Như đã phân tích ở trên, hủy bỏ hợp đồng là chế tài rất nặng nề, tác động trực tiếp lên hiệu lực hợp đồng và các bên giao kết hợp đồng cũng như cơ quan tài phán cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi yêu cầu hoặc quyết định nhằm đảm bảo nguyên tắc tuân thủ hợp đồng bởi hợp đồng được giao kết không phải để bị mất hiệu lực tạm thời, mất hiệu lực hay mất hiệu lực hồi tố. Tuy nhiên, điều kiện hủy bỏ hợp đồng khi các bên không có thỏa thuận là quá rộng dẫn đến nguy cơ “lạm dụng” để yêu cầu áp dụng một trong các chế tài này và tạo sự không tương thích giữa Điều 312 và Điều 313. Chính vì vậy, người viết kiến nghị chỉ nên xem xét áp dụng các chế tài này khi không thực hiện hợp đồng cấu thành vi phạm cơ bản hợp đồng bởi với hành vi thực hiện không đúng hợp đồng như giao hàng không đúng số lượng, giao hàng không phù hợp về chất lượng, bên bị vi phạm có thể yêu cầu bên vi phạm khắc phục hoặc giao hàng thay thế với chi phí của bên vi phạm. Tác động lên hiệu lực hợp đồng chỉ nên xem là biện pháp cuối cùng sau khi đã áp dụng các biện pháp khác.
Điều 298 cho phép bên bị vi phạm có thể gia hạn một thời gian hợp lý để bên vi phạm thực hiện nghĩa vụ hợp đồng. Tiếp theo, khoản 2 Điều 299 quy định “Trường hợp bên vi phạm không thực hiện chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng trong thời hạn mà bên bị vi phạm ấn định, bên bị vi phạm được áp dụng chế tài khác để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Tuy nhiên, nếu muốn áp dụng chế tài tạm ngừng thực hiện, đình chỉ thực hiện hay hủy bỏ hợp đồng thì phải có điều kiện là vi phạm cơ bản hợp đồng. Phải chăng Luật thương mại gián tiếp thừa nhận không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng trong thời hạn gia hạn là vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng thì bên bị vi phạm mới có cơ sở áp dụng chế tài khác để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình được. Tuy nhiên, việc quy định cho phép áp dụng “chế tài khác” dễ dẫn đến tính đa dạng trong thực tiễn và không phù hợp với thực tiễn pháp luật quốc tế.
Để đảm bảo quyền lợi của bên bị vi phạm, trên cơ sở tham khảo quy định của Công ước Viên cho thấy, thực tiễn tòa án, trọng tài cho phép bên bị vi phạm có quyền
hủy hợp đồng nếu đã gia hạn thời hạn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng cho bên vi phạm nhưng bên vi phạm vẫn không thực hiện hợp đồng trong thời gian gia hạn thêm đó. Ví dụ, bên vi phạm vẫn không giao hàng hoặc không thanh toán tiền hàng mặc dù bên bị vi phạm đã yêu cầu giao hàng, thanh toán tiền hàng trong thời hạn nhất định. Vì vậy, thay vì bổ sung căn cứ hủy bỏ hợp đồng do không thực hiện hợp đồng trong thời hạn mà bên bị vi phạm ấn định, thậm chí là tuyên bố không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng, chúng ta có thể sửa đổi khoản 2 Điều 299 cho phép chấm dứt hợp đồng bằng cách áp dụng trực tiếp chế tài đình chỉ thực hiện hoặc hủy bỏ hợp đồng. Do đó, sẽ tạo được sự kết nối giữa Điều 298, khoản 2 Điều 299 với Điều 310, Điều 312, cụ thể:
Điều 299. Quan hệ giữa chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng và các loại chế tài khác
2. Trường hợp bên vi phạm không thực hiện chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng trong thời hạn mà bên bị vi phạm ấn định, bên bị vi phạm có quyền áp dụng chế tài đình chỉ thực hiện hợp đồng hoặc hủy bỏ hợp đồng để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.
Điều 312. Hủy bỏ hợp đồng
4. Trừ trường hợp mien trách nhiệm quy định tại Điều 294 của Luật này, chế tài hủy bỏ hợp đồng được áp dụng trong các trường hợp sau đây:
a) Xảy ra hành vi vi phạm mà các bên đã thỏa thuận là điều kiện để hủy bỏ hợp đồng.
b) Một bên không thực thực hiện hợp đồng cấu thành vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng.