Thực tế cho thấy, muốn thực hiện tốt hơn nữa công tác lập pháp, thì việc thu hút, sử dụng nguồn lực tri thức, kinh nghiệm từ bên ngoài Quốc hội là một giải pháp tất yếu. Cùng với các tầng lớp nhân dân, các chuyên gia, nhà khoa học là những người có đủ tri thức, năng lực, kinh nghiệm trong việc tham mưu, tư vấn tốt cho ĐBQH trong việc xem xét, quyết định các vấn đề chính sách, pháp luật. Trong điều kiện đa số đại biểu kiêm nhiệm, đội ngũ chuyên gia không chỉ san sẻ gánh nặng chuyên môn mà còn bù đắp cho việc thiếu thời gian của ĐBQH.
Để ĐBQH tham khảo và tận dụng được nguồn tri thức từ các chuyên gia, cần sớm xây dựng, hoàn thiện cơ chế mang tính khả thi trong việc huy động, sử dụng, phát huy được trí tuệ của các cử tri, chuyên gia, các nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn có chuyên môn liên quan đến nội dung các dự án luật trình Quốc hội, thu hút và phát huy năng lực sáng tạo của Nhân dân trong hoạt động lập pháp.
ĐBQH có trách nhiệm lựa chọn chuyên gia có đủ kiến thức chuyên môn để trao đổi, phục vụ cho việc lấy ý kiến đảm bảo tính khoa học, thực tiễn cao; tăng cường lắng nghe ý kiến cử tri. Chủ động đề nghị, đặt hàng các cơ quan, tổ chức, cơ sở nghiên cứu, đào tạo trong nước xây dựng các báo cáo nghiên cứu, đánh giá, thẩm định, phản biện... về các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết, dự thảo báo cáo giám sát, kiến nghị... làm tư liệu tham khảo cho các cơ quan của Quốc hội trong công tác thẩm tra, hoàn thiện dự án, dự thảo văn bản. Đồng thời dám nói lên mong muốn của cử tri về dự án luật trước nghị trường.