai phương thưc thanh tra để nâng cao hiệu quả

hoạt động

Qua cả lý luận và thực tiễn đều khẳng định giám sát từ xa cung cấp thông tin, “chỉ điểm” cho thanh tra tại chỗ; giám sát theo dõi ngân hàng thương mại một cách thường xuyên giữa các kỳ thanh tra tại chỗ... Còn thanh tra tại chỗ sẽ kiểm toán các thông tin đầu vào của giám sát từ xa, đồng thời kiểm tra việc thực hiện các kiến nghị qua giám sát từ xa. Để vận hành tốt cơ chế phối hợp đó cần phải đổi mới nhận thức mối quan hệ giữa hai phương thức này. Quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, phạm vi của từng phương thức sao cho thông tin đầu ra của bộ phận này sẽ là đầu vào của bộ phận kia và ngược lại. Việc quy định thành hai bộ phận là để có điều kiện chuyên môn hoá về kỹ năng, nhưng phải thống nhất trong một công nghệ thanh tra của ngân hàng.

3.2.1.4 . Áp dụng các biện pháp nhằm thực hiện nghiêm túc các kiến nghị sau thanh tra

Để các NHTM nghiêm túc thực hiện các kiến nghị sau thanh tra, cần:

Phải nâng cao chất lượng của kết luận thanh tra. Kiến nghị sau thanh tra phải rõ ràng, cụ thể về thời gian, không gian và đối tượng thực hiện. Các kết luận và kiến nghị thanh tra ngoài việc gửi cho Thanh tra NHNN và Giám đốc chi nhánh NHNN tỉnh phải đồng gửi cho NHTM Trung ương để nắm bắt được và chỉ đạo chỉnh sửa.

Các chi nhánh NHTM được thanh tra phải có kế hoạch, biện pháp chỉnh sửa sau thanh tra. Kế hoạch phải cụ thể, rõ ràng cho từng thời gian, cán bộ và phòng nghiệp vụ liên quan. Định kỳ tiến hành sơ kết, tổng kết, lập kế hoạch cho kỳ tới. Hội đồng kỷ luật phải xử lý đúng người, đúng việc; kỷ luật nghiêm những cán bộ vi phạm nhưng cũng theo dõi xoá án kỷ luật kịp thời khi cán bộ khắc phục xong tồn tại, khuyết điểm. Quá trình chấn chỉnh có những việc liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp đòi hỏi phải có thời gian chỉnh sửa phải báo cáo Thanh tra Chi nhánh NHNN tỉnh để gia hạn xử lý.

Yêu cầu NHTM Trung ương có văn bản chỉ đạo chi nhánh NHTM chỉnh sửa sau thanh tra. Tổng hợp, phân loại các kiến nghị để giao trách nhiệm cho các phòng ban có liên quan theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, tạo điều kiện cho chi nhánh chấn chỉnh sau thanh tra. Có quy chế khen thưởng chi nhánh thực hiện kinh doanh tốt, xử lý nghiêm những cá nhân, tập thể thiếu trách nhiệm, vi phạm các quy định trong quá trình kinh doanh và không nghiêm túc chỉnh sửa các kiến nghị sau thanh tra.

Kết thúc thời hạn chỉnh sửa, thanh tra tổng hợp và tổ chức kiểm tra việc thực hiện các kiến nghị sau thanh tra. Xử lý nghiêm, đúng pháp luật những trường hợp đối tượng thanh tra không nghiêm túc chỉnh sửa, chỉnh sửa thiếu trách nhiệm hoặc còn để tái phạm. Làm được như vậy thì chắc chắn vai trò và vị thế của Thanh tra Ngân hàng, hiệu quả thanh tra sẽ được nâng cao.

Một phần của tài liệu 0344 giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra giám sát của chi nhánh NH nhà nước đối với các NHTM trên địa bàn tỉnh hải dương luận văn thạc sỹ kinh tế (Trang 87 - 90)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(117 trang)
w