Như đã phân tích ở các chương trước, hủy bỏ hợp đồng là chế tài mang lại hậu quả pháp lý nặng nề nhất, là hình thức chấm dứt hiệu lực hợp đồng có hiệu lực hồi tố (hợp đồng không có hiệu lực kể từ thời điểm ký kết). Vì vậy, để đảm bảo an toàn pháp lý cho giao dịch của các bên, an toàn hợp đồng nhằm tránh tình trạng hợp đồng bị hủy bỏ một cách tùy tiện, ảnh hưởng nguyên tắc tuân thủ hợp đồng, Luật Thương mại quy định người bán hoặc người mua chỉ có thể hủy bỏ hợp đồng khi một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng khi các bên không có thỏa thuận về điều kiện hủy bỏ hợp đồng. Tuy nhiên, từ nghiên cứu quy định về vi phạm cơ bản hợp đồng Công ước Viên và thực tiễn vận dụng quy định này của tòa án, trọng tài một số quốc gia thành viên của Công ước cho thấy quy định về hủy bỏ hợp đồng khi có vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng theo Luật Tthương mại là quá rộng.
Khoản 12 Điều 3 Luật Thương mại định nghĩa “vi phạm hợp đồng” là việc một bên không thực hiện, thực hiện không đầy đủ và thực hiện không đúng nghĩa vụ theo thỏa thuận giữa các bên hoặc theo quy định của Luật này. Vì thế, bất kỳ hành vi không thực hiện hay thực hiện không đúng nào của bên vi phạm mà gây thiệt hại đến mức làm cho bên bị vi phạm không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng thì đều có thể cấu thành vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng. Như vậy là quá rộng và tòa án, trọng tài sẽ luôn phải xem xét có hay không có hành vi vi phạm cơ bản hợp đồng dù là vi phạm hợp đồng của người bán hoặc người mua là rất không đáng kể, ví dụ giao thiếu một ít hàng.
Thực tiễn nghiên cứu Công ước Viên cho thấy, tòa án, trọng tài chủ yếu xem xét vi phạm cơ bản hợp đồng khi người bán hoặc người mua không thực hiện hợp
đồng hoặc người bán giao hàng không phù hợp với hợp đồng. Đây là những vi phạm mà có khả năng ảnh hưởng lớn nhất đến quyền lợi của bên kia, trực tiếp tác động đến kỳ vọng từ hợp đồng của bên kia. Ngoài ra, Công ước cũng chỉ chấp nhận yêu cầu tuyên bố hủy hợp đồng của một bên nếu bên kia không thực hiện hợp đồng hoặc tuyên bố không thực hiện hợp đồng trong thời hạn gia hạn thêm.
Người viết ủng hộ cách quy định của Công ước Viên bởi lẽ phải là những vi phạm có ảnh hưởng rõ ràng, đáng kể đến những gì được kỳ vọng từ hợp đồng, mục đích của các bên thì mới nên xem xét đến tính cơ bản của vi phạm hợp đồng đó. Luật Thương mại cũng đã quy định cho phép bên bị vi phạm có thể gia hạn thêm một thời gian hợp lý để bên bi phạm thực hiện nghĩa vụ hợp đồng [40, Điều 298], nếu hết thời hạn gia hạn thêm đó mà bên vi phạm không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng hoặc tiếp tục thực hiện không đúng nghĩa vụ hợp đồng thì lúc đó bên kia cũng có quyền áp dụng các chế tài khác để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình [40, Điều 299]. Tuy nhiên, nếu áp dụng một trong ba chế tài tạm ngừng thực hiện hợp đồng, đình chỉ thực hiện hợp đồng hoặc hủy bỏ hợp đồng thì vẫn phải tuân thủ điều kiện áp dụng chế tài này. Như vậy, nếu bên vi phạm không thực hiện chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng thì cũng chưa thể kết luận bên vi phạm vi phạm cơ bản hợp đồng được.
Quy định về căn cứ hủy bỏ hợp đồng như trên cũng dẫn đến không phù hợp với quyền tuyên bố hủy bỏ hợp đồng của người mua đối với hợp đồng giao hàng từng phần tại Điều 313 Luật Thương mại. Điều 313 Luật Thương mại quy định như sau: “1. Trường hợp có thoả thuận về giao hàng, cung ứng dịch vụ từng phần, nếu một bên không thực hiện nghĩa vụ của mình trong việc giao hàng, cung ứng dịch vụ và việc này cấu thành một vi phạm cơ bản đối với lần giao hàng, cung ứng dịch vụ đó thì bên kia có quyền tuyên bố huỷ bỏ hợp đồng đối với lần giao hàng, cung ứng dịch vụ. 2. Trường hợp một bên không thực hiện nghĩa vụ đối với một lần giao hàng, cung ứng dịch vụ là cơ sở để bên kia kết luận rằng vi phạm cơ bản sẽ xảy ra đối với những lần giao hàng, cung ứng dịch vụ sau đó thì bên bị vi phạm có quyền tuyên bố huỷ bỏ hợp đồng đối với những lần giao hàng, cung ứng dịch vụ sau đó, với điều kiện là bên đó phải thực hiện quyền này trong thời gian hợp lý”. Với quy định này, vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng chỉ được xem xét khi nào không thực hiện nghĩa vụ trong trường hợp các bên thỏa thuận giao hàng từng phần. Nếu các bên thỏa thuận về giao hàng từng phần nhưng trong chuyên hàng đầu tiên bên bán giao hàng không phù hợp với
hợp đồng nhưng phần không phù hợp đó là phần quan trọng của cả lô hàng thì bên mua không đủ cơ sở viện dẫn vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng để áp dụng chế tài hủy bỏ hợp đồng đối với lần giao hàng đầu tiên, bởi vì bên bán vẫn thực hiện hợp đồng chứ không phải không thực hiện.