Toàn cầu hóa
Toàn cầu hóa đặt các nước vào mối quan hệ kinh tế quốc tế trên cơ sở hợp tác cùng có lợi. Từ đó, những quan hệ di chuyển hàng hóa, dịch vụ và các nguồn lực được hình thành. Toàn cầu hóa có ảnh hưởng rất lớn tới chiến lược và chính sách di chuyển lao động quốc tế của các quốc gia trên thế giới, tiến tới xây dựng những thể chế, cách thức quản lý và hợp tác lao động.
Sự hình thành khu vực kinh tế
Sự hình thành và phát triển của các khu vực kinh tế sẽ hình thành các liên kết kinh tế khu vực ở những mức độ khác nhau. Ở mức độ càng cao, các mối quan hệ kinh tế quốc tế càng trở nên gần gũi, điển hình bằng sự tự do hóa di chuyển hàng hóa, nguồn lực và hình thành các thị trường chung. Đây là nhân tố ảnh hưởng mạnh mẽ khiến các quốc gia trong một khu vực kinh tế xem xét và xác định mức độ tham gia vào di chuyển lao động nội khối của mình.
Trong một khu vực kinh tế, cung – cầu thị trường lao động của các nước thành viên sẽ ảnh hưởng lớn tới quyết định tham gia vào di chuyển lao động trong nội khối chỉ khi người lao động mất ít chi phí hơn so với các cơ hội khác ngoài khối, trong khi vẫn đạt được những mong muốn cần thiết. Bên cạnh đó, sự tồn tại của thị trường lao động chung khu vực cũng có sức ảnh hưởng mạnh, tạo ra những dòng di chuyển giữa các quốc gia thành viên. Các điều kiện thuận lợi cho sự di chuyển, những thiết lập về phân công lao động trong khối kinh tế và sự khác biệt về cung và cầu lao động giữa các quốc gia sẽ thúc đẩy mức độ tham gia vào di chuyển lao động nội khối của các nước thành viên.
Sự chênh lệch thu nhập, mức sống và điều kiện làm việc
Mức sống và chất lượng cuộc sống cũng ảnh hưởng tới di chuyển lao động quốc tế nói chung. Con người luôn mong muốn được nâng cao mức sống và được hưởng chất lượng cuộc sống tốt hơn. Vì vậy, tại quốc gia có nền kinh tế kém phát triển, mức sống thấp, thu nhập được xác định trên thị trường không đủ cải thiện chất lượng cuộc sống thì người lao động có xu hướng muốn di chuyển tới những thị trường lao động khác với thu nhập và điều kiện sống cao hơn. Mức sống liên quan đến sự phát triển, thỏa mãn nhu cầu của con người về các điều kiện kinh tế, xã hội, chính trị, môi trường…
Trình độ phát triển của các quốc gia
Trình độ phát triển của các quốc gia ảnh hưởng nhiều tới sự tham gia vào di chuyển lao động nội khối ở mọi khía cạnh từ quy mô, cơ cấu lao động tới hình thức di chuyển, sự hợp tác giữa các nước và quản lý lao động di chuyển. Với trình độ phát triển cao trong toàn khối, mức lương trung bình nội khối cao tương đối so với ngoại khối thì di chuyển lao động nội khối có xu hướng được đẩy mạnh.
Trình độ giáo dục đào tạo của các quốc gia thành viên trong khối
Trình độ giáo dục đào tạo của các quốc gia cũng ảnh hưởng không nhỏ tới di chuyển lao động. Những quốc gia có trình độ giáo dục đào tạo cao thì thường chất lượng lao động nói chung cao tương đối so với các nước khác. Những lao động này được thường chào đón ở trên thị trường. Những quốc gia có trình độ
lao động phổ thông. Các nước này khi tham gia vào di chuyển lao động thường có xu hướng gửi lao động trình độ chuyên môn thấp và nhận lao động chuyên môn cao.
Sự ổn định chính trị
Sự ổn định về chính trị ảnh hưởng tới cuộc sống của người lao động. Hầu hết tất cả những người lao động đều mong muốn được sống và làm việc trong một môi trường chính trị ổn định vì họ sẽ được an toàn hơn. Với môi trường chính trị ổn định, người lao động có thể khai thác hết năng lực làm việc của mình để cống hiến cho các doanh nghiệp và nền kinh tế. Đây cũng là điều kiện để phát triển và tăng trưởng bền vững. Ở những quốc gia có nền chính trị không ổn định, người lao động thường có xu hướng muốn rời bỏ và di chuyển tới các quốc gia có nền chính trị ổn định hơn.
Định chế văn hóa
Phong cách sống, nét văn hóa, tập quán sinh hoạt, kỷ luật xã hội của các địa phương cũng ảnh hưởng tới di chuyển lao động quốc tế. Thông thường, người lao động khi di chuyển tới một quốc gia khác sẽ gặp sự khác biệt về các định chế văn hóa gây ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống và thói quen của họ. Những định chế văn hóa có thể có ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực tới người lao động nhưng họ có xu hướng mong muốn được làm việc tại nơi có các định chế văn hóa tương đồng với nơi mà họ đã sinh sống.
Chính sách an sinh xã hội cho người tham gia vào di chuyển lao động
Chính sách an sinh xã hội cho người lao động di chuyển đề cập đến quyền được hưởng sự an toàn, đảm bảo thu nhập và chăm sóc y tế. Các quốc gia có chính sách an sinh xã hội khác nhau đối với người lao động nước ngoài tùy theo điều kiện kinh tế - chính trị - xã hội và quan điểm, định hướng đối với xuất nhập khẩu lao động. Các dòng di chuyển lao động thường hướng tới những quốc gia có chính sách an sinh xã hội tốt hơn những quốc gia khác.