5. Kết cấu của luận văn
1.4.3. Thu thập, xử lý thông tin chi phí
1.4.3.1. Các phương pháp xác định chi phí dịch vụ
Xác định chi phí cho các đối tượng chịu chi phí theo phương pháp truyền thống
Theo phương pháp này, đối tượng nhận chi phí là sản phẩm hoặc là khách hàng hay các đơn hàng. Chi phí sẽ được ghi chép cẩn thận, chính xác trong các chứng từ và sẽ được kết chuyển vào các tài khoản liên quan.
Các chi phí công việc cũng sẽ được bộ phận kế toán ghi chép và đưa vào các tài khoản liên quan. Bao gồm: Chi phí NVL trực tiếp; Chi phí lao động trực tiếp; Chi phí sản xuất chung.
Có 2 phương pháp để xác định chi phí sản xuất chung cho công việc:
(1) Chi phí thực tế: khi công việc kết thúc chi phí này sẽ được tổng kết dựa theo thực tế phát sinh.
(2) Phân bổ ước tính chi phí sản xuất chung: Phương pháp này sẽ sử dụng cơ sở là chi phí NVL trực tiếp hay lao động trực tiếp để phân bổ chi phí sản xuất chung cho các công việc khác nhau.
Phương pháp xác định chi phí theo quá trình
Là 1 hệ thống tính toán chi phí sản phẩm trong đó các chi phí được tích lũy theo quá trình hay trong các phân xưởng, tổ sản xuất và sau đó được phân bổ đến 1 số sản phẩm dịch vụ hay nhóm sản phẩm dịch vụ tương tự nhau.
Trong phương pháp này, kế toán không xác định chi phí cho từng sản phẩm dịch vụ hay từng lô sản phẩm cụ thể mà chỉ xác định cho từng công đoạn hay bộ phận khác nhau.
Xác định chi phí cho các đối tượng chịu chi phí theo mô hình quản lý chi phí hiện đại
Phương pháp xác định giá phí theo hoạt động
Theo phương pháp ABC, trước hết tập hợp các chi phí sản xuất chung cho các hoạt động của doanh nghiệp, sau đó tiến hành phân bổ chi phí của từng hoạt động vào đối tượng tính chi phí dựa trên mối quan hệ nhân quả giữa hoạt động và đối tượng tính phí. Để áp dụng phương pháp này cần xác định cụ thể có bao nhiêu hoạt động chính, nguồn lực được sử dụng để tạo ra sản phẩm dịch vụ (đối tượng tính phí). Do vậy, không tính chi phí nguồn lực vào đối tượng tính phí khi đối tượng này không sử dụng nguồn lực đó.
Phương pháp xác định chi phí theo chu kỳ sống của sản phẩm
Chu kỳ sống của sản phẩm là khoảng thời gian mà một sản phẩm tồn tại. gồm 4 giai đoạn: Nghiên cứu, thử nghiệm - Triển khai - Bão hòa - Suy thoái. Phương pháp xác định chi phí hợp lý nhất đối với doanh nghiệp giai đoạn này là phương pháp chi phí mục tiêu (target costing). Tính ưu việt của phương pháp này đã được thừa nhận trên thế giới, vì phương pháp này là một công cụ khích lệ và tạo thuận lợi cho việc liên kết giữa các bộ phận của công nghệ sản xuất; làm thay đổi quan điểm truyền thống về KTQT chi phí. Vận dụng phương pháp CPMT thực sự mang lại hiệu quả cho các nhà quản trị trong quá trình kiểm soát chi phí nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của DN, được coi như là một công cụ đánh giá hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, để vận dụng phương pháp này vào DN nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi DN phải phân tích. so sánh lợi ích đạt được và chi phí bỏ ra.
1.4.3.2. Phương pháp thu thập xử lý thông tin chi phí
Thông tin chi phí thực hiện (còn gọi là các thông tin quá khứ) là nguồn thông tin chi phí thu nhận được từ những sự kiện kinh tế đã phát sinh.
Để thu thập thông tin chi phí các doanh nghiệp dịch vụ tự xây dựng quy trình luân chuyển chứng từ riêng phù hợp với tình hình thực tế tại đơn vị nhưng tôn trọng nguyên tắc toàn bộ chứng từ kế toán do doanh nghiệp lập hoặc từ bên ngoài chuyển đến đều phải tập trung vào bộ phận kế toán doanh nghiệp. Bộ phận kế toán kiểm tra những chứng từ kế toán đó và chỉ sau khi kiểm tra và xác minh tính pháp lý của chứng từ thì mới dùng những chứng từ đó để ghi sổ kế toán.
Về chứng từ: Các doanh nghiệp thiết kế, xây dựng mẫu sổ kế toán, chứng từ kế toán riêng phù hợp với yêu cầu quản lý và đặc điểm hoạt động của mình. Nhưng phải đảm bảo cung cấp thông tin về giao dịch kinh tế một cách minh bạch, đầy đủ.
Căn cứ vào đặc điểm sản xuất kinh doanh, tính chất, yêu cầu, trình độ quản lý và trình độ của cán bộ kế toán trong đơn vị. DN xây dựng hệ thống tài khoản phù hợp với đặc điểm kinh doanh tại đơn vị để tập hợp chi phí theo từng loại, phục vụ công tác kế toán quản trị chi phí.
Để tập hợp chi phí phục vụ quản trị chi phí các doanh nghiệp dịch vụ xây dựng hệ thống tài khoản chi tiết đến cấp 2, cấp 3.… phù hợp với đặc điểm kinh doanh và yêu cầu quản lý. Cụ thể như sau:
Chi phí sản xuất:
- Chi phí nguyên vật liệu trực tiếp: sử dụng tài khoản và sổ chi tiết tài khoản 621 để tập hợp và theo dõi.
- Chi phí nhân công trực tiếp: sử dụng tài khoản và sổ kế toán chi tiết tài khoản 622 để tập hợp và theo dõi chi phí bao gồm lương và khoản trích theo lương.
- Chi phí sản xuất chung: sử dụng tài khoản và sổ kế toán chi tiết tài khoản 627 để tập hợp và theo dõi.
Chi phí ngoài sản xuất:
- Chi phí bán hàng: sử dụng tài khoản và sổ kế toán chi tiết tài khoản 641 để tập hợp và theo dõi.
- Chi phí quản lý doanh nghiệp: sử dụng tài khoản và sổ kế toán chi tiết 642 để tập hợp và theo dõi.
- Ngoài ra chi phí tài chính sử dụng TK 635, chi phí khác sử dụng TK 811. Chi phí Thuế TNDN là TK 821.
Cuối kỳ sử dụng TK 154 để tập hợp chi phí sản xuất kinh doanh của dịch vụ hoàn thành và dở dang sau đó kết chuyển chi phí sang TK 632 xác định giá vốn dịch vụ.
Căn cứ trên sổ kế toán chi tiết các tài khoản chi phí, bộ phận chi phí thực hiện tổng hợp chi phí theo từng loại dịch vụ để tổ chức xử lý, phân tích để nhà quản trị ra quyết định.