sánh với pháp luật Việt Nam)
Nếu các bên trong hợp đồng (theo Công ước Viên) thực hiện đúng như những gì đã cam kết, rõ ràng họ sẽ không phải gánh chịu những hệ quả pháp lý bất lợi (chế tài), trái lại các chế tài thương mại của Công ước sẽ được áp dụng như là hệ quả pháp lý tất yếu để xử lý hành vi vi phạm của bên vi phạm nhằm cân bằng lợi ích, kịp thời bảo vệ lợi ích cho bên bị vi phạm. Ngay cả khi bên bán hoặc bên mua trong hợp đồng nào đó không thực hiện nghĩa vụ của mình, thì hợp đồng giữa họ đã có thể bao gồm điều khoản xác định các chế tài được áp dụng; khi đó, biện pháp bảo hộ mặc định trong Phần III của Công ước sẽ được thay thế bởi điều khoản các bên thỏa thuận trong hợp đồng. Tuy vậy, báo cáo hàng trăm vụ tranh chấp theo Công ước đã xác nhận rằng các toà án và trọng tài viên thường phải sử dụng hệ thống các chế tài thương mại của Công ước [163]. Vì sao những quy tắc này được sử dụng nhiều như vậy? Lý do rất hiển nhiên biểu hiện trong chính hợp đồng của các bên, chẳng hạn: Khi các bên chỉ quy định trong thư điện tử điều khoản về hàng hoá (cái gì, bao nhiêu) và giá cả của chúng mà quên mất các nội dung khác. Ngay cả những hợp đồng mua bán hàng hoá chi tiết hơn cũng chỉ có điều khoản liên quan đến nghĩa vụ của các bên, chứ không chú trọng tới tình huống khi một bên không thực hiện hợp đồng và hậu quả có thể xảy ra. Trong
trường hợp đó, các toà án và trọng tài viện dẫn tới Công ước để lấp đầy lỗ hổng thiếu vắng các chế tài thương mại.
Công ước Viên không có một chương riêng về vi phạm hợp đồng và chế tài do hành vi vi phạm hợp đồng. Vấn đề này được quy định rải rác ở các phần khác nhau, cụ thể là từ Điều 45 đến Điều 52 Công ước Viên liệt kê các chế tài áp dụng cho hành vi vi phạm hợp đồng của bên bán và từ Điều 61 đến Điều 65 Công ước Viên liệt kê các chế tài áp dụng cho hành vi vi phạm hợp đồng của bên mua và từ Điều 71 đến Điều 84 Công ước Viên về các điều khoản chung cho nghĩa vụ của bên bán, bên mua. Theo đó, những chế tài mà bên mua có thể áp dụng khi bên bán vi phạm hợp đồng bao gồm (i) buộc bên bán phải thực hiện nghĩa vụ giao hàng, quyền sở hữu hàng hóa và các chứng từ liên quan đến hàng, (ii) hủy hợp đồng, (iii) giảm giá hàng, (iv) yêu cầu bồi thường thiệt hại; còn những chế tài mà bên bán có thể áp dụng khi bên mua vi phạm hợp đồng bao gồm (i) buộc bên mua phải thực hiện nghĩa vụ trả tiền, nhận hàng hay các nghĩa vụ khác của bên mua, (ii) hủy hợp đồng, (iii) yêu cầu bồi thường thiệt hại. Cách sắp xếp như vậy khiến việc tra cứu rất thuận lợi, mặt khác, cho thấy được tinh thần tạo ra sự bình đẳng pháp lý giữa bên bán và bên mua trong hợp đồng mua bán hàng hóa. Như vậy, hệ thống chế tài khác nhau trong Công ước Viên có thể sắp xếp thành 3 nhóm gồm: (1) Chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng, dùng để yêu cầu bên vi phạm (người bán và người mua) phải thực hiện nghĩa vụ của mình như đã thỏa thuận (giao hàng, thanh toán tiền hàng, v.v…); (2) Chế tài bồi thường thiệt hại, yêu cầu giảm giá hàng bán; (3) Chế tài hủy hợp đồng cho phép bên bị vi phạm được hủy hợp đồng, để từ đó giải phóng các bên khỏi những nghĩa vụ của họ trong hợp đồng [139, tr.80].
