Kết quả nghiên cứu cho thấy các giả thuyết H2, H8, H9, H10 được nêu ra ở phần 2.1.5 bị bác bỏ. Cụ thể là các giả thuyết sau:
H2: Việc kiêm nhiệm sẽ làm giảm mức độ CBTT tài chính của doanh nghiệp.
H8: Doanh nghiệp có khả năng thanh toán càng cao thì mức độ công bố thông tin càng nhiều hơn các doanh nghiệp có khả năng thanh toán thấp.
H9: Doanh nghiệp có đòn bẩy tài chính càng lớn thì mức độ công bố thông tin càng nhiều hơn các doanh nghiệp khác.
H10: Các doanh nghiệp có khả năng sinh lời cao thì mức độ công bố thông tin nhiều hơn các doanh nghiệp có khả năng sinh lời thấp.
Điều này được giải thích như sau:
Với các yếu tố trên, và 3 yếu tố cuối cùng, khả năng thanh toán, đòn bẩy tài chính và khả năng sinh lời, các số liệu để tính toán ra các chỉ số tài chính của doanh nghiệp là yêu cầu cơ bản nhất của một báo cáo tài chính và báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Những số liệu này đã được thống nhất để chuẩn bị cho cuộc họp cổ đông thường niên, nên doanh nghiệp nào cũng sẽ công bố thông tin này một cách công khai và không ảnh hưởng gì đến yếu tố bài nghiên cứu đang thực hiện khảo sát – về mức độ công bố thông tin của DNNY. Điều này ngược lại với kết quả nghiên cứu của Bhayani (2002), Sartawi và cộng sự (2012), của Phạm Thị Thu Đông (2013) còn trong nghiên cứu của Nguyễn Thị Thanh Phương (2016) lại cho ra mối quan hệ ngược chiều.
Với yếu tố Khả năng sinh lời thì vì hệ số ROA này dùng để đo lường hiệu quả việc sử dụng tài sản trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Hệ số ROA thường có sự chênh lệch giữa các ngành với nhau. Những ngành vận tải, xây dựng, sản xuất kim loại đòi hỏi phải có đầu tư lớn vào dây chuyền sản xuất, máy móc thiết bị, công nghệ … thường có hệ số ROA nhỏ hơn so với hệ số ROA của các ngành thương mại, dịch vụ. Tuy nhiên, cũng có những doanh nghiệp có giá trị tài sản lớn cũng vẫn có hệ số ROA lớn. Vì vậy theo cảm nhận của nhà đầu tư thì hệ số ROA không được quan tâm khi xem xét đến mức độ CBTT. Điều này phù hợp với kết quả nghiên cứu của Lê Trường Vinh (2008).
Còn trong nghiên cứu của Nguyễn Thị Thanh Phương (2016) lại tìm thấy một mối quan hệ ngược chiều giữa ROA và mức độ CBTT, trong khi đó nghiên cứu của Phạm Thị Thu Đông (2013) lại là một mối quan hệ thuận chiều.
Cũng theo kết quả nghiên cứu cho thấy các giả thuyết giữa nhân tố Ban kiểm soát (BKS), Quy mô Công ty (QMCT) đối với nhân tố phụ thuộc mức độ CBTT của DNNY chưa có mối liên hệ rõ ràng (p>0.05).
Cụ thể là các giả thuyết sau:
H4: Doanh nghiệp có thành lập Ban kiểm soát cùng hỗ trợ quản lý hoạt động công ty thì mức độ công bố thông tin càng lớn.
H6: Các doanh nghiệp có quy mô lớn thì mức độ công bố thông tin nhiều hơn các doanh nghiệp có quy mô nhỏ.
