Chức năng của TTCK thể hiện vai trò cụ thể của TTCK đối với nền kinh tế, cụ thể là:
Huy động vốn: Thông qua TTCK, các công ty, tổ chức kinh tế, Chính phủ có thể phát hành các cổ phiếu (stock), trái phiếu (bond), gọi chung là chứng khoán để huy động vốn, đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh và đầu tư.
Khuyến khích tiết kiệm và đầu tư: Đầu tư vào các cổ phiếu, trái phiếu, mặc dù chịu nhiều rủi ro hơn, nhưng có khả năng sinh lời nhiều hơn – do không chỉ nhờ vào lãi suất mà còn nhờ vào việc mua/ bán lại các cổ phiếu, trái phiếu này trên TTCK, qua đó khuyến khích tiết kiệm và đầu tư nhiều hơn.
Công cụ di chuyển đầu tư: Một trong những sức hấp dẫn nhất của TTCK chính là giúp NĐT di chuyển vốn đầu tư một cách dễ dàng thông qua việc quyết định mua hoặc bán một loại chứng khoán nào đó trên thị trường, đồng thời, có thể nhanh chóng chuyển đổi thành tiền mặt (tính thanh khoản cao) khi cần thiết.
Khuyến khích cạnh tranh: Giá cổ phiếu và trái phiếu của một công ty có thể lên hoặc xuống tùy vào nhu cầu thị trường. Điều này thúc đẩy các công ty có chứng khoán niêm yết phải nỗ lực kinh doanh hiệu quả, liên tục đổi mới công nghệ, phát triển thương hiệu để chứng khoán của công ty hấp dẫn trong mắt các NĐT.
Phản ánh sức khỏe nền kinh tế: Chỉ số chứng khoán phản ánh giá chứng khoán, được coi là phản ảnh sức khỏe nền kinh tế, cũng như mỗi ngành nghề kinh doanh, mỗi doanh nghiệp niêm yết.
Công cụ hội nhập vào nền kinh tế thế giới: Nhờ vào công cụ di chuyển vốn dễ dàng, TTCK là công cụ để các nền kinh tế đang phát triển hội nhập nhanh chóng với nền kinh tế thế giới.
Để các chức năng của TTCK phát huy tác dụng, các nhà quản lý yêu cầu các thông tin được công bố trên TTCK phải được cung cấp kịp thời, đầy đủ, đảm bảo tính minh bạch và có độ tin cậy cao.