1.2.2.1. Đối với khách hàng
Chức năng nhận biết của thương hiệu giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận biết và lựa chọn sản phẩm ưa thích. Với người tiêu dùng thương hiệu xác định nguồn gốc của sản phẩm hoặc nhà sản xuất của một sản phẩm và giúp khách hàng xác định nhà sản xuất cụ thể hoặc nhà phân phối nào phải chịu trách nhiệm.
Thương hiệu là một công cụ nhanh chóng hoặc là cách đơn giản hoá đối với quyết định mua sắm. Đây chính là điều quan trọng nhất mà một thương hiệu cũng như công ty được gắn với thương hiệu cần vươn tới. Nếu khách hàng nhận ra một thương hiệu và có một vài kiến thức về thương hiệu đó, họ không phải suy nghĩ nhiều hoặc tìm kiếm, xử lý nhiều thông tin để ra quyết định về tiêu dùng sản phẩm.
Thương hiệu cho phép khách hàng giảm bớt chi phí tìm kiếm sản phẩm bên trong (họ phải suy nghĩ mất bao nhiêu) và bên ngoài (họ phải tìm kiếm mất bao lâu).Mối quan hệ giữa thương hiệu với khách hàng có thể được xem như một kiểu cam kết hay giao kèo.
Thương hiệu còn giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc báo hiệu những đặc điểm và thuộc tính của sản phẩm tới người tiêu dùng. Thương hiệu có thể làm giảm rủi ro khi quyết định mua và tiêu dùng sản phẩm như: Rủi ro chức năng : Sản phẩm không được như mong muốn; Rủi ro vật chất : Sản phẩm đe dọa sức khỏe hoặc thể lực của người sử dụng hoặc những người khác; Rủi ro tài chính : Sản phẩm không tương xứng với giá đã trả; Rủi ro tâm lý: Sản phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần của người sử dụng; Rủi ro xã hội: Sản phẩm không phù hợp với văn hoá, tín ngưỡng hoặc chuẩn mực đạo đức xã hội; Rủi ro thời gian: Sản phẩm không như mong muốn dẫn đến mất chi phí cơ hội để tìm sản phẩm khác.
Thương hiệu làm cho sinh hoạt hàng ngày cũng như cuộc sống của người tiêu dùng trở nên thuận tiện và phong phú hơn.
1.2.2.2. Đối với doanh nghiệp
- Phát triển thương hiệu đáp ứng nhu cầu nhận diện để đơn giản hoá việc xử lý sản phẩm hoặc truy tìm nguồn gốc sản phẩm cho công ty.
- Giúp tổ chức kiểm kê, tính toán và thực hiện các ghi chép khác.
- Bảo vệ hợp pháp những đặc điểm và hoặc hình thức đặc trưng riêng có của sản phẩm.
- Lòng trung thành của khách hàng với thương hiệu cho phép doanh nghiệp dự báo và kiểm soát thị trường.
- Thương hiệu được coi như một tài sản có giá trị rất lớn bởi nó có khả năng tác động đến thái độ và hành vi của người tiêu dùng. Nó được mua và bán bởi có thể đảm bảo thu nhập bền vững cho chủ sở hữu thương hiệu.
- Khẳng định đẳng cấp chất lượng trước khách hàng.
Các lợi ích của doanh nghiệp khi có một thương hiệu mạnh:
- Thương hiệu đã đăng ký sẽ được sự bảo hộ của pháp luật tránh khỏi sự bắt chước của đối thủ, khẳng định ưu thế đặc trưng của doanh nghiệp.
- Thương hiệu là một sự khẳng định đẳng cấp sản phẩm của doanh nghiệp. Hệ thống các thương hiệu sẽ cho phép doanh nghiệp tấn công vào từng phân khúc khách hàng khác nhau.
- Tên gọi, biểu tượng, màu sắc đặc trưng của thương hiệu sẽ hỗ trợ sản phẩm dễ dàng đi vào tâm trí khách hàng
- Thương hiệu là nguồn củng cố khả năng cạnh tranh, giúp nâng cao doanh số lợi nhuận của doanh nghiệp.
- Nhiều nghiên cứu thăm dò người tiêu dùng đã cho thấy rằng thương hiệu luôn là yếu tố hàng đầu giúp họ lựa chọn món hàng cần mua sắm.
- Nhờ thương hiệu sản phẩm, khách hàng sẽ: Biết xuất xứ sản phẩm, yên tâm về chất lượng, tiết kiệm thời gian tìm kiếm thông tin, giảm chi phí nghiên cứu thông tin, khẳng định giá trị bản thân, giảm rủi ro trong tiêu thụ.
- Khách hàng sẵn lòng trả giá cao hơn dối với sản phẩm cùng loại - Được khách hàng tin tưởng và chọn mua đầu tiên nhu có nhu cầu - Có khách hàng luôn trung thành với thương hiệu
- Có khách hàng mong muốn mua ngay sản phẩm ngay cả khi chưa có nhu cầu
- Sự phản ứng của khách hàng là chừng mực, thông cảm, chia xẻ khi có bất kỳ sự cố nào từ phía nhà cung cấp
- Đối tác, mạng lưới phân phối rất sẵn lòng hợp tác và cam kết lâu dài
- Giá trị bằng tiền mang đến từ thương hiệu có thể cao hơn rất nhiều lần so với giá trị của tài sản hữu hình.