Xem xét vị trí sắp xếp các điều khoản trong phần III của Công ước, dễ dàng nhận thấy chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng là chế tài cơ bản đầu tiên được áp dụng. Ý nghĩa của chế tài này là: khi một bên không thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng, thì chế tài “tự nhiên” nhất [141, tr.53] là trực tiếp yêu cầu bên vi phạm phải thực hiện nghĩa vụ của mình như: yêu cầu người bán giao hàng như đã thoả thuận, khắc phục khi giao hàng còn thiếu sót, giao hàng thay thế hoặc (trong trường hợp người mua vi phạm) yêu cầu người mua thanh toán theo giá đã thoả thuận. Tuy nhiên, logic này có vẻ rất xa lạ đối với quan điểm của của hệ thống luật Anh- Mỹ, bởi hệ thống luật
này chỉ đề cập đến chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng như là một biện pháp bảo hộ “ngoại lệ” [127, tr.42]. Trên thực tế, các quy tắc của Công ước trong vấn đề này cho thấy sự thỏa hiệp giữa quan điểm của hệ thống luật châu Âu lục địa và của hệ thống luật Anh- Mỹ, và việc bên có quyền yêu cầu bên kia thực hiện đúng hợp đồng đang gặp phải nhiều hạn chế quan trọng bởi bên cạnh những yêu cầu trong Điều 46, toà án không bị bắt buộc phải ra phán quyết buộc thực hiện đúng hợp đồng trừ khi phải tuân thủ luật riêng của toà án đó đối với những hợp đồng mua bán mà Công ước không điều chỉnh [11, Điều 28].
Trong xã hội phát triển nhanh như ngày nay, hầu hết các thương gia không có thời gian để chờ đợi toà án yêu cầu một bên thực hiện đúng hợp đồng và phần lớn án lệ theo Công ước cho thấy lợi ích người mua đạt được khi áp dụng chế tài thay thế (bồi thường thiệt hại bằng tiền hoặc hủy hợp đồng) là quan trọng hơn nhiều trong thực tiễn, còn chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng chỉ có ý nghĩa hơn khi thúc ép người mua thực hiện nghĩa vụ thanh toán với người bán. Bên cạnh bồi thường thiệt hại, Công ước cũng cho phép người mua áp dụng chế tài có liên quan đến tiền ở phạm vi hạn chế hơn mà các luật gia của hệ thống luật châu Âu lục địa thường viện tới là “giảm giá tương ứng” [11, Điều 50]. Khi bên vi phạm phải chịu trách nhiệm, mức độ bồi thường đối với bên bị thiệt hại sẽ được tính toán dựa trên khả năng tiên liệu [11, Điều 74].
Khi có hành vi vi phạm hợp đồng, người mua hoặc người bán có quyền áp dụng chế tài nào phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể và các quy tắc của Công ước Viên [146]. Tất nhiên, khi đã sử dụng chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng thì các bên sẽ không được dùng chế tài huỷ hợp đồng, nhưng quyền yêu cầu thực hiện đúng hợp đồng hoặc huỷ hợp đồng sẽ không loại trừ quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Trong các chế tài nói trên, vi phạm cơ bản hợp đồng là căn cứ quan trọng để bên bị vi phạm áp dụng chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng bằng cách yêu cầu giao hàng thay thế hoặc áp dụng chế tài hủy hợp đồng. Vì hậu quả của hủy hợp đồng là giải phóng các bên khỏi những nghĩa vụ của họ theo hợp đồng, nên Công ước đã đặt ra giới hạn cho chế tài có hậu quả pháp lý nặng nhất này – bằng cách chỉ áp dụng hủy hợp đồng chỉ khi không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng cấu thành vi phạm cơ bản, và nới rộng quyền của người bán được “khắc phục” hàng hóa đã giao có khiếm khuyết. Những quy tắc của Công ước cũng điều chỉnh vấn đề vi phạm hợp đồng dự đoán trước
có liên quan chặt chẽ với huỷ hợp đồng (do vi phạm cơ bản). Như vậy, đối với trường hợp bên bán vi phạm cơ bản, cả Công ước Viên và Luật Thương mại đều trao cho bên bị vi phạm quyền hủy hợp đồng. Khác với Luật Thương mại, đối với chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng, Công ước Viên đã trao cho người mua quyền yêu cầu người bán giao hàng thay thế khi hành vi giao hàng hóa không phù hợp của người bán cấu thành vi phạm cơ bản. Cũng cùng căn cứ trên hành vi vi phạm cơ bản hợp đồng khi các bên không có thỏa thuận cụ thể, khác với Công ước Viên, Luật Thương mại còn quy định thêm chế tài tạm ngừng thực hiện hợp đồng và đình chỉ thực hiện hợp đồng.
