Thực tế, thị trường carbon tại Việt Nam đã được triển khai từ khi Việt Nam tham gia "Cơ chế phát triển sạch CDM" thuộc Nghị định thư Kyoto. Đây là thị trường với người mua là doanh nghiệp tại nước phát triển và người bán là doanh nghiệp tại các quốc gia đang phát triển. Đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, tham
gia thị trường carbon là cơ hội để tạo nguồn thu tài chính, tiếp nhận công nghệ hiện đại ít carbon và chung tay với thế giới trong mục tiêu giảm khí gây hiệu ứng nhà kính. Cách đây 15 năm, dự án xây dựng hầm khí sinh học cho ngành chăn nuôi đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam khởi động với mục tiêu xây dựng 500 nghìn hầm khí sinh học trên khắp cả nước. Các chất thải từ hoạt động chăn nuôi sẽ được tích tụ trong hầm, sau đó năng lượng sinh ra từ đây sẽ phục vụ lại sản xuất theo một quy trình hoàn toàn khép kín. Hàng trăm nghìn tấn củi, phế thải nông nghiệp đã được thay thế, hàng triệu tấn GHG đã được cắt giảm. Đến tháng 04/2018 đã có 2,3 triệu tín chỉ từ dự án này được phát hành trên thị trường quốc tế. Đến nay, đây là dự án có số tín chỉ carbon phát hành theo cơ chế tự nguyện lớn nhất thế giới về giảm phát thải GHG trong lĩnh vực chăn nuôi. Lượng khí thải cắt giảm này đã được quy đổi thành những tín chỉ carbon và sau đó được mua bán trên thị trường.
Đây là một trong số các hoạt động của tín dụng carbon trong thương mại phát thải tại thị trường Việt Nam. Giảm phát thải GHG là một lĩnh vực tương đối mới mẻ đối với phần lớn doanh nghiệp Việt Nam, việc xây dựng và triển khai sẽ gặp phải một số khó khăn như: Thiếu năng lực giúp xây dựng và quản lý một thị trường trao đổi tín dụng carbon trong nước; Chưa có khung chính sách để vận hành và quản lý thị trường; Các hướng dẫn đăng ký, phương pháp luận, hệ thống đo đạc, báo cáo và thẩm định còn thiếu… Tuy nhiên sự năng động của nguồn nhân lực mới cùng với sự giúp đỡ từ các đối tác trên trường quốc tế sẽ đem lại nhiều cơ hội khả quan cho thị trường carbon Việt Nam.