KẾT CẤU CỦA TÁC PHẨM VĂN HỌC I KHÁI NIỆM :

Một phần của tài liệu GIÁO TRÌNH LÍ LUẬN VĂN HỌC PHẦN TÁC PHẨM VĂN HỌC pptx (Trang 35 - 38)

IV. CỐT TRUYỆN

KẾT CẤU CỦA TÁC PHẨM VĂN HỌC I KHÁI NIỆM :

I. KHÁI NIỆM :

a. Tác phẩm văn học là một chỉnh thể nghệ thuật độc đáo. Để xây dựng nên chỉnh thể đó nhà văn phải suy nghĩ tổ chức các yếu tố trong tác phẩm sao cho có nghệ thuật nhất: cái gì tả trước, cái gì tả sau, chi tiết nào tô dậm, chi tiết nào chỉ chấm phá, sắp xếp các sự kiện, các chương hồi như thế nào v.v... Cách tổ chức này gọi là kết cấu của tác phẩm.

Kết cấu nghệ thuật của tác phẩm văn học là cách tổ chức, sắp xếp các yếu tố trong tác phẩm thành một chỉnh thể nghệ thuật.

Chức năng bao trùm của kết cấu là tổ chức các yếu tố thành một chỉnh thể nghệ thuật. Nói như vậy không có nghĩa là nhà văn sáng tạo ra các yếu tố trước rồi sau đó mới sắp xếp lại. Kết cấu xuất hiện cùng lúc với sự miêu tả, sự trần thuật như có truyện thì có cách dựng truyện, có tứ thơ thì có cách cấu tứ, có nhân vật thì có cách xây dựng nhân vật... Tương ứng với mỗi cách kết cấu có ý nghĩa hình tượng khác nhau. Chẳng hạn với

Người thầy đầu tiên T. Aimatov có thể kể câu chuyện bắt đầu từ đầu cho đến hết. Nhưng cách kết cấu này không có ý nghĩa nghệ thuật cao. Ông đã bắt đầu bằng nỗi trăn trở của một họa sĩ về việc vẽ một bức tranh với hai cây phong. Từ nỗi trăn trở ấy, tác giả kể lại câu chuyện trong sự hồi tưởng của nhân vật chính về những năm tháng đã qua, những năm tháng đã tạo nên "bức tranh cuộc đời" mà hai cây phong như một chứng nhân. Với lối kết cấu để cho câu chuyện hiện dần ra trong sự "nhớ lại" của nhân vật, làm cho những sự việc được kể không chỉ là những sự kiện mà còn là những chiêm nghiệm, những kỉ niệm cuộc đời không thể quên. "Hai cây phong" với hình ảnh "người thầy đầu tiên" trở nên có sự rung động mãnh liệt.

Một kết cấu có giá trị không những làm cho tác phẩm trở thành chỉnh thể mà còn tăng cường tính nghệ thuật của tác phẩm, cũng như sẽ góp phần làm sâu sắc hơn tư tưởng, tình cảm, nội dung được bộc lộ trong tác phẩm. Trong các tiểu thuyết chương hồi cổ điển Trung Quốc để tạo nên sự cuốn hút, sự hồi hộp, các nhà văn thường dùng lối kết cấu "bắc cầu" giữa các hồi, bằng cách thường chọn sự kiện căng thẳng nhất làm điểm dừng kết thúc một hồi rồi đưa ra lời hẹn "muốn biết thế nào xin xem hồi sau sẽ rõ". Với cách kể này, câu chuyện không chỉ được kể liền mạch

mà còn tạo được sự hấp dẫn trong cách kể chuyện. Đây là cách kết cấu có giá trị nghệ thuật. Hay như trong bài thơ Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm, nhà thơ đã chọn câu thơ "Bên kia sông Đuống" làm mở đầu cho nhiều đoạn thơ, và nhờ đó đã diễn tả được nhiều "ý ở ngoài lời": câu thơ được nhắc đi nhắc lại như âm vang của một nỗi lòng yêu thương, nhớ nhung da diết vùng đất bên kia sông. Thành ra câu thơ không còn là một câu miêu tả nữa mà âm vang tha thiết như tiếng gọi. Nhờ kết cấu trùng điệp này nhà thