Do những điều kiện lịch sử trong quá khứ, trước đây lý thuyết đại biểu kiêm nhiệm tỏ ra thích hợp với thực tiễn, nhưng cũng do những đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống và hoạt động của Quốc hội, kiêm nhiệm hôm nay lại khó có thể đáp ứng được hết những yêu cầu khó khăn của công tác lập pháp, giám
61
sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Bởi vậy, đặt ra vấn đề chuyên nghiệp hóa ĐBQH, bằng các yêu cầu:
- Thứ nhất là nhiệm vụ kiêm nhiệm của ĐBQH không mâu thuẫn với chức năng lập pháp:
Chuyên nghiệp có thể hiểu theo nghĩa đơn giản nhất, là chuyên tâm vào nghề nghiệp, công việc. Theo cách hiểu này, ĐBQH phải chuyên làm nghề đại biểu và làm suốt đời. Nghị sĩ trên hầu hết các quốc gia trên thế giới đều chỉ chuyên làm nghề nghị sĩ. Trong nhiệm kỳ của mình, nghị sĩ không được hành nghề nào khác, không kiêm nhiệm chức vụ nhà nước hoặc tư nhân. Quy định này bảo đảm sự độc lập tương đối của nghị sĩ khi thực hiện các chức năng của mình. Mô hình cơ cấu này góp phần tăng hiệu quả lập pháp, tuy nhiên chỉ mang tính chất tham khảo đối với nước ta, bởi nếu ĐBQH hoạt động chuyên nghiệp suốt đời thì sẽ mâu thuẫn với pháp luật về bầu cử.
Tính chuyên nghiệp của ĐBQH hiểu theo Hiến pháp Việt Nam chính là không được mâu thuẫn với chức năng lập pháp, chứ không phải là làm thường xuyên. Vì vậy, có thể quy định ĐBQH kiêm nhiệm nhiệm vụ khác mà nghiệp vụ của nó không mâu thuẫn với hoạt động lập pháp.
Trước những bất cập xuất phát từ nhu cầu hành pháp, để tăng cường trách nhiệm của ĐBQH, cần giảm tối đa số đại biểu kiêm nhiệm là những người đang làm việc trong các cơ quan hành pháp, tư pháp.
- Thứ hai là tăng số lượng ĐBQH chuyên trách:
Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, khi tổng kết nhiệm kỳ công tác của Quốc hội khóa XIII và “gửi gắm” thông điệp đến Quốc hội khóa XIV đã nhấn mạnh:
Chất lượng đại biểu Quốc hội có vai trò quyết định trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Việc tăng số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách, tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội
62
có năng lực, trình độ chuyên môn sẽ góp phần quan trọng, thiết thực trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội. Các đại biểu Quốc hội chuyên trách phải trở thành nòng cốt trong việc xây dựng pháp luật, hoạt động giám sát cũng như các hoạt động khác của Quốc hội.
ĐBQH muốn hoạt động tốt thì phải tâm huyết với nhiệm vụ đại biểu, phải dồn tâm trí và sức lực cho nhiệm vụ đại biểu, tức là phải chuyển dần từ hoạt động kiêm nhiệm sang hoạt động chuyên trách [10]. Từng bước tăng ĐBQH hoạt động chuyên trách là một giải pháp để nâng cao chất lượng lập pháp. Hơn nữa, ĐBQH chuyên trách phải là những người có đủ tâm, đủ tầm để trở thành nòng cốt trong công tác lập pháp nói riêng, các chức năng của Quốc hội nói chung.
Vấn đề tăng ĐBQH chuyên trách là vấn đề cần thiết nhưng là quá trình lâu dài. Do đó, với cơ chế kiêm nhiệm như hiện nay, để vừa đáp ứng nguyên tắc bầu cử ĐBQH là tập hợp rộng rãi của các tầng lớp nhân dân vừa đáp ứng nhu cầu lập pháp, có thể tiến tới nghiên cứu, xây dựng một mô hình cơ cấu đại biểu Quốc hội với tỉ lệ đại biểu là chuyên gia lập pháp chiếm đa số, tức là mỗi thành phần sẽ lựa chọn ra những người tiêu biểu nhất có trình độ, chuyên môn lập pháp. Hoặc có thể quy định “cứng” tỉ lệ phần trăm (%) đại biểu là chuyên gia lập pháp giống như việc quy định tỉ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách như pháp luật hiện nay.
Đồng thời đặt ra yêu cầu đối với từng cơ quan, tổ chức trách nhiệm hơn nữa trong việc sàng lọc, giới thiệu đại diện ưu tú nhất tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội để cử tri có điều kiện lựa chọn người thực sự xứng đáng.