Nhìn chung chất lượng thảo luận của ĐBQH tại các buổi họp Tổ đại biểu và tại phiên họp toàn thể ngày càng thiết thực, chất lượng hơn, các ĐBQH đều được thảo luận, tranh luận dân chủ, thẳng thắn. Nhiều đại biểu đã có những ý kiến phát biểu trách nhiệm, tâm huyết và trí tuệ, thể hiện sự đầu tư nghiên cứu sâu kỹ các dự án luật. Các ĐBQH đã đưa ý kiến của cử tri và Nhân dân, góp ý của chuyên gia đến với diễn đàn Quốc hội, không chỉ thể hiện quan điểm cá nhân mà còn phản ánh ý chí tập thể. Những đóng góp của ĐBQH thể hiện sự cân bằng giữa ý chí của nhà quản lý với quyền lợi của Nhân dân, được đông đảo cử tri và Nhân dân đồng tình, ủng hộ. Không khí thảo luận tại các phiên họp sôi nổi, cho thấy thái độ quan tâm của ĐBQH đối với dự án. Nhiều đại biểu liên tục nêu ý kiến sửa đổi điều, khoản trong dự thảo và đấu tranh đến cùng để bảo vệ quan điểm cuả mình.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn tồn tại một số hạn chế:
Thứ nhất, nhiều ĐBQH thường có quan điểm cho rằng, việc Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu vào các dự án luật chỉ là giai đoạn đầu tiên, khởi động để các ĐBQH tiếp cận, làm quen với các dự án luật, giai đoạn xem xét, biểu quyết thông qua tại kỳ họp lần sau mới là giai đoạn quan trọng. Lúc đó, đại biểu tập trung đầu tư nghiên cứu, góp ý cũng chưa muộn. Đây là một quan niệm không đúng, tư duy của thói quen lập pháp cũ, đã làm hạn chế rất nhiều đến chất lượng lập pháp của Quốc hội.
Qua theo dõi tại các kỳ họp, tại các phiên thảo luận về các dự án luật cho ý kiến lần đầu thường thiếu hào khí, ít sôi nổi, thì vẫn còn nhiều đại biểu không có ý kiến hoặc có phát biểu nhưng cũng chưa đạt chất lượng.
Khi dự án luật được trình Quốc hội cho ý kiến lần thứ hai để chuẩn bị thông qua, các ĐBQH đã mất rất nhiều thời gian để nghiên cứu, thảo luận về dự án luật, thậm chí, ngay trước thời điểm bấm nút biểu quyết, vẫn không ít
43
ĐBQH còn băn khoăn về tính khả thi và sự cần thiết phải ban hành luật. Khi trao đổi về vấn đề này, có đại biểu đã thật lòng tâm tư, trăn trở: khối lượng ban hành luật của Quốc hội tại mỗi kỳ họp quá nhiều, việc thảo luận, cho ý kiến về các dự án luật trước khi thông qua của Quốc hội còn dàn trải, mất thời gian và chưa thật hiệu quả. Do đó, đã có không ít đại biểu không đóng góp ý kiến ngay tại lần cho ý kiến đầu tiên mà chờ đến lần trình thứ hai mới tham gia thảo luận [16].
Thứ hai, ĐBQH chỉ là những người nêu ý kiến chứ không phải là chủ thể trực tiếp chỉnh lý, nhiều ý kiến đóng góp của ĐBQH đưa ra mặc dù có tính khoa học, thực tiễn và đúng đắn nhưng chỉ mang tính chất tham khảo mà không được tiếp thu. Điều này gây tạo ra tâm lý e ngại hoặc vì sợ sai hoặc vì dẫu có nghiên cứu, tìm tòi để đưa ra những ý kiến đóng góp xác đáng thì cũng chưa chắc sẽ được cơ quan soạn thảo tiếp thu và sửa đổi.
Thứ ba, về nội dung thảo luận, nhận thấy tình trạng "đá nhầm sân" giữa chuyên gia kỹ thuật với các chính khách. Trong khi chuyên gia kỹ thuật tham gia hơi nhiều vào chính sách thì các ĐBQH - những người được coi là người quyết các chính sách mất khá nhiều thời gian vào việc sửa đổi, chỉnh lý về câu chữ của văn bản luật tại nghị trường.