Quy tắc đã được dự liệu tại Điều 49 và Điều 64 Công ước Viên, đó là: chỉ khi một bên không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng cấu thành vi phạm cơ bản hợp đồng thì bên kia có quyền hủy hợp đồng. Vi phạm cơ bản hợp đồng cũng được sử dụng như là căn cứ để áp dụng chế tài hủy hợp đồng trong một số tình huống đặc biệt như: người mua có thể tuyên bố hủy hợp đồng nếu việc không giao hàng đầy đủ hoặc phù hợp với hợp đồng cầu thành vi phạm cơ bản hợp đồng (khoản 2 Điều 51), hủy hợp đồng đối với vi phạm dự đoán trước (Điều 72) và giao hàng từng phần (Điều 73). Bên cạnh đó, vi phạm cơ bản hợp đồng còn là điều kiện tiên quyết đối với quyền yêu cầu giao hàng thay thế nếu hàng hóa được giao không phù hợp với hợp đồng (khoản 2 Điều 46). Vì vậy, vi phạm cơ bản hợp đồng đã tạo ra “ranh giới” giữa các chế tài “thông thường” do vi phạm hợp đồng như bồi thường thiệt hại, giảm giá hàng hóa với chế tài “nặng nề” như hủy hợp đồng hay phải thay thế hàng hóa. Điều 70 Công ước Viên quy định “nếu người bán vi phạm cơ bản hợp đồng thì các quy định của Điều 67, Điều 68, Điều 69 Công ước Viên không ảnh hưởng đến quyền của người mua sử dụng các chế tài đối với vi phạm đó”. Tuy nhiên, vi phạm cơ bản hợp đồng có ý nghĩa quan trọng nhất ở chỗ vi phạm cơ bản hợp đồng là điều kiện tiên quyết được dùng để áp dụng chế tài hủy hợp đồng.
Thực tiễn, tính đến 3/2015, số vụ tranh chấp có áp dụng Điều 25 công bố tại Cơ sở dữ liệu của Trường Đại học Luật Pace của Hoa Kỳ là 392 vụ (chiếm khoảng 13% trong tổng số 3023 vụ tranh chấp) [171].
Hình 1. Số lượng vụ kiện có áp dụng Điều 25 (tính theo quốc gia thành viên) 120 100 80 60 40 20 0 Số vụ kiện
Nguồn: Tác giả tổng hợp từ website www.cisg.law.pace.edu
Nhìn vào Biểu đồ có thể thấy số lượng vụ tranh chấp có áp dụng Điều 25 của Công ước Viên chủ yếu được giải quyết bởi tòa án và/hoặc trọng tài tại Trung Quốc (99 vụ), Đức (79 vụ), Thụy Sĩ (32 vụ), Nga (26 vụ) và Tân Ban Nha (23 vụ). Ngoài ra, các vụ tranh chấp áp dụng quy định về vi phạm cơ bản hợp đồng với số lượng ít ở một số quốc gia khác như: Ba Lan, Cu Ba, Hungary, Latvia, Hàn Quốc, Mexico, Ukraine, Canada, Hy Lạp, Phần Lan, Đan Mạch, Úc.
Số liệu thống kê bởi UNCITRAL cho thấy số vụ tranh chấp về hủy hợp đồng chủ yếu tập trung là do vi phạm từ phía người bán, với 186 vụ, trong khi đó rất ít vụ tranh chấp về giao hàng thay thế (15 vụ) (xem Hình 2).
Hình 2. Chế tài áp dụng khi có vi phạm cơ bản hợp đồng
Hủy hợp đồng do VPCB dự đoán trước, 67 Giao hàng thay thế, 15 Người bán hủy hợp đồng, 57 Người mua hủy hợp đồng, 186
Nguồn: Tác giả tổng hợp từ website www.cisg.law.pace.edu
Có thể thấy, vi phạm cơ bản hợp đồng quy định tại Điều 25 chủ yếu được vận dụng để lý giải cho việc áp dụng chế tài hủy hợp đồng khi người bán hoặc người mua
vi phạm cơ bản hợp đồng khi hết thời hạn thực hiện hợp đồng hoặc trước thời hạn thực hiện hợp đồng (vi phạm dự đoán trước).