Giá cả là hình thức biểu hiện bằng tiền giá trị của hàng hóa và là phương tiện cạnh tranh hữu hiệu nhất. Nó thể hiện mối quan hệ trực tiếp giữa người mua và người bán. Đối với các doanh nghiệp, giá cả trực tiếp tạo ra doanh thu và lợi nhuận
thực tế. Còn đối với người mua, giá hàng hóa luôn được coi là chỉ số đầu tiên để họ đánh giá phần “được” và chi phí phải bỏ ra để sở hữu và tiêu dùng hàng hóa. Vì vậy, những quyết định về giá luôn giữ vai trò quan trọng và phức tạp nhất mà một doanh nghiệp sử dụng chiến lược cạnh tranh của mình.
Theo đánh giá chung, giá của các sản phẩm và dịch vụ của các DNNN còn ở mức cao so với các hàng hóa cùng loại của các doanh nghiệp tư nhân hay hàng hóa nhập khẩu. DNNN luôn luôn theo khuynh hướng tăng giá sản phẩm và dịch vụ do hoạt động theo cơ chế độc quyền. Hầu hết các DNNN chưa có chiến lược cụ thể về giá sản phẩm dịch vụ. Các mặt hàng tăng giá của DNNN đều ở trong lĩnh vực đặc biệt thiết yếu của đời sống và nền kinh tế quốc dân như: điện nước, xăng dầu, vận tải đường biển, đường sắt. Một số mặt hàng như phân bón, sắt thép, xi măng có mức giá cao hơn các mặt hàng cùng loại nhập khẩu từ nước ngoài, ví dụ giá đường thô nhập khẩu từ Thái Lan về đến cảng Sài Gòn có mức giá 9.000đồng/ kg. Trong khi đó giá đường thô trong nước bán tại nhà máy sản xuất là 10.500đồng/kg. Giá đường thô nhập khẩu về rẻ hơn nội địa từ 1.500 - 2.000 đồng/ kg.
Có thể nói, vấn đề giá sản phẩm dịch vụ cao như vậy là một trong những bất lợi lớn cho các DNNN trong quá trình chiếm lĩnh thị trường và nâng cao sức cạnh tranh.
Giải thích cho vấn đề giá sản phẩm dịch vụ của các DNNN cao hơn so với các sản phẩm cùng loại khác trên thị trường thì nguyên nhân chính đó là năng suất lao động thấp, chi phí đầu vào cao. Việt Nam được đánh giá giá là nước có lợi thế về nhân công rẻ, nhưng các DNNN lại sử dụng nhiều lao động, tay nghề cũng như trình độ thấp, cơ chế xin cho, việc tuyển dụng theo kiểu “người nhà” nên năng suất lao động không cao. Do đó, giá nhân công rẻ nhưng thực tế lại không rẻ. Chi phí đầu vào cao do những bất lợi về vùng sản xuất nguyên liệu với quy mô nhỏ, manh mún, không tập trung, thêm nữa là vấn đề độc quyền trong sản xuất và cung ứng cũng góp phần cho chi phí đầu vào tăng cao. Ngoài ra, mức tiêu hao nguyên vật liệu của các DNNN cao hơn so với khu vực.
Một bất lợi lớn cho sản xuất, hoạt động kinh doanh của các DNNN đó là hiện nay giá cả các mặt hàng nguyên vật liệu tăng cao. Một khó khăn không nhỏ cho các DNNN giải bài toán về giảm giá thành sản phẩm. Ví dụ, trong năm 2016, giá xăng
giảm giá 9 lần nhưng tăng 13 lần. Kết thúc năm, giá xăng trong nước đã tăng tổng cộng 6.500 đồng/ lít, giảm tổng cộng khoảng 5.000 đồng/lít. Như vậy, chi phí đầu vào cao cộng với việc gia tăng liên tục làm cho các DNNN không thể giảm được giá thành sản phẩm.
Trong khi giá thành sản phẩm cao, hầu hết các DNNN đều không có chiến lược cụ thể về giá. Chính điều này đã làm cho tình trạng giá cả của các doanh nghiệp không được giải quyết kịp thời. Từ đó làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa do DNNN cung cấp so với hàng hóa trong khu vực ngoài quốc doanh hay hàng hóa Trung Quốc, hàng hóa nhập lậu. Có thể nói, cạnh tranh trên thị trường bằng công cụ giá vẫn chưa được các DNNN sử dụng hiệu quả.
Điều này hoàn toàn ngược lại với doanh nghiệp tư nhân. Sự giảm giá sản phẩm, dịch vụ chính là sự tồn tại, sự cạnh tranh của các doanh nghiệp này.