Những gì bên bị vi phạm có quyền kỳ vọng từ hợp đồng bị tước đi đáng kể

Một phần của tài liệu VI PHẠM CƠ BẢN HỢP ĐỒNG THEO CÔNG ƯỚC VIÊN NĂM 1980 VỀ HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA QUỐC TẾ VÀ ĐỊNH HƯỚNG HOÀN THIỆN CÁC QUY ĐỊNH CÓ LIÊN QUAN CỦA PHÁP LUẬT VIỆT NAM (Luận văn Thạc sĩ) (Trang 73 - 87)

gì bên kia có quyền kỳ vọng từ hợp đồng” của hành vi vi phạm.

Chính từ những khó khăn, bất cập trong việc sử dụng tổn hại là yếu tố bắt buộc, tiên quyết theo quy định tại Điều 25 Công ước Viên để xác định vi phạm cơ bản hợp đồng dễ dẫn đến sự thiếu thống nhất của tòa án, trọng tài khi nhìn nhận vấn đề này, người viết cho rằng, tổn hại không nên là nhân tố quyết định để xác định tính cơ bản của vi phạm hợp đồng mà thay vào đó nên dựa vào những gì mà các bên kỳ vọng từ hợp đồng có bị tước đi đáng kể hay không, nói cách khác lợi ích mong muốn và kỳ vọng đạt được của các bên khi xác lập hợp đồng MBHHQT có bị tước đi đáng kể hay không. Sự ảnh hưởng nghiêm trọng của hành vi vi phạm hợp đồng đến kỳ vọng của bên bị vi phạm khi xác lập hợp đồng MBHHQT mới nên là nhân tố quyết định để xác định tính cơ bản của vi phạm hợp đồng bởi không thực hiện hợp đồng như không giao hàng, không thanh toán hay giao hàng không đúng thời gian, giao hàng có chất lượng không phù hợp với hợp đồng sẽ làm cho bên bị vi phạm bị tước đi lợi ích kỳ vọng từ hợp đồng [145, tr.77].

3.2.2. Những gì bên bị vi phạm có quyền kỳ vọng từ hợp đồng bị tước đi đángkể kể

Những gì bên bị vi phạm có quyền kỳ vọng từ hợp đồng bị tước đi đáng kể là hệ quả của tổn hại đáng kể do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra, là yếu tố đóng vai trò quan trọng trong việc xác định vi phạm cơ bản hợp đồng bởi nó thể hiện tính nghiêm trọng của hậu quả do vi phạm hợp đồng gây ra theo Điều 25 Công ước Viên. Không phải cứ vi phạm hợp đồng gây “tổn hại” là cấu thành vi phạm cơ bản mà tổn hại phải đến mức “tước đi đáng kể những gì bên bị vi phạm kỳ vọng từ hợp đồng”, tức là tính nghiêm trọng của “tổn hại” do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra phải được xem xét trong mối tương quan với hệ quả của “tổn hại” là “tước đi đáng kể những gì bên bị vi phạm kỳ vọng từ hợp đồng”.

Các quan điểm đều cho rằng, nếu bên bị vi phạm bị tước đi lợi ích của việc thực hiện hợp đồng thì tổn hại được coi là đáng kể [142, tr.59; 126, tr.340; 165, tr.321]. Tác giả Zeller cũng đồng quan điểm này và cho rằng “tổn hại đáng kể vượt ra ngoài khoản tiền bồi thường thiệt hại quy định tại Điều 74. Đơn giản, tổn hại không bằng tiền bồi thường thiệt hại” [89, tr.226]. Tác giả Will cũng có có quan điểm tương tự [132]. Cách diễn đạt của Điều 25 không đề cập đến mức độ tổn hại mà thay vào đó là tầm quan

trọng của lợi ích mà hợp đồng và nghĩa vụ của các bên tạo nên [116], hay nói cách khác, sự tồn tại của lợi ích, mong muốn hợp pháp là yếu tố duy nhất để xác định những gì bên bị vi phạm kỳ vọng bị tước đi đáng kể hay không [145, tr.53]. Schlechtriem và Butler cũng đồng quan điểm khi cho rằng, đó không phải mức độ nghiêm trọng khách quan của vi phạm hợp đồng và không phải là mức độ tổn hại mà quan trọng là lợi ích của các bên từ hợp đồng [143, tr.98].

Về mặt lý luận cũng như pháp luật thực định, chưa có câu trả lời cuối cùng và thỏa đáng cho việc xác định những gì bên bị vi phạm kỳ vọng từ hợp đồng là gì và có bị tước đi đáng kể do hành vi vi phạm hợp đồng hay không. Mỗi tình huống vi phạm hợp đồng cụ thể sẽ đem đến những hậu quả pháp lý không giống nhau, có khi kéo theo trách nhiệm bồi thường thiệt hại, giảm giá hay nặng nề hợp là hủy hợp đồng. Việc xác định mức độ tổn hại như thế nào để thỏa mãn quy định tại Điều 25 của Công ước tùy thuộc rất nhiều vào luận giải, phán quyết của tòa án, trọng tài có thẩm quyền khi giải quyết các tranh chấp có liên quan.

Kỳ vọng từ hợp đồng là nội dung chủ yếu để xác định liệu một vi phạm hợp đồng gây tổn hại đáng kể có bị coi là vi phạm cơ bản hợp đồng hay không [82, tr.102]. Nói cách khác, sự tước đi đáng kể những gì bên bị vi phạm kỳ vọng từ hợp đồng có thể được xác định trong khuôn khổ tổn hại xảy ra mà bên bị vi phạm phải gánh chịu đối với kỳ vọng từ hợp đồng của bên bị vi phạm hoặc không cần có tổn hại. Vi phạm hợp đồng tới mức nào thì bị coi là vi phạm cơ bản phụ thuộc vào các yếu tố liên quan để đạt được những gì bên bị vi phạm kỳ vọng từ hợp đồng [107, tr.72]. Câu hỏi đặt ra là cơ sở nào để xác định những gì bên bị vi phạm có quyền kỳ vọng từ hợp đồng? Đây là vấn đề pháp lý phức tạp bởi lẽ việc xác định kỳ vọng của bên bị vi phạm từ hợp đồng không chỉ dựa vào giải thích nội dung hợp đồng mà còn dựa vào thực tiễn, tập quán hoặc những quy định bổ sung của Công ước [11, Điều 9].

Bên bị vi phạm có quyền kỳ vọng nhận được sự thực hiện hợp đồng như đã hứa của bên vi phạm nhưng điều này còn phụ thuộc vào cam kết trong hợp đồng của bên vi phạm. Vì vậy, giả sử bên bị vi phạm bị tước đi cơ hội thu được khoản lợi nhuận cụ thể mà anh ta kỳ vọng nhận được từ việc thực hiện hợp đồng của bên vi phạm nhưng bên bị vi phạm lại không thông báo trong hợp đồng cho bên vi phạm biết về kỳ vọng này. Có thể nói rằng, bên bị vi phạm có quyền kỳ vọng lợi ích đó từ hợp đồng hay không?. Đành rằng, hợp đồng là cơ sở xác định kỳ vọng của bên bị vi phạm, hay nói cách khác

kỳ vọng của bên bị vi phạm phải được giải thích, xác định dựa vào hợp đồng. Điều này không đồng nghĩa với việc các bên phải phát biểu rõ ràng mình kỳ vọng gì trong hợp đồng. Tuy nhiên, nếu có được những thỏa thuận rõ ràng về mong muốn hay kỳ vọng của các bên trong hợp đồng thì việc xác định có hay không có vi phạm cơ bản hợp đồng trong trường hợp này sẽ trở nên dễ dàng hơn bởi Điều 25 cũng như các quy định khác của Công ước không đề cập gì đến cơ sở xác định vấn đề này. Về nguyên tắc, lợi ích kỳ vọng của các bên là tiêu chí khách quan để xác định vi phạm cơ bản hợp đồng vì chính hợp đồng xác định nghĩa vụ của các bên và hợp đồng cũng là cơ sở xác định tầm quan trọng của các nghĩa vụ đó [82].

Đối với việc xác định những gì các bên kỳ vọng từ hợp đồng, chắc chắn các bên dễ dàng xác định khi nào và trong trường hợp nào thì vi phạm hợp đồng tước đi đáng kể những gì bên bị vi phạm kỳ vọng từ hợp đồng là cơ bản. Tuy nhiên, liệu các cuộc đàm phán, tập quán hoặc các sự kiện khác xảy ra sau khi ký kết hợp đồng và không được đề cập đến trong hợp đồng có thể được sử dụng để xác định những gì kỳ vọng từ hợp đồng hay không. Câu hỏi ở đây là, các điều khoản hợp đồng có phải là nguồn duy nhất để xác định những gì kỳ vọng từ hợp đồng của bên bị vi phạm?.

Thuật ngữ “under the contract” được sử dụng trong Điều 25, về nguyên tắc, đề cập đến tất cả các điều khoản của hợp đồng, dù là được quy định một cách rõ ràng hoặc ngầm định [93, tr.97]. Kỳ vọng từ hợp đồng của các bên không chỉ được xác định dựa vào ngôn ngữ của hợp đồng mà còn căn cứ vào những tình huống xung quanh quan hệ hợp đồng giữa các bên. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là việc đánh giá sự tước đi những gì các bên kỳ vọng sẽ phụ thuộc vào hoàn cảnh trong tình huống cụ thể, thậm chí những tình huống đó diễn ra sau khi ký kết hợp đồng. Công ước Viên không nhằm nâng cao thẩm quyền của Thẩm phán mà thay vào đó yêu cầu họ phải xác định những gì các bên kỳ vọng từ hợp đồng trong khuôn khổ hợp đồng và hoàn cảnh xung quanh quan hệ hợp đồng giữa các bên [85].

Thực tiễn vận dụng của tòa án, trọng tài của một số quốc gia thành viên Công ước Viên cho thấy có hai xu hướng khi xác định những gì bên bị vi phạm kỳ vọng hợp đồng có bị tước đi đáng kể hay không, cụ thể:

- Xu hướng 1: Hành vi không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng của bên vi phạm luôn dẫn đến hậu quả là những gì bên bị vi phạm kỳ vọng từ hợp đồng bị tước đi đáng kể cho dù có hay không có tổn hại xảy ra

(i) Người bán không giao hàng

Trong thực tiễn thực hiện hợp đồng MBHHQT, giao hàng, dường như, luôn bị tòa án, trọng tài của một số quốc gia thành viên Công ước coi là “nghĩa vụ cơ bản của người bán” [196], vì thế, khi người bán vi phạm nghĩa vụ giao hàng thì coi như là vi phạm cơ bản hợp đồng và xem như đủ thỏa mãn điều kiện “tước đi của người mua những gì người mua kỳ vọng từ hợp đồng”.

Vụ “Compound fertilizer” [196]: Tranh chấp giữa người mua Australia và người bán Trung Quốc về hợp đồng cung cấp phân bón tổng hợp. Khi thực hiện hợp đồng, người bán đã thông báo cho người mua (bằng fax) rằng, họ không thể giao hàng vì không tìm được nguồn hàng cung cấp. Người mua đã không chấp nhận lý do này và đã kiện người bán ra CIETAC (Trung Quốc). Hội đồng trọng tài thuộc CIETAC đã kết luận người bán đã vi phạm cơ bản hợp đồng (theo tinh thần quy định tại Điều 25 Công ước Viên) do việc người bán không giao hàng đã thật sự tước đi những quyền lợi mà người mua kỳ vọng từ hợp đồng đã ký kết.

Vụ “Cheese” [235]: Người bán Cộng hòa Séc và người mua Đức ký một hợp đồng mua bán 300 tấn pho mát, giao hàng làm 15 chuyến, mỗi chuyến 20 tấn. Hợp đồng cũng quy định thanh toán trả trước cho từng chuyến hàng. Sau khi chuyến hàng thứ nhất thực hiện thành công, người mua đã thanh toán chuyến hàng thứ hai nhưng người bán đã không giao hàng. Người mua đã kiện ra hội đồng trọng tài Hamburg (Đức) yêu cầu trả lại tiền hàng đã thanh toán cùng khoản lãi trên số tiền đó và hủy hợp đồng. Hội đồng trọng tài căn cứ Điều 45(1)(a) và Điều 49(1)(a) đã cho rằng người mua có quyền tuyên bố hủy hợp đồng cho chuyến hàng thứ hai do người bán không giao hàng đã tước đi quyền lợi mà người mua có quyền mong đợi từ hợp đồng.

(ii) Người bán không giao chứng từ liên quan đến hàng hóa cho người mua

Theo quy định của Công ước, người bán không chỉ có nghĩa vụ giao hàng mà còn phải chuyển giao chứng từ liên quan đến hàng hóa và quyền sở hữu về hàng hóa cho người mua [11, Điều 30]. Tuy nhiên, trong thực tiễn, người bán đã vi phạm nghĩa vụ này và vì vậy tòa án và trọng tài một số quốc gia thành viên Công ước coi hành vi vi phạm này của người bán đã tước đi những gì người mua kỳ vọng từ hợp đồng, thỏa mãn yếu tố cấu thành vi phạm cơ bản quy định tại Điều 25.

Vụ Fluorite [210]: Tranh chấp giữa người bán Trung Quốc và người mua Đức. Trong tranh chấp này, trọng tài CIETAC (Trung Quốc) cho rằng người bán đã vi phạm

cơ bản hợp đồng vì người bán không xuất trình tài liệu trong khoảng thời gian gia hạn của L/C. Theo trọng tài, hợp đồng quy định thanh toán bằng L/C vì thế nghĩa vụ cơ bản của người bán là cung cấp tất cả tài liệu đủ điều kiện và chuyển quyền sở hữu cho người mua. Tuy nhiên, người bán đã vi phạm quy định này. Hợp đồng quy định nếu người bán không xuất trình tài liệu trong thời hạn L/C thì xem như người bán vi phạm hợp đồng. Trọng tài nhấn mạnh thêm, trong thực tế, việc không xuất trình chứng từ trong thời hạn quy định trong hợp đồng đã dẫn đến tước đi những gì người mua kỳ vọng từ hợp đồng – được thanh toán hay hủy mục đích của hợp đồng, vì vậy việc tiếp tục thực hiện hợp đồng trở nên vô nghĩa đối với người mua. Việc người bán không xuất trình chứng từ và chuyển quyền sở hữu hàng hóa thỏa mãn quy định về vi phạm cơ bản hợp đồng tại Điều 25 Công ước Viên.

