1.2.3.1. Thị trường dịch vụ viễn thông
Trạng thái thị trường dịch vụ viễn thông có ảnh hưởng đến các quyết định quản lý kênh phân phối, cụ thể:
Trong thị trường viễn thông độc quyền với số ít nhà cung cấp dịch vụ, các nhà cung cấp dịch vụ đa phần thuộc sở hữu nhà nước thì họ thường tham gia toàn bộ các hoạt động kinh doanh bao gồm cả hoạt động phân phối. Rất ít đại lý dịch vụ được mở ra và người tiêu dùng thường phải giao dịch trực tiếp với doanh nghiệp viễn thông để được sử dụng dịch vụ.
Trong thị trường cạnh tranh gay gắt, khi mà sự thuận tiện trong việc tiếp cận dịch vụ viễn thông là một trong những vũ khí cạnh tranh sắc bén thì các doanh nghiệp viễn thông đã tổ chức hệ thống phân phối dày đặc, bao phủ khách hàng và hoạt động liên tục 24/7. Chiến lược phân phối đại trà được áp dụng với các dịch vụ viễn thông phổ biến như điện thoại di động, internet với rất nhiều tổ chức, cá nhân có thể tham gia một hoặc vài khâu trong phân phối (như phân phối thẻ cứng vật lý, tiếp nhận thanh toán dịch vụ, cài đặt một số dịch vụ đơn giản về mặt kỹ thuật cho khách hàng). Thị trường viễn thông cạnh tranh cũng làm cho các doanh nghiệp viễn thông phải cạnh tranh cả trong những chính sách đối với các đại lý của mình, các chế độ ưu đãi nhằm giữ đại lý độc quyền, các chính sách chiết khấu cao trong phân phối (như sim thẻ) nhằm hấp dẫn các đại lý bán dịch vụ của mình thay vì bán dịch vụ của các doanh nghiệp viễn thông khác.
1.2.3.2. Các chính sách của nhà nước về thị trường viễn thông
Các chính sách chủ yếu của nhà nước về thị trường viễn thông có ảnh hưởng đến quản lý kênh phân phối bao gồm:
Tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư, kinh doanh viễn thông để phát triển nhanh và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng viễn thông, đa dạng hóa dịch vụ viễn thông, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Bảo đảm môi trường cạnh tranh lành lạnh trong hoạt động viễn thông.
Tạo điều kiện thuận lợi để phát triển cơ sở hạ tầng và cung cấp dịch vụ viễn thông tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; phân định rõ hoạt động viễn thông công ích và kinh doanh viễn thông; thúc đẩy việc sử dụng Internet trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế và nghiên cứu khoa học.
Tập trung đầu tư xây dựng, hiện đại hóa mạng viễn thông dùng riêng phục vụ hoạt động quốc phòng, an ninh, hoạt động của các cơ quan Đảng, Nhà nước.
Khuyến khích phát triển nguồn nhân lực viễn thông đáp ứng yêu cầu quản lý, khai thác, kinh doanh hiệu quả cơ sở hạ tầng viễn thông.
Tăng cường hợp tác quốc tế về viễn thông trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng, các bên cùng có lợi, phù hợp với pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Chính sách cạnh tranh trong viễn thông
Chính sách cạnh tranh khiến cho các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ viễn thông phải tăng cường các hoạt động quản lý kênh phân phối với vai trò là một công cụ marketing hỗn hợp tác động đến nhu cầu và mong muốn của khách hàng.
Chính sách mở cửa thị trường và các cam kết gia nhập thị trường quốc tế
nhập thị trường quốc tế (như cam kết gia nhập WTO) sẽ quyết định việc các nhà đầu tư nước ngoài được tham gia như thế nào vào việc phân phối dịch vụ viễn thông. Họ có được thiết lập cả toàn bộ hệ thống kỹ thuật (hạ tầng mạng viễn thông) để phân phối dịch vụ hay không? Họ có được đặt chi nhánh để cung ứng dịch vụ trực tiếp hay bắt buộc phải sử dụng đại lý dịch vụ là các tổ chức, doanh nghiệp ở nước sở tại? Những nội dung này được thể hiện rõ trong các quy định Pháp luật về dịch vụ viễn thông.
Thực trạng thực thi các chính sách trong giai đoạn vừa qua
Theo Thông tư số 47/2017/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông) áp dụng từ ngày 1-3-2018, nhà mạng chỉ được khuyến mãi không quá 20% với thuê bao trả trước và không quá 50% với thuê bao trả sau. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp viễn thông đã kiến nghị bỏ quy định này, vì không những trái với quy luật của nền kinh tế thị trường, mà còn cản trở sự phát triển của doanh nghiệp. Kiến nghị này đã được cơ quan quản lý tiếp thu và đến đầu tháng 9-2018 các nhà mạng bắt đầu khuyến mãi 50% giá trị thẻ nạp trở lại.
Nghị định số 49/2017/NĐ-CP của Chính phủ, các thuê bao trả trước đăng ký thông tin chưa chính xác phải bổ sung và phải chụp ảnh chân dung thuê bao; đến hết ngày 24-4-2018 nếu thuê bao trong diện phải bổ sung mà không thực hiện sẽ bị cắt liên lạc. Do vậy, khoảng thời gian trước và sau thời điểm 24-4-2018, nhiều cửa hàng, điểm đăng ký của nhà mạng bị quá tải người xếp hàng đăng ký bổ sung. Đến cuối tháng 9-2018, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề xuất bỏ quy định chụp ảnh chân dung thuê bao
Một chính sách có tác động nhiều đến người dân là chính sách chuyển mạng giữ nguyên số đã được nhà mạng áp dụng với thuê bao trả trước kể từ ngày 1-1-2019. Nếu như việc áp dụng chính sách này với thuê bao trả sau chưa tạo ra sự chuyển dịch lớn, thì việc áp dụng với thuê bao trả trước (chiếm 95% khách hàng dùng di động) được kỳ vọng là động lực để nhà mạng tăng cường năng lực cạnh
tranh bằng cách nâng cao chất lượng dịch vụ, chăm sóc khách hàng, nhất là với khách hàng lâu năm, khi thị trường viễn thông đang dần bão hòa.
Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, dẫn dắt trong thực hiện cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có những thay đổi trong cách quản lý và đề xuất xây dựng chính sách mới. Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 là một cuộc cách mạng về chính sách nhiều hơn là một cuộc cách mạng về công nghệ. Vì vậy, với quan điểm này, hi vọng trong năm 2019, cơ quan quản lý nhà nước sẽ tham mưu và ban hành những quyết sách đột phá thúc đẩy ngành phát triển.
1.2.3.3. Chiến lược phát triển của doanh nghiệp viễn thông
Chiến lược phát triển của doanh nghiệp viễn thông ảnh hưởng đến chiến lược marketing nói chung và theo đó ảnh hưởng đến quản lý kênh phân phối.
Khi một doanh nghiệp viễn thông theo đuổi chiến lược hội nhập dọc ngược chiều thì họ có thể tham gia sâu hơn vào các hoạt động sản xuất thiết bị viễn thông (như sản xuất cáp viễn thông, tổng đài, các cột BTS…) thay vì tập trung phát triển kênh phân phối. Ngược lại, chiến lược hội nhập dọc xuôi chiều sẽ khiến cho doanh nghiệp viễn thông tăng cường hoạt động phân phối, phát triển các kênh phân phối đa dạng từ trực tuyến (on line) đến ngoại tuyến (off line) nhằm chủ động kiểm soát hoạt động phân phối các dịch vụ viễn thông đến tận tay người tiêu dùng.