Nguyên nhân rủi ro tín dụng đối với học sinh, sinh viên

Một phần của tài liệu 0092 giải pháp hạn chế rủi ro tín dụng đối với học sinh sinh viên tại NH chính sách tỉnh thanh hóa luận văn thạc sỹ kinh tế (Trang 28 - 32)

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến rủi ro tín dụng đối với học sinh, sinh viên. Một rủi ro xảy ra đối với một món vay có thể là kết quả của nhiều nguyên nhân khác nhau với mức độ tác động và ảnh hưởng khác nhau. Việc phân tích và tìm ra nguyên nhân dẫn đến rủi ro tín dụng chương trình cho vay HSSV là một công việc hết sức quan trọng, có ý nghĩa hết sức to lớn trong

quản lý rủi ro, nhằm hạn chế tối đa những rủi ro có thể xảy ra.

Qua quá trình hoạt động thực tiễn hơn 7 năm phân tích một số nguyên nhân dẫn đến rủi ro trong tín dụng đối với học sinh, sinh viên có nhiều nguyên nhân dẫn tới rủi ro, tuy nhiên tập trung ở một số nguyên nhân cơ bản sau đây:

1.2.3.1. Nguyên nhân từ phía ngân hàng

Một là, về công tác cán bộ. Con người là nguyên nhân đầu tiên dẫn đến rủi ro tín dụng. Đối với tín dụng học sinh, sinh viên hiện nay xuất phát từ ba bộ phận chính sau:

- Một bộ phận cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương và các hội, đoàn thể nhận uỷ thác chưa thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ theo các quy định hiện hành, từ đó dẫn đến tình trạng thiếu sâu sát nhân dân địa phương để nắm bắt tình hình nợ của từng hộ vay; không kịp thời và kiên quyết trong công tác xử lý nợ chây ỳ, xâm tiêu, nợ tồn đọng... thậm chí đôi lúc còn bế tắc, không có giải pháp hữu hiệu để thu hồi nợ. Mặt khác, cán bộ xã, phường chưa nhiệt tình trong công tác phối hợp với Ngân hàng trong việc xử lý nợ, thêm vào đó, lại thường xuyên thay đổi, ảnh hưởng đến công tác phối kết hợp trong việc triển khai cho vay và thu hồi nợ.

- Đạo đức của cán bộ làm công tác XĐGN: Các cấp hội, đoàn thể ở xã, phường và Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn là cầu nối trung gian giữa Ngân hàng với hộ vay trong việc quản lý cho vay và thu nợ. Một số cán bộ hội và Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn chưa thấy được quyền lợi và trách nhiệm của việc ký kết hợp đồng uỷ thác nên không coi trọng việc quản lý giám sát hoạt động của tổ, chưa thực hiện đúng quy ước về thu nợ, thu tiết kiệm.

- Trình độ, năng lực và phẩm chất đạo đức của cán bộ Ngân hàng là một trong các yếu tố rất quan trọng để giải quyết vấn đề hạn chế rủi ro tín dụng, nhất là cán bộ tín dụng người trực tiếp tiếp nhận, kiểm soát hồ sơ khách hàng, nếu trình độ, năng lực và đạo đức cán bộ Ngân hàng không tốt, không tuân

thủ quy trình nghiệp vụ, kiểm soát hồ sơ thiếu chặt chẽ dẫn đến việc cho vay sai đối tượng hoặc cho vay những khách hàng vay vốn sử dụng không đúng mục đích sẽ dẫn đến rủi ro tín dụng tăng cao.

Hai là, Việc mở rộng và tăng trưởng tín dụng quá nhanh thường tạo điều kiện cho rủi ro tín dụng của ngân hàng tăng lên. Chương trình cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội nhiều, lượng khách hàng lớn, việc mở rộng tín dụng và tăng trưởng tín dụng quá nhanh đồng nghĩa với việc kiểm soát đối tượng kém kỹ càng, khả năng giám sát, đôn đốc của Ngân hàng, các tổ chức Hội, đoàn thể nhận ủy thác và các Tổ TK&VV đối với các hộ vay vốn giảm xuống đồng thời cũng làm cho việc tuân thủ chặt chẽ theo quy trình tín dụng bị lơi lỏng.

Ba là, Một số nhân tố khác như chất lượng thông tin và xử lý thông tin trong Ngân hàng, cơ cấu tổ chức và quản lý đội ngũ cán bộ, năng lực công nghệ... Đây là những yếu tố cũng rất quan trọng, nếu chất lượng thông tin và xử lý thông tin của Ngân hàng không tốt dẫn đến việc dự báo sai, thông tin thiếu chính xác vì vậy quyết định thiếu chính xác và không kịp thời; cơ cấu tổ chức và quản lý đội ngũ cán bộ không hợp lý, việc phân công, phân nhiệm không rõ ràng, cụ thể, tinh thần trách nhiệm của cán bộ đối với công việc không cao cũng là những yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng đến rủi ro trong tín dụng đối với học sinh, sinh viên.

