Điều kiện kinh tế, xã hộ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) QUẢN lý NHÀ nước về cán bộ, CÔNG CHỨC cấp xã từ THỰC TIỄN HUYỆN THĂNG BÌNH, TỈNH QUẢNG NAM (Trang 30 - 31)

Điều kiện kinh tế, xã hội là những vấn đề liên quan đến trình độ phát triển kinh tế, xã hội của quốc gia và của địa phương. Trình độ phát triển này quyết định đến các vấn đề về nguồn lực đầu tư cho hoạt động quản lý nhà nước về cán bộ, công chức cấp xã.

Nếu quốc gia hoặc địa phương có nền kinh tế phát triển, nguồn lực dồi dào thì khi đó, nguồn đầu tư công lớn. Trong đầu tư công có hai nội dung đầu tư cơn bản gồm đầu tư phát triển công nghệ quản lý và đầu tư nâng cao chất lượng con người. Cả hai nội dung này đều có ý nghĩa quan trọng quyết định phương pháp và kết quả của quá trình quản lý. Ví dụ: việc đầu tư nguồn lực vào phát triển hệ thống quản lý cán bộ, công chức, bao gồm cả cán bộ, công chức cấp xã. Khi đó sẽ có một hệ thống điện tử từ thống kê cán bộ, công chức đến việc đánh giá, xếp loại và phát triển mô hình quy hoạch… đều được thực hiện thông qua hệ thống điện tử này. Tất yếu dẫn tới vấn đề quản lý sẽ được đơn giản hơn, thuận tiện hơn và mang lại hiệu suất cao hơn. Điều này cũng tương tự như việc đầu tư nhiều ngân sách vào phát triển trình độ cán bộ, công chức, bao gồm cả cán bộ công chức là người quản lý và cán bộ, công chức cấp xã là đối tượng của hoạt động quản lý. Trình độ của người quản lý được nâng cao, hoạt động quản lý càng được vận hành thông suốt. Trình độ

của đối tượng quản lý được nâng cao, tính chất của hoạt động quản lý càng đơn giản, mức độ của hoạt động quản lý vì thế cũng được giảm xuống. Ngược lại, với nền kinh tế nghèo nàn, nguồn vốn đầu tư công thấp, sẽ gián tiếp tác động đến hoạt động quản lý nhà nước về cán bộ, công chức cấp xã do vấn đề về cơ sở vật chất và trình độ chuyên môn không được đầu tư phát triển. Nói tóm lại, trình độ kinh tế có ảnh hưởng gián tiếp đến hoạt động quản lý nhà nước về cán bộ, công chức cấp xã theo hai chiều hướng tích cực và tiêu cực.

Điều kiện xã hội cũng là một yếu tố ảnh hưởng như vậy. Điều kiện xã hội bao gồm rất nhiều yếu tố cấu thành đời sống xã hội của người dân. Tuy nhiên, ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến vấn đề quản lý nhà nước về cán bộ, công chức cấp xã chính là vấn đề nhận thức, quan điểm xã hội về cán bộ, công chức cấp xã và vai trò quản lý nhà nước về cán bộ, công chức cấp xã. Nếu các quan điểm, nhận thức xã hội đánh giá cao về vai trò của hai vấn đề này, tất yếu sẽ có động lực hơn trong việc thúc đẩy người dân tham gia vào hoạt động quản lý nhà nước tại cơ sở nói chung và hoạt động quản lý cán bộ, công chức cấp xã nói riêng. Điều này hoàn toàn thống nhất với vấn đề về quản trị địa phương mà luận văn đã phân tích tại phần vai trò của quản lý nhà nước về cán bộ, công chức cấp xã. Ngược lại, nếu nhận thức và quan điểm xã hội đánh giá thấp về hai vấn đề trên, sự tham gia của người sẽ hạn chế, cản trở đến hoạt động quản lý nhà nước. Ví dụ: nếu người dân không xem trọng vai trò của cán bộ, công chức cấp xã và hoạt động quản lý nhà nước về cán bộ, công chức cấp xã sẽ không tham gia vào các khảo sát đánh giá cán bộ, công chức cấp xã. Điều này sẽ cản trở nhà quản lý thực hiện nội dung quản lý thứ năm trong sáu nội dung quản lý nhà nước về cán bộ, công chức cấp xã của mình.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) QUẢN lý NHÀ nước về cán bộ, CÔNG CHỨC cấp xã từ THỰC TIỄN HUYỆN THĂNG BÌNH, TỈNH QUẢNG NAM (Trang 30 - 31)