Thứ nhất, về việc ban hành các văn bản pháp luật đất đai.
Luật Đất đai năm 2013 được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 29/11/2013 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2014. Để tổ chức triển khai thi hành đạo Luật này, các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương đã ban hành 11 nghị định và 41 thông tư; UBND các địa phương ban hành hơn 1141 văn bản hướng dẫn thực hiện. Qua đó đã tạo thành một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật khá hoàn chỉnh, xác lập cơ sở pháp lý để quản lý đất đai nói chung và quản lý việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở nói riêng chặt chẽ, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Thứ hai, hoạt động chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở được thực hiện dựa trên cơ sở pháp luật đã giải quyết “bài toán” đất đai đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước.
Theo đánh giá của Bộ TN&MT: “Thông qua công tác giao đất, cho thuê
đất, chuyển mục đích sử dụng đất; các công trình, dự án đã được triển khai, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và quá trình chuyển đối cơ cấu sử dụng đất, từng bước hình thành các khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn, tạo ra một diện mạo mới cho đô thị, đồng thời từng bước đô thị hóa nông thôn; góp phần tăng nguồn thu ngân sách Nhà nước từ kinh tế đất” [2, tr.6].
Thứ ba, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở tuân thủ quy định của pháp luật về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Công tác quản lý đất đai theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ngày càng đi vào thực chất, góp phần tích cực vào việc sử dụng đất hợp lý và có hiệu quả. Việc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ nông nghiệp sang đất ở đã bám sát và tuân thủ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã tạo cơ sở pháp lý cho việc chuyển mục đích sử dụng đất và làm cho việc sử dụng đất đai ngày càng có hiệu quả, tiết kiệm hơn.
Thứ tư, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đất đai nhằm nâng cao nhận thức của người dân nói chung và của người sử dụng đất nói riêng được thực hiện thường xuyên, liên tục với hình thức phong phú, đa dạng, sáng tạo, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, hoàn cảnh đặc thù của từng địa phương.
Để thay đổi và nâng cao nhận thức pháp luật của người dân nói chung và của người sử dụng đất nói riêng; Chính phủ chỉ đạo Bộ TN&MT phối hợp với các bộ, ngành và UBND các cấp đã tổ chức hàng ngàn buổi tuyên truyền, phổ biến về Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành cho đội ngũ cán bộ, công chức và người dân. UBND các cấp và các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng, các buổi tuyên truyền, các cuộc thi tìm hiểu về Luật Đất đai năm 2013; đồng thời, lồng ghép việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đất đai với các hoạt động của tổ chức, đoàn thể góp phần nâng cao nhận thức, sự hiểu biết pháp luật đất đai (trong đó có các quy định về chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở) … Điều này góp phần nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật đất đai nói chung và các quy định về chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở nói riêng.
Thứ năm, trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất từ nông nghiệp sang đất ở được quy định chặt chẽ, đầy đủ hơn, rút ngắn được hơn thời gian
thực hiện; từng bước khắc phục tình trạng hồ sợ bị “om”, kéo dài thời gian xem xét, quyết định chuyển mục đích sử dụng đất từ nông nghiệp sang đất ở. Hơn nữa, việc ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại; công khai minh bạch trình tự, thủ tục; thiết lập, công bố số điện thoại đường dây nóng, hòm thư góp ý … để tiếp nhận, xử lý kịp thời mọi thắc mắc, khiếu nại, góp ý của người sử dụng đất góp phần cải cách thủ tục hành chính về đất đai nói chung và thủ tục hành chính về chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở nói riêng v.v.