1.2.3.2. Nguyên nhân từ phía khách hàng

Một là, khách hàng vay vốn gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan như thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn, gia đình có người ốm đau dài ngày hoặc học sinh, sinh viên bị tai nạn, chết... trong thời gian vay vốn. Vì đối tượng vay vốn chương trình HSSV là những hộ nghèo, cận nghèo, những hộ khó khăn cho nên chỉ cần một cú sốc về kinh tế hộ vay sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việ c hoàn trả vốn vì vậy ảnh hưởng rất lớn đến rủi ro tín dụng đối với học sinh,

sinh viên.

Hai là, học sinh, sinh viên ra trường không có việc làm hoặc có việc làm nhưng thu nhập không ổn định. Theo thống kê hiện nay có hơn 500 trường đại học và cao đẳng, ngoài ra còn rất nhiều những trường ngoài quốc lập, dân lập, tư thục chưa thực sự có chất lượng. Có nhiều trường đại học không có thí sinh tham gia dự thi, nên đã chọn phương án tuyển sinh ồ ạt khiến chất lượng đào tạo chưa đạt yêu cầu dẫn đến nhiều học sinh, sinh viên ra trường không có việc làm do thiếu kỹ năng làm việc. Theo điều tra của Bộ giáo dục, năm 2014 cả nước có đến 60% sinh viên ra trường sau 1 năm không tìm được việc làm do chương trình đào tạo chưa theo kip sự phát triển của nền kinh tế. Bên cạnh đó do thực tế thị trường lao động ở nước ta chưa phát triển cộng với kinh tế những năm gần đây và những năm tiếp theo vẫn còn rất nhiều khó khăn vì vậy tỷ lệ lao động thất nghiệp cao, nhiều học sinh, sinh viên ra trường nhưng không có việc làm hoặc việc làm không ổn định vì vậy ảnh hưởng lớn đến khả năng hoàn trả nợ của hộ vay.

Ba là, Rủi ro đạo đức từ phía khách hàng: Khách hàng cố tình sử dụng vốn sai mục đích, gian lận số liệu trong hồ sơ vay, chủ động lừa đảo ngân hàng, chây ỳ, trốn tránh trách nhiệm, nghĩa vụ trả nợ...Tuy số vốn vay không lớn nhưng với chính sách ưu đãi, lãi suất cho vay thấp vì vậy có một bộ phận khách hàng vay vốn gian lận số liệu, cung cấp thông tin không chính xác để được vay vốn; khi được vay vốn sử dụng vào mục đích khác hoặc dây dưa chây ỳ, trốn tránh trách nhiệm, nghĩa vụ trả nợ bên cạnh đó có một bộ phận khách hàng vay vốn bỏ đi làm ăn xa, chuyển địa phương khác sinh sống... công tác thu hồi nợ gặp rất nhiều khó khăn, chiếm tỷ lệ rủi ro lớn .

1.2.3.3. Nguyên nhân khác

- Do môi trường pháp lý chưa hoàn thiện và đồng bộ, hoặc thay đổi theo hướng bất lợi cho khách hàng.

- Do sự biến động của kinh tế như suy thoái kinh tế, biến động tỷ giá, lạm phát gia tăng ảnh hưởng tới khách hàng vay vốn cũng như ngân hàng.

- Yếu tố thị trường cũng ảnh hưởng đến rủi ro tín dụng đối với HSSV, sự biến động của giá cả, sự diễn biến phức tạp của thị trường hàng hóa, thị trường xuất khẩu... làm cho một số mặt hàng của hộ vay vốn sản xuất ra không đáp ứng nhu cầu tiêu dùng; hoạt động sản xuất kinh doanh của đa số khách hàng vay vốn của NHCSXH còn manh mún, nhỏ lẻ vì vậy chỉ cần thị trường có sự biến động việc sản xuất ra không đáp ứng được nhu cầu của thị trường, sản xuất ra không bán được làm ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của hộ vay.

- Ngoài ra, những rủi ro từ môi trường thiên nhiên như động đất, bão lụt, hạn hán,.. tác động xấu tới phương án đầu tư của khách hàng, làm cho khách hàng khó có nguồn trả nợ ngân hàng, từ đó cũng gây ra rủi ro tín dụng.

Một phần của tài liệu 0092 giải pháp hạn chế rủi ro tín dụng đối với học sinh sinh viên tại NH chính sách tỉnh thanh hóa luận văn thạc sỹ kinh tế (Trang 28 - 32)