Hiện tại vẫn chưa nhìn được mối liên hệ rõ ràng giữa các yếu tố này với biến phụ thuộc CBTT, điều này không cùng kết quả với bài nghiên cứu của Bhayani (2012), Nandi và Ghosh (2012), cũng như hai bài nghiên cứu trong nước là của Phạm Thị Thu Đông (2013) và của Huỳnh Thị Vân (2012)
Cuối cùng, dựa trên kết quả nghiên cứu, các giả thuyết H1, H3, H5, H7 nêu ra ở phần 3.5. được chấp nhận. Cụ thể như sau:
H1: Doanh nghiệp có quy mô HĐQT càng đông thì mức độ công bố thông tin càng nhiều.
Quy mô HĐQT được tính bằng tổng số lượng thành viên của HĐQT tại công ty tại thời điểm kiểm toán có ảnh hưởng lớn nhất đến mức độ CBTT trong mô hình với hệ số beta đã chuẩn hóa là 0.333. Điều này được giải thích là do bởi các doanh nghiệp có tài sản lớn, có nhiều cổ đông do đó áp lực về cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư cao. Đồng thời, nhiều thành viên HĐQT cũng có thể hỗ trợ và theo dõi những thông tin được công bố để có thể phản hồi một cách chính xác về tình hình doanh nghiệp lúc bấy giờ. Như vậy, quy mô HĐQT càng lớn thì mức độ CBTT càng cao. Kết luận này là phù hợp với lý thuyết đại diện, lý thuyết tín hiệu và kết quả của các nghiên cứu trước ở nước ngoài như
nghiên cứu của Nandi và Ghosh (2012), nghiên cứu của Mohamed Moustafa Soliman (2013). Còn ở Việt Nam, kết luận này cũng phù hợp với kết quả nghiên cứu của Huỳnh Thị Vân (2013), Nguyễn Thị Thanh Phương (2016), nhưng không phù hợp với kết quả của Phạm Thị Thu Đông (2013).
H7: Doanh nghiệp có thời gian hoạt động càng lâu thì mức độ công bố thông tin càng nhiều.
Chỉ số Beta của yếu tố Thời gian hoạt động là 0.230, đứng vị trí thứ hai, chỉ sau yếu tố Quy mô HĐQT. Theo kết quả kiểm định mô hình, giả thuyết H7 cũng được chấp nhận với mức ý nghĩa 5%. Điều này có nghĩa là các doanh nghiệp có thời gian hoạt động càng lâu thì mức độ CBTT càng cao. Lý do là vì các công ty hoạt động lâu dài có cơ hội để cải thiện các điều kiện cho quá trình báo cáo như bộ máy kế toán, trình độ áp dụng công nghệ thông tin và các chi phí liên quan đến việc trình bày BCTC. Ngoài ra, khi hoạt động lâu dài, họ càng có nhiều thành tựu để báo cáo nhằm tăng danh tiếng trên thị trường. Mặt khác, các công ty mới ra đời sau chịu áp lực cạnh tranh nhiều hơn từ các đối thủ trên thị trường, do đó họ có xu hướng che dấu những thông tin có ảnh hưởng tiêu cực đến vị thế cạnh tranh của họ trên thị trường. Kết luận này là phù hợp với nghiên cứu của Caferman và Cooke (2002), Alsaeed (2006).
H3: Doanh nghiệp có thành viên HĐQT không tham gia điều hành càng lớn thì mức độ công bố thông tin càng cao.
Theo thông tư 121/2012 về quản trị công ty có quy định ít nhất 1/3 thành viên HĐQT là độc lập. Tuy nhiên, trong số các công ty khảo sát thì có tới 67% công ty vi phạm quy định này. Điều này có thể lý giải là do thông tư mới ban hành năm 2012, các công ty chưa thể đáp ứng và thay đổi cơ cấu điều hành của HĐQT trong thời gian ngắn. Đối với góc nhìn của NĐT và người ngoài công ty, đây là yếu tố quan trọng đảm bảo tính khách quan trung thực của BCTC cũng như quản trị của công ty. Trong mô hình nghiên cứu này, ảnh hưởng của nhân tố Thành viên độc lâp thông qua chỉ số Beta bằng 0.814, đứng thứ 4 về mức độ ảnh hưởng trong số các nhân tố được chấp nhận. Điều này được giải thích rằng, các công ty càng lớn, càng có xu hướng quan tâm nhiều hơn đến thực
trạng kết quả công việc quản lý và công việc vận hành hoạt động kinh doanh sản xuất. Đối với một hay nhiều thành viên không cùng tham gia điều hành thì không bị vướng quá nhiều về tính lợi ích đối với hoạt động của công ty, nên thành viên HĐQT độc lập sẽ đưa ra cái nhìn khách quan hơn trong suốt quá trình làm việc và quản lý của HĐQT. Điều này là phù hợp với lý thuyết đại diện và phù hợp với các nghiên cứu được đưa ra bởi Chen và Jaggi (2000), Hanifa và Cooke (2002).