Thứ tư, phần lớn ĐBQH hoạt động kiêm nhiệm, nhiều đại biểu cùng lúc đóng vai trò lập pháp của ĐBQH - những người có trách nhiệm cân bằng giữa lợi ích của Chính phủ và Nhân dân với vai trò là thành viên Chính phủ, trong khi đó hơn 90% dự án luật do Chính phủ trình, gây ảnh hưởng đến việc đưa ra ý kiến cũng như biểu quyết thông qua dự luật.
Thứ năm, với trình tự ban hành pháp luật hiện nay ở nước ta, Quốc hội đã tự mình hạn chế phần nào chức năng lập pháp của mình bằng việc biểu quyết, thông qua những đạo luật do chính các thành viên của hành pháp trình lên, các ý kiến, phản biện của ĐBQH khó có thể có những sửa đổi sâu sắc về
44
bản chất, có chăng chỉ một vài điều khoản có những nội dung mà dư luận xã hội lên tiếng gay gắt.
Thứ sáu, sự nhầm lẫn giữa lập pháp và lập quy. Quyền lập pháp của Quốc hội là quyền làm luật, xây dựng luật và ban hành những văn bản luật được áp dụng trên tất cả lĩnh vực đời sống; còn quyền lập quy là quyền của cơ quan hành chính nhà nước ban hành những văn bản pháp quy dưới luật, để cụ thể hóa pháp luật do các cơ quan lập pháp ban hành. ĐBQH có chức năng lập pháp tức là chỉ đóng góp ý kiến nhằm ban hành các điều luật mang tính quy phạm chung, chứ không xây dựng cụ thể hóa điều luật, đây là công việc của cơ quan hành chính nhà nước, căn cứ tình hình của từng ngành, lĩnh vực để quy định. Nhưng nhiều ý kiến góp ý của đại biểu đã đi sâu vào công việc của từng ngành, nhầm lẫn giữa quyền lập pháp của mình với quyền lập quy. Đa số ĐBQH làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước, họ biết rõ hơn về công việc của ngành mình nên các ý kiến đôi khi quá cụ thể, là nguyên nhân dẫn tới sự nhầm lẫn trên.
Thứ bảy, về thủ tục đăng ký và thời gian phát biểu, hiện nay Quốc hội đã giảm thời gian trình bày tờ trình và báo cáo thẩm tra, tăng thời gian thảo luận của ĐBQH về dự án luật. Với mỗi lượt phát biểu không quy định giới hạn thời gian, đảm bảo cho các đại biểu được trình bày, lập luận. Tuy nhiên thời gian phiên họp lại có hạn, nhiều đại biểu sau khi bấm nút vẫn không được phát biểu do hết thời gian thảo luận. Có những bài phát biểu đã được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, đại biểu rất muốn trình bày ra trước Quốc hội nhưng không còn thời gian. Việc được phát biểu thảo luận dự án luật tại phiên họp phụ thuộc vào đại biểu đăng ký nhanh hay chậm, mà thời điểm mở đăng ký cho đại biểu đôi khi không giống nhau, khiến đại biểu không biết và không kịp đăng ký.
45
Thứ tám, về vấn đề biểu quyết thông qua dự án luật, ĐBQH có lúc biểu quyết theo cảm tính hoặc biểu quyết sau khi tham khảo ý kiến đại biểu khác. Hàng năm, số lượng dự án luật, pháp lệnh khá nhiều, kéo theo số lượng thông tin, tài liệu đại biểu cần tiếp cận, nghiên cứu rất lớn, lên tới hàng ngàn trang sách, trong khi thời gian cũng như kiến thức có hạn, các ĐBQH không thể nắm vững hoàn toàn nội dung và không thể đánh giá, phân tích được mọi vấn đề mà dự luật điều chỉnh. Do đó, thiếu thông tin chuyên sâu, đã được phân tích, xử lý là một nguyên nhân chủ chốt dẫn tới kết quả biểu quyết của ĐBQH.