Khi VKS đã gửi kháng nghị, Tòa án đã thụ lý ở cấp phúc thẩm. Bên cạnh đó, VKS có thẩm quyền sẽ thực hiện nhiệm vụ thay đổi, bổ sung, rút KNPT hình sự nếu thuộc một trong các trường hợp như: VKS nhận thấy quyết định kháng nghị chưa đầy đủ, cần bổ sung kháng nghị, VKS nhận thấy việc kháng nghị là không đúng quy định, không cần thiết nên cần rút kháng nghị hay nội dung kháng nghị cần phải thay đổi cho phù hợp, lúc đó VKS sẽ thực hiện việc thay đổi, rút hoặc bổ sung KNPT.
Về nội dung biên bản kháng cáo: Điều 332 BLTTHS chỉ ghi nhận nội dung cần có trong đơn kháng cáo mà không quy định biên bản kháng cáo trong trường hợp kháng cáo trực tiếp tại Tòa án phải có những nội dung gì. Mặc dù vấn đề này nhìn chung thuộc về nghiệp vụ của Tòa án, tuy nhiên, để thống nhất cũng như đảm bảo nội dung của biên bản, chúng tôi cho rằng cần quy định thêm vấn đề này.
Trong hệ thống pháp luật nước ta nói chung, có không ít các thủ tục có thể thực hiện bằng đơn hoặc trình bày trực tiếp, hầu hết các vấn đề đó đều ghi nhận nội dung của biên bản khi trình bày trực tiếp phải có các nội dung như đối với đơn. Do đó, chúng tôi đề xuất bổ sung quy định tại khoản 2 Điều 332 như sau: “2. Đơn kháng cáo, biên bản về việc kháng cáo có các nội dung chính:….”
Thứ hai, kháng cáo trực tiếp tại Tòa án là một hình thức kháng cáo được pháp luật ghi nhận, do đó, về nguyên tắc, hình thức này cũng được thực hiện khi kháng cáo quá hạn. Tuy nhiên, Điều 335 BLTTHS 2015 về kháng cáo quá hạn lại không hề nhắc đến trường hợp này. Đây là một thiếu sót trong quy định của BLTTHS 2015 về việc kháng cáo quá hạn. Do đó, chúng tôi đề xuất sửa đổi quy định này bằng cách thay thế cụm từ “đơn kháng cáo quá hạn” bằng cụm từ “đơn kháng cáo quá hạn, biên bản về việc kháng cáo quá hạn” trong toàn bộ quy định của
Điều 335.