H5: Tỷ lệ sở hữu cổ đông nước ngoài so với cổ đông toàn doanh nghiệp càng lớn thì mức độ công bố thông tin càng cao.
Đối với các cổ đông nước ngoài, khi họ tham gia đầu tư vào một công ty, đa phần họ sẽ kỹ càng hơn đối với các thông tin nhận được để đưa ra một quyết định tiếp theo. Trong BCTC của các doanh nghiệp niêm yết, các thông tin cần đưa ra một cách tự nguyện, đầy đủ và kịp thời. Đây là yếu tố quan trọng đảm bảo tính khách quan trung thực của BCTC. Trong mô hình nghiên cứu này, ảnh hưởng của nhân tố Sở hữu nước ngoài thông qua chỉ số Beta bằng 0.223, đứng thứ ba sau nhân tố Quy mô Hội đồng quản trị và nhân tố Thời gian hoạt động của DNNY. Điều này được giải thích rằng, với các nhà đầu tư nước ngoài, với kinh nghiệm và kiến thức đa quốc gia của cổ đông nước ngoài, cũng như tính thiết yếu của công bố thông tin, thì họ cân nhắc và xem xét khá kỹ lưỡng các thông tin được công bố và các thông tin nội bộ của doanh nghiệp để có thể xem xét về các khoản mục đầu tư hay chỉnh sửa các chính sách tại doanh nghiệp đó cho phù hợp. Kết luận này là phù hợp với nghiên cứu của Bhayani (2012) và của Nguyễn Thị Thanh Phương (2016).
Kết luận Chương 4
Dựa trên những cơ sở lý thuyết được nêu tại Chương 2 và mục đích bài nghiên cứu, tác giả đã nêu cụ thể về phương pháp nghiên cứu, các bước thực hiện bài nghiên cứu cũng như chỉ ra kết quả nghiên cứu và diễn giải kết quả nghiên cứu một cách cụ thể và có so sánh, xem xét mở rộng đến các bài nghiên cứu trước đó. Tác giả cũng đã sử dụng kỹ thuật thống kê mô tả, ma trận hệ số tương quan và mô hình hồi quy tuyến tính bội được xử lý bằng phần mềm SPSS 20.0 để phân tích các yếu tố tác động đến mức độ CBTT.
Phép thống kê mô tả cho thấy nhìn chung mức độ CBTT của các doanh nghiệp niêm yết vẫn chưa cao, còn gần 17% thông tin bị che dấu. Vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa đáp ứng được quy định về 1/3 số thành viên trong HĐQT không tham gia điều hành.
Qua việc phân tích ma trận hệ số tương quan và việc loại lần lượt các biến không đạt yêu cầu, mô hình cuối cùng cho ta thấy được rằng các yếu tố: Quy mô HĐQT, Thời gian hoạt động, Tỷ lệ sở hữu nước ngoài, và Thành phần HĐQT độc lập có ảnh hưởng đến Mức độ CBTT theo thứ tự giảm dần và không có hiện tượng tự tương quan giữa các biến độc lập.
CHƯƠNG 5: QUAN ĐIỂM VÀ ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP ĐỂ CẢI THIỆN TÌNH HÌNH CÔNG BỐ THÔNG TIN CỦA CÁC DOANH NGHIỆP NIÊM YẾT TRÊN HOSE