Mặc dù đã đạt được những kết quả rât tốt trong hoạt động tài trợ TMQT, song bên cạnh những thành công đã đạt được thì hoạt động này của Ngân hàng TMCP Quân Đội vẫn còn một số điểm hạn chế, tồn tại, cần phải được khắc phục, để có thể tăng cường hơn nữa hoạt động tài trợ TMQT tại ngân hàng.
2.3.2.1. Quy trình hoạt động tài trợ thương mại quốc tế của MB còn một số điểm bất cập
Những năm gần đây, MB đã rất chú trọng xây dựng và cải thiện quy trình tài trợ TMQT của ngân hàng, song vẫn còn một số điểm bất cập. Chẳng hạn như với việc thanh
toán đi nước ngoài, trong quy trình hiện áp dụng tại MB, việc thông báo chứng từ, gửi bộ chứng từ gốc và thanh toán được thông báo trực tiếp và gửi cho bộ phận hỗ trợ tín
dụng của các chi nhánh, sau đó cán bộ hỗ trợ tín dụng sẽ chịu trách nhiệm thông báo cho các cán bộ quan hệ khách hàng. Cán bộ quan hệ khách hàng sẽ là người trực tiếp tiến hành lập hồ sơ trình vay, giải ngân, thực hiện mua bán ngoại tệ với khách hàng. Điều này có thể dẫn đến rủi ro xảy ra trong việc cán bộ hỗ trợ tín dụng không hoặc quên
thông báo cho cán bộ quan hệ khách hàng, gây chậm trễ trong quá trình thực hiện.
2.3.2.2. Hoạt động tài trợ thương mại quốc tế còn khá đơn điệu
Cho đến nay, các sản phẩm tài trợ TMQT tại MB mới chỉ dừng lại ở các hình thức truyền thống, chưa có nhiều sản phẩm tài trợ TMQT mới mẻ, đột phá. Doanh số tài trợ TMQT của MB chủ yếu là từ tài trợ dựa trên cơ sở phương thức tín dụng chứng từ, các hình thức còn lại thì doanh số nhỏ. Lợi nhuận mà ngân hàng thu được phần lớn cũng từ hình thức tài trợ dựa trên phương thức tín dụng chứng từ. Tài trợ bằng bảo lãnh cũng khá phổ biến ở MB, doanh số khá cao, tuy nhiên lợi nhuận mà MB thu được từ hoạt động này lại thấp so với các hình thức tài trợ khác.
Tuy nhiên, ngay cả với việc tài trợ dựa trên cơ sở tín dụng chứng từ, các hình thức
tài trợ cũng còn khá hạn chế. Chẳng hạn như hiện nay, khá nhiều khách hàng của MB muốn dùng L/C làm tài sản thế chấp vay vốn để mua hàng hóa, nguyên vật liệu. Tuy MB đã có những văn bản quy định rất rõ về hình thức tài trợ này, song việc triển khai vẫn còn nhiều hạn chế. Không phải khách hàng nào cũng có thể sử dụng hình thức tài trợ này của MB.
Hơn nữa, vai trò của hoạt động tài trợ TMQT của MB chưa lớn. Điều đó được phản ánh rõ qua việc doanh thu từ hoạt động tài trợ TMQT chỉ chiếm một tỷ trọng nhỏ trong tổng doanh thu của MB. Trong tổng doanh thu, có đến khoảng 85% doanh thu từ hoạt động đầu tư và cho vay, số còn lại là từ hoạt động tài trợ TMQT và các dịch vụ khác.
2.3.2.3. Đối tượng tài trợ thương mại quốc tế còn khá hạn chế
Các doanh nghiệp muốn được MB tài trợ phải là các doanh nghiệp uy tín, có tình hình sản xuất kinh doanh ổn định. MB có khá nhiều các quy định ngặt nghèo, các điều kiện để cung cấp tài trợ đối với khách hàng, ngoài năng lực tài chính, còn xét đến uy tín tín dụng, lịch sử tín dụng,.. .Hầu hết các doanh nghiệp muốn được MB tài trợ phải có tài sản đảm bảo. MB chỉ tài trợ tín chấp cho các doanh nghiệp lớn, khách hàng truyền thống của ngân hàng, các doanh nghiệp phục vụ quân đội trực thuộc Bộ Quốc phòng,.
2.3.2.4. Có sự mất cân đối giữa tài trợ xuất khẩu và tài trợ nhập khẩu
MB thường tài trợ nhiều hơn cho các L/C nhập khẩu so với L/C xuất khẩu. Bên cạnh lợi nhuận thu được nhiều hơn, hoạt động này cũng mang lại nhiều rủi ro hơn cho MB vì khi đã phát hành L/C, MB sẽ chịu ràng buộc bởi trách nhiệm thanh toán nếu chứng từ phù hợp với các điều khoản và điều kiện quy định trong L/C. Mặt khác, một số khách hàng tìm đến nguồn tài trợ nhập khẩu tại MB nhưng lại thực hiện các giao dịch
tài trợ xuất khẩu tại các ngân hàng khác, khiến MB không thu được các khoản ngoại tệ từ các khoản thu từ bán hàng của khách hàng. Có những khách hàng khi được MB tài trợ lại không thực hiện đúng các cam kết đối với MB, như không chuyển doanh thu về tài khoản tại MB, gây rủi ro cho ngân hàng.
Tất cả các yếu tố trên là nguyên nhân gây ra tình trạng mất cân đối ngoại tệ của ngân hàng TMCP Quân Đội. Thiếu hụt ngoại tệ cũng gây ảnh hưởng đến việc tài trợ L/C nhập khẩu của MB.