Tương tự, vụ Medical equipment [262]: Người bán Thụy Sĩ và người mua Ucraina ký hợp đồng mua bán thiết bị y tế nhưng người bán đơn phương thay đổi phương thức vận tải (vận tải đường biển thay cho vận tải hàng không quy định trong hợp đồng) làm cho thời gian vận tải dài hơn và người bán không giao chứng từ vận tải đúng hạn quy định trong hợp đồng (đơn bảo hiểm và chứng nhận chất lượng). Điều này đã dẫn đến hàng hóa không thể thông quan và người mua không thể nhận hàng ở cảng Odessa theo như điều khoản hợp đồng. Vì vậy, trọng tài Ucraina phán quyết rằng người bán đã vi phạm cơ bản hợp đồng.

(iii) Người mua không thanh toán tiền hàng

Hành vi không thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền hàng của người mua thường thể hiện ở việc người mua không mở L/C theo quy định của hợp đồng hoặc trong thời gian mà người bán đã gia hạn thêm. Nghĩa vụ mở L/C khi hợp đồng quy định thanh toán bằng phương thức này là nghĩa vụ cơ bản nhất của người mua trong hợp đồng MBHHQT [185]. Vì vậy, việc không thanh toán tiền hàng cũng được tòa án và trọng tài xem như đã tước đi những gì người bán kỳ vọng từ hợp đồng.

Vụ tranh chấp “Hat” [186] giữa người bán Trung Quốc và người mua Hoa Kỳ là một ví dụ. Người bán và người mua đã thực hiện 14 hợp đồng mua bán mũ, trong đó những hợp đồng đầu, người mua đã thanh toán đầy đủ nhưng các hợp đồng về sau, người mua đã không thanh toán mặc dù người bán đã yêu cầu nhiều lần. Hai bên thực hiện thêm một hợp đồng nhưng lần này người mua cũng không thanh toán dẫn đến thực tế là người bán tuyên bố hủy hợp đồng. Người bán kiện người mua ra CIETAC

yêu cầu người mua trả những khoản nợ quá hạn và các chi phí có liên quan. Hội đồng trọng tài thuộc CIETAC cho rằng người bán đã giao hàng và thực hiện các nghĩa vụ của hợp đồng, người mua đã nhận hàng nhưng không thanh toán tiền hàng. Hội đồng trọng tài phán quyết rằng, căn cứ Điều 25 Công ước Viên, việc người mua không thanh toán tiền hàng đã cấu thành một vi phạm cơ bản hợp đồng vì đã tước đi của người bán những gì người bán kỳ vọng từ hợp đồng – khoản thanh toán tiền hàng.

Tương tự, vụ tranh chấp “New Zealand raw wool” [205] là một minh chứng khác về việc người mua không thanh toán tiền hàng đã cấu thành một vi phạm cơ bản hợp đồng theo phán quyết của Hội đồng trọng tài thuộc CIETAC. Trong tranh chấp này, người bán Niu Di Lân và người mua Trung Quốc đã ký kết hợp đồng mua bán len thô. Hợp đồng quy định thanh toán bằng L/C. Thực hiện hợp đồng, người bán đã giao hàng nhưng người mua không mở L/C mặc dù người bán đã nhiều lần yêu cầu người mua mở L/C. Để giảm thiểu thiệt hại, người bán đã bán hàng hóa cho khách hàng khác và kiện người mua ra CIETAC với lập luận rằng người mua không mở L/C là cấu thành vi phạm cơ bản hợp đồng theo Điều 25 Công ước Viên và yêu cầu bồi thường thiệt hại theo Điều 75 Công ước Viên. Hội đồng trọng tài thuộc CIETAC cho rằng ở đây, hành vi không mở L/C của người mua đã làm cho người bán bị tước đi lợi ích kỳ vọng từ hợp đồng nên việc người mua không mở L/C là hành động không thực hiện nghĩa vụ của hợp đồng, vì vậy phán quyết đây là vi phạm cơ bản hợp đồng.

Một phần của tài liệu VI PHẠM CƠ BẢN HỢP ĐỒNG THEO CÔNG ƯỚC VIÊN NĂM 1980 VỀ HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA QUỐC TẾ VÀ ĐỊNH HƯỚNG HOÀN THIỆN CÁC QUY ĐỊNH CÓ LIÊN QUAN CỦA PHÁP LUẬT VIỆT NAM (Luận văn Thạc sĩ) (Trang 73 - 87)

w