2.2.3.1. Những tồn tại, hạn chế
Số bị cáo bị kháng nghị trong giai đoạn 5 năm thường chiếm trung bình khoảng 10,64% số bị cáo cấp phúc thẩm thụ lý (năm 2015 là 3,33%; năm 2016 là 2,82%; năm 2017 là 12,07%; năm 2018 là 14,08%; năm 2019 là 20,87%). Trong các năm từ 2015 đến 2016 số bị cáo bị kháng nghị so với tổng số bị cáo cấp phúc thẩm thụ lý và giải quyết có chiều hướng giảm, đến năm 2017 tỷ lệ này có tăng lên đôi chút nhưng không đáng kể. Tỷ lệ số bị cáo bị kháng nghị so với số bị cáo được cấp phúc thẩm đưa ra xét xử có tăng hơn, tỷ lệ trung bình đó là 10,6%/ năm (năm 2015 là 4,09%; năm 2016 là 2,7%; năm 2017 là 16,03%; năm 2018 là 13,11%; năm
2019 là 22,75%). Qua số liệu thống kê cho thấy có những “điểm trống” về công tác KNPT. Trong 05 năm qua, thực tế XXPT một số VAHS phải cải sửa ở cấp phúc thẩm, điều này cho thấy rằng không thể kết luận như một số quan điểm vẫn cho rằng do chất lượng án sơ thẩm đã nâng lên nên không có KNPT, mà chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận rằng công tác KNPT hình sự thời gian vẫn chưa được chú trọng và quan tâm thực hành đúng mức, vì vậy dẫn đến hiệu quả TTHS vẫn còn những hạn chế và bấn cập nhất định.
Mặc dù số bị cáo bị kháng nghị giảm nhưng thực tế cho thấy nhiều vụ án cấp phúc thẩm phải cải sửa tội danh, tăng hoặc giảm mức hình phạt khá lớn theo kháng cáo của bị cáo hoặc người bị hại. Số bị cáo bị cải sửa chủ yếu vẫn thông qua kháng cáo, trong đó có việc cải sửa do có tình tiết mới ở cấp phúc thẩm nhưng không nhiều mà chủ yếu vẫn do sai sót trong việc đánh giá chứng cứ, việc áp dụng pháp luật của cấp sơ thẩm nhưng chưa được phát hiện để kháng nghị hoặc do VKS cấp sơ thẩm cũng thống nhất với nhận định, đánh giá của Toà án cấp sơ thẩm nên không kháng nghị. Một số vụ án cấp sơ thẩm đã có vi phạm nghiêm trọng thủ tục TTHS , cấp phúc thẩm hoặc giám đốc thẩm phải huỷ án nhưng VKS cấp sơ thẩm không kháng nghị. Đáng chú ý, trong một số trường hợp, Toà án sơ thẩm nhận định thiếu căn cứ, quyết định áp dụng tội danh và mức hình phạt khác với quan điểm của VKS truy tố và bảo vệ tại phiên toà nhưng VKS lại không KNPT. Ngoài ra, một số vụ án được báo chí và dư luận quan tâm, toà sơ thẩm xét xử còn nhẹ nhưng VKS không kháng nghị. Từ những vấn đề nêu trên cho thấy bản án sơ thẩm có vi phạm còn khá nhiều nhưng chưa bị KNPT hình sự. Đây là vấn đề nghiêm túc cần xem xét trách nhiệm của VKS đối với công tác kháng nghị.