“Cơ chế”, theo nghĩa chung nhất, là “cách thức sắp xếp tổ chức để làm đường hướng, cơ sở theo đó mà thực hiện” [80, tr.464]. Điều chỉnh, hiểu theo nghĩa thông thường, là “xếp đặt cho đúng, cho hợp lý” [80, tr.637]. Theo nghĩa pháp lý, “điều chỉnh” là sự tác động, bảo vệ, khuyến khích, hạn chế hay loại trừ của pháp luật đối với các quan hệ xã hội và hành vi của các chủ thể trong xã hội.
“Điều chỉnh pháp luật” là “việc nhà nước dùng pháp luật, dựa vào pháp luật để điều chỉnh các quan hệ xã hội, tác động theo hướng nhất định vào các quan hệ xã hội” [72, tr.209]. Trên cơ sở khái niệm “cơ chế” và khái niệm “điều chỉnh pháp luật”, GS, TSKH. Đào Trí Úc đã đưa ra định nghĩa về cơ chế điều chỉnh pháp luật như sau: “Cơ chế điều chỉnh pháp luật” được hiểu là “hệ thống các biện pháp pháp luật (…) có quan hệ mật thiết với nhau, tác động lẫn nhau mà quan đó thực hiện sự tác động của pháp luật lên các quan hệ xã hội” [72, tr.214]. Các giải pháp tác động ở đây được hiểu là các giải pháp mang tính tài sản dựa trên nguyên tắc tự do hợp đồng, ý chí tự nguyện ràng buộc hợp đồng của các bên, lẽ công bằng và tính nghiêm minh của pháp luật [28, tr.92]. Các giải pháp tác động cho phép dự liệu khả năng lựa chọn cách thức xử sự của mỗi bên chủ thể trong hợp đồng để phản kháng lại sự vi phạm cơ bản hợp đồng của bên kia, và quyền được pháp luật bảo vệ lợi ích hợp pháp bị tổn hại do hành vi vi phạm cơ bản hợp đồng. Các giải pháp đó được thể hiện ra bên ngoài thành các quy phạm pháp luật nhằm quy định cho phép bên bị vi phạm cơ bản hợp đồng có quyền chấm dứt hiệu lực của hợp đồng khi có vi phạm cơ bản hợp đồng.
Từ nhận thức trên, có thể đưa ra khái niệm về cơ chế điều chỉnh pháp luật về vi phạm cơ bản hợp đồng như sau: Cơ chế điều chỉnh pháp luật về vi phạm cơ bản hợp
đồng là giải pháp được Nhà nước sử dụng để tác động tới các bên xác lập và thực hiện hợp đồng khi có sự vi phạm cơ bản hợp đồng nhằm đảm bảo cho hiệu lực hợp đồng được tôn trọng và được thực thi một cách công bằng và hợp lý.