Ngoài những tác động tích cực góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở các nước gửi lao động, di chuyển lao động cũng có những ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế, xã hội của những nước này.
- Chảy máu chất xám: Do sự chênh lệch về thu nhập và mức sống ở trong và ngoài nước, những người lao động có tay nghề có xu hướng di chuyển sang các nước khác có thu nhập cao hơn. Với xu hướng di chuyển lao động hiện nay, luồng di chuyển lao động kỹ năng cao từ các nước kém phát triển hơn sang những nước khác đang ngày càng lớn gây ra hiện tượng “chảy máu chất xám” tại nước gửi lao động, giảm lực lượng lao động có trình độ cao trong nước và gây tổn thất về chi phí đào tạo của các nước gửi lao động.
- Ngân sách quốc gia bị ảnh hưởng: Ngân sách hàng năm thường có nguồn thu từ thuế thu nhập cá nhân đối với người lao động có thu nhập cao. Nếu dòng di chuyển lao động tay nghề cao ngày càng gia tăng thì khoản thu ngân sách này sẽ bị suy giảm do tầng lớp lao động này có nguồn thu nhập cao đáng kể so với lao động phổ thông.
- Tổn thất xã hội: Trước đây, phần lớn người tham gia vào di chuyển lao động là nam giới, nhưng gần đây, xu hướng nữ giới hóa các dòng di chuyển lao động làm thay đổi rất nhiều thị trường lao động. Khi trở về, họ phải đối mặt với những vấn đề như bạo lực, trục trặc gia đình hay các vấn đề về kinh tế gia đình. Tất cả những điều này đều ảnh hưởng rất lớn tới các vấn đề xã hội.
Bên cạnh đó, người lao động khi làm việc ở nước ngoài rất dễ bị tổn thương. Ngoài những cú sốc về sự khác biệt văn hóa, lối sống, họ có thể phải chịu sự phân biệt đối xử và được hưởng rất ít các quyền lợi về an sinh xã hội. Thậm chí, họ còn gặp phải sự miệt thị của người lao động bản địa vì cho rằng những người lao động nước ngoài này chiếm mất công ăn việc làm của người bản địa.