3.2.8.1: Tăng VCSH và tỷ lệ an toàn vốn.
Mặc dù VCSH chỉ chiếm một tỷ trọng khá nhỏ trong tổng nguồn vốn của Ngân hàng nhưng lại đóng vai trò quyết định đến quy mô hoạt động, năng lực cạnh tranh và mức độ chống đỡ rủi ro. Bên cạnh đó, VCSH còn là yếu tố cơ bản quyết định sức mạnh tài chính của NH, đảm bảo các tỷ lệ về an toàn trong hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, vốn điều lệ của Agribank mới chỉ đạt 30 nghìn tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với yêu cầu và mức vốn của các ngân hàng trong khu vực. Chính vì vậy, tăng vốn là yêu cầu cấp bách mà Agribank cần thực hiện trong giai đoạn tới. Một số biện pháp tăng quy mô vốn của Agribank như:
- Tăng lợi nhuận giữ lại hằng năm của ngân hàng để tăng vốn tự có. Đây là biện pháp quan trọng và lâu dài và là một trong những cách tốt nhất để ngân hàng phát triển bền vững. Nguồn vốn này giúp Agribank không bị phụ thuộc vào thị trường vốn và tránh các chi phí huy động vốn. Tuy nhiên, Ngân hàng cần đưa ra kế hoạch xác định tỷ lệ tích lũy từ lợi nhuận để tự bổ sung vốn chủ sở hữu sao cho phù hợp với hoạt động của ngân hàng bởi nếu tỷ lệ này quá thấp có thể làm giảm khả năng mở rộng tài sản sinh lời.
- Đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa. Theo Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Agribank sẽ giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước từ 100% xuống mức 65% trong giai đoạn 2016 - 2020.
- Phát hành trái phiếu dài hạn. Đây là một trong những biện pháp hiệu quả để tăng cường năng lực tài chính của ngân hàng nhưng về lâu dài sẽ tạo ra gánh nặng trả nợ. Bên cạnh đó, chi phí vốn cao sẽ làm giảm lợi nhuận của ngân hàng.
3.2.8.2. Nâng cao chất lượng tín dung.
Nâng cao chất lượng tín dụng là vấn đề cấp thiết đối với tất cả các NHTM Việt Nam. Điều này đòi hỏi công tác cho vay của NH phải đảm bảo an toàn, hiệu quả cao. Một số giải pháp Agribank có thể thực hiện như:
- Chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về cấp tín dụng, đảm bảo tiền vay và các quy định an toàn trong hoạt động tín dụng.
-Bổ sung và hoàn thiện quy trình cấp tín dụng, thường xuyên rà soát, theo dõi và đánh giá khách hàng, khoản vay, đảm bảo vốn vay sử dụng đúng mục đích và có các biện pháp xử lý thích hợp.
- Nâng cao chất lượng đánh giá, thẩm định, xét duyệt và quản trị rủi ro tín dụng, đồng thời chú trọng công tác tư vấn với khách hàng vay vốn nhằm hướng dẫn KH sử dụng vốn một cách hiệu quả.