3.3.1. Đối với Chính phủ
Một là, Chính phủ cần đưa ra các giải pháp kịp thời nhằm đảm bảo tình hình kinh tế vĩ mô ổn định, qua đó cũng tạo điều kiện để phục hồi và làm ấm thị trường, trong đó có thị trường về vốn và bất động sản, những thị trường liên quan đến đầu tư ngoài ngành kinh doanh chính, nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thoái vốn dễ dàng hơn. Ngoài ra, Chính phủ cũng cần có những chính sách ưu đãi về thuế để hướng luồng vốn đến những nơi cần thiết. Cần giới thiệu cho cả nhà đầu tư trong nước và quốc tế những dự án khả thi, ít rủi ro mới có thể thoái vốn thành công.
Hai là, đối với yêu cầu thoái vốn của daonh nghiệp, nếu thực sự quyết tâm thoái vốn thời điểm hiện nay thì Chính phủ cần xác định cụ thể mức độ mất vốn có thể chấp nhận được. Ví dụ, tùy vào lĩnh vực mà có con số cụ thể, như ở lĩnh vực bất động sản có thể chấp nhận mất 30% vốn nhưng ở ngân hàng có thể phải là 50%.
Ba là, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) xem xét, mua lại các khoản đầu tư ngoài ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, công ty 100% vốn nhà nước vào lĩnh vực bảo hiểm, ngân hàng sau khi đã thực hiện các biện pháp mà thoái vốn không thành công và các lĩnh vực khác theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Giá mua được xác định theo giá thị trường nhưng không cao hơn giá trị trên sổ sách kế toán trừ đi khoản dự phòng giám giá đầu tư đã được trích lập đầy đủ theo quy định.
Các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước có trách nhiệm thông báo cho Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước xem xét mua lại các khoản đã đầu tư vào các lĩnh vực trên.
Tại thời điểm tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước chuyển nhượng khoản đầu tư cho SCIC nếu chưa trích lập hoặc trích lập chưa đủ khoản dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính, các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước có trách nhiệm trích lập bổ sung các khoản dự phòng theo quy định.
3.3.2. Kiến nghị liên bộ Công thương – Tài chính về việc điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường theo cơ chế thị trường
Xăng dầu là mặt hàng an ninh năng lượng quốc gia và là nguyên vật liệu đầu vào cho các doanh nghiệp khác do đó chính sách kinh doanh xăng dầu là một trong những chính sách điều tiết kinh tế vĩ mô của Nhà nước. Nên theo quan điểm của Nhà nước nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững nền kinh tế đất nước thì giá bán xăng dầu thực hiện theo cơ chế thị trường nhưng có sự quản lý của Nhà nước. Tuy nhiên ở Việt Nam hiện nay khi hầu hết giá cả của các ngành sản xuất kinh doanh được vận hành theo đúng cơ chế thị trường thì giá xăng dầu vẫn chịu sự can thiệp quá sâu của Nhà nước. Chính vì thế hoạt động sản xuất kinh doanh Petrolimex bị ảnh hưởng lớn, và gặp khó khăn trong việc tìm kiếm lợi nhuận. Trong khi đó Petrolimex đã cổ phần hóa và trở thành tập đoàn kinh tế, nhằm thu hút nguồn lực từ đầu tư bên ngoài và đặc biệt từ nguồn lực ngoài nước để hoạt động cạnh tranh và đạt hiệu quả cao. Nhưng khi giá xăng dầu vẫn chưa được vận hành theo cơ chế thị trường thì Petrolimex vẫn phải chịu những khoản lỗ lớn do giá dầu thế giới tăng trong khi giá bán trong nước chưa được tăng giá.
Chính vì thế để tái cơ cấu vốn kinh doanh tại Petrolimex trong giai đoạn hiện nay thành công và hiệu quả Chính phủ nên nhanh chóng nghiên cứu xem xét để giá xăng dầu vận hành theo cơ chế thị trường một cách đúng nghĩa.
- Đề nghị Liên bộ Công thương- Tài chính tiếp tục điều hành giá cơ sở bám sát diễn biến giá dầu thế giới và cơ cấu đủ chi phí, lợi nhuận định mức cho doanh nghiệp trong cấu thành giá cơ sở.
- Kiến nghị Liên Bộ Công thương- Tài chính xem xét tính toán lại mức thuế nhập khẩu bình quân gia quyền để tính giá cơ sở điều hành giá bán lẻ phù hợp với thực tế khi mua xăng dầu tại thị trường nội địa năm 2018 sẽ tăng lên do nhà máy lọc dầu Nghi Sơn vận hành. Đồng thời xem xét điều chỉnh mức phí Premium cho phù hợp với chi phí phát sinh thực tế của các thương nhân đầu mối nhập khẩu xăng dầu do thay đổi cơ cấu thị trường nhập khẩu (Hàn Quốc, ASEAN...) và việc áp thuế nhập khẩu 0% đối với mặt hàng xăng mua của Nhà máy lọc dầu Dung Quất khi tính thuế nhập khẩu bình quân trong công thức tính giá cơ sở.
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước đối với việc chấp hành các quy định pháp luật hiện hành trong kinh doanh xăng dầu nhất là đối với hệ thống đại lý, tổng đại lý, thương nhân nhượng quyền. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm thương hiệu Petrolimex để tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
- Đề nghị Bộ Tài chính có ý kiến để Chính phủ xem xét kiến nghị điều chỉnh giảm thuế BVMT đối với các mặt hàng nhiên liệu sạch, nhiêu liệu sinh học so với nhiên liệu hóa thạch nhằm khuyến khích người tiêu dùng sử dụng nhiên liệu sạch, bảo vệ môi trường.
KẾT LUẬN
Sử dụng vốn kinh doanh có hiệu quả nhằm bảo toàn và phát triển vốn kinh doanh trong các doanh nghiệp hiện nay đang là vấn đề rất cấp bách, có ý nghĩa quan trọng quyết định sự thành công trong hoạt động kinh doanh của mỗi doanh nghiệp nói riêng và toàn bộ nền kinh tế nói chung. Đặc biệt, với điều kiện hiện nay khi đất nước ta đang tiến trên con đường công nghiệp hóa – hiện đại hóa gia nhập vào nền kinh tế khu vực và thế giới thì vấn đề sử dụng vốn kinh doanh có hiệu quả sẽ giúp cho doanh nghiệp cũng như nền kinh tế nước ta ổn định hơn, vươn lên ngang tầm với các nước trong châu lục . Với vai trò quan trọng của vốn kinh doanh đối với sự phát triển của các doanh nghiệp, việc quản trị và sử dụng vốn kinh doanh một cách có hiệu quả là vấn đề cấp thiết đối với mỗi doanh nghiệp nói chung và Tập đoàn xăng dầu Việt Nam nói riêng. Theo đó, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đã có những hoạt động quản trị và sử dụng vốn một cách đồng nhất bằng các quy chế, văn bản trên hệ thống toàn bộ các công ty con, công ty liên doanh liên kết của tập đoàn qua đó đã đạt được những kết quả rất khả quan, góp phần vào sự tăng trưởng mạnh lưới, phát triển kinh doanh. Tuy nhiên, do những nguyên nhân xuất phát từ cả bên ngoài và bên trong, một số nội dung trong việc quản trị và sử dụng vốn vẫn chauw hiệu quả và hạn chế. Đề tài Luận văn “Quản trị vốn kinh doanh tại tập đoàn Xăng dầu Việt nam ( Petrolimex)” được chọn nghiên cứu để giải quyết một trong những vấn đề quan trọng đối với vốn kinh doanh của doanh nghiệp.
Đối chiếu với mục tiêu nghiên cứu đặt ra, luận văn đã hoàn thành được các nhiệm vụ sau:
Một là, hệ thống hoá, phân tích và làm rõ những vấn đề cơ bản liên quan đến vốn kinh doanh và quản trị vốn kinh doanh của doanh nghiệp. Từ đó thấy được sự cần thiết của việc quản trị vốn kinh doanh của doanh nghiệp.
Hai là, trên cơ sở đánh giá thực trạng tình hình vốn kinh doanh và quản trị vốn kinh doanh tại tập đoàn Xăng dầu Việt nam, luận văn đã làm rõ những kết quả đạt được cũng
như hạn chế cần khắc phục trong quản trị vốn kinh doanh tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam
Ba là, căn cứ lý luận, thực tiễn những hạn chế và nguyên nhân chủ quan khách quan, luận văn đã đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường quản trị vốn kinh doanh tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam. Bên cạnh đó, luận văn cũng đưa ra hệ thống các kiến nghị đối với Chính phủ và Liên Bộ Tài chính Công thương để thúc đẩy hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Trong quá trình nghiên cứu, mặc dù tác giả đã có nhiều cố gắng, nhưng do trình độ nhận thức và sự hiểu biết về lĩnh vực nghiên cứu còn hạn chế; đề tài có liên quan đến nhiều các lĩnh vực hoạt động ngân hàng. Vì vậy, luận văn không thể tránh khỏi những khiếm khuyết, bất cập. Tác giả rất mong nhận được những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, thầy giáo, cô giáo, đồng nghiệp và những ai quan tâm đến lĩnh vực này để tác giả hoàn thiện đề tài hơn nữa.
Tác giả xin gửi lời cảm ơn trân trọng nhất tới PGS.TS Vũ Thị Hiền đã hướng dẫn giúp đỡ tác giả hoàn thành luận văn này.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
I. Tài liệu tham khảo tiếng Việt
1) TS. Bùi Văn Vần – TS. Vũ Văn Ninh, “Giáo trình Tài chính doanh nghiệp”, NXB Tài chính Hà Nội 2013
2) Nguyễn Hải Sản, “ Giáo trình Quản trị Tài chính doanh nghiệp”, NXB Tài chính.
3) ThS. Bùi Anh Tuấn – ThS. Nguyễn Hoàng Sam, “Quản trị tài chính doanh nghiệp”
4) PGS.TS Phạm Văn Dược, “ Phân tích hoạt động kinh doanh” , NXB Kinh tế TPHCM
5) Quốc hội, Luật doanh nghiệp 2014
6) Chính phủ, Nghị định 83 ngày 03/09/2014 về kinh doanh xăng dầu
7) Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Báo cáo thường niên năm 2018 8) Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Báo cáo thường niên năm 2017
9) Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Báo cáo thường niên năm 2016
10) Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Báo cáo thường niên năm 2015
11) Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Quy chế tài chính 2015
12) Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Quy chế quản lý công nợ 2014
13) Một số Luận văn thạc sỹ, tiến sỹ kinh tế của các tác giả khác.
II. Website 1) http://cafef.vn 2) https://petrolimex.com.vn/http://www.sbv.gov.vn 3) http://minhbach.moit.gov.vn/ 4) http://vneconomy.vn/ 5) https://voer.edu.vn/