đất ở
Theo Từ điển tiếng Việt thông dụng: “Thủ tục: Cách thức tiến hành
một công việc với nội dung, trình tự nhất định, theo quy định của cơ quan nhà nước” [28, tr.761]; còn “Trình tự: Sự sắp xếp trước sau theo một quy tắc nhất định” [27, tr.816]. Như vậy, trình tự, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở được hiểu là cách thức thực hiện việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở theo một trình tự nhất định, sự sắp xếp trước sau theo một quy tắc nhất định được pháp luật đất đai quy định.
Một trong những minh chứng cho việc quản lý chặt chẽ quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở là phải tuân thủ trình tự, thủ tục do pháp luật quy định. Nghị định số 43/2014/NĐ-CP quy định việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở thực hiện như sau:
Thứ nhất, trình tự, thủ tục cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng vào mục đích khác, cụ thể:
Một là, cơ quan TN&MT chịu trách nhiệm tổng hợp nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng và đất rừng phòng hộ để thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn trình UBND cùng cấp, để báo cáo UBND cấp trên hoặc Bộ TN&MT;
Hai là, trong thời hạn không quá 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm chủ trì thẩm định, trình HĐND cấp tỉnh thông qua trước khi trình UBND cấp có thẩm quyền quyết định việc chuyển mục đích sử dụng đất; Bộ TN&MT có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất trước khi UBND cấp có thẩm quyền quyết định việc chuyển mục đích sử dụng đất;
Ba là, sau khi Thủ tướng Chính phủ có văn bản chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất, HĐND cấp tỉnh có Nghị quyết về việc chuyển mục đích sử dụng đất, UBND cấp có thẩm quyền thực hiện việc thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.
Thứ hai, trình tự, thủ tục cho phép chuyển mục đích sử dụng đất nói chung:
Một là, người sử dụng đất nộp đơn xin phép chuyển mục đích sử dụng đất đến cơ quan TN&MT.
Hai là, cơ quan TN&MT có trách nhiệm thẩm tra hồ sơ; xác minh thực địa, thẩm định nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất; hướng dẫn người sử dụng đất thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật; trình UBND cấp có thẩm quyền quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; chỉ đạo cập nhật, chỉnh lý cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính.
Đối với trường hợp nhà đầu tư nhận chuyển nhượng QSDĐ của người đang sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư thì thực hiện thủ tục chuyển nhượng QSDĐ đồng thời với thủ tục cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.
Từ những quy định trên cho thấy trường hợp chuyển từ đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sang mục đích khác (trong đó có đất ở)
đòi hỏi có sự thẩm định nghiêm ngặt, chặt chẽ; bởi tầm quan trọng của đất nông nghiệp đối với vấn đề an ninh lương thực quốc gia; “công ăn việc làm” của hàng ngàn hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp ... Trong khi đó, đối với trường hợp cho phép chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp khác sang đất ở thì thủ tục đơn giản hơn. Hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất bao gồm đơn xin chuyển mục đích sử dụng đất và GCNQSDĐ. Cơ quan TN&MT có thẩm quyền xem xét, thẩm tra hồ sơ, hướng dẫn người sử dụng đất thực hiện thủ tục theo quy định của pháp luật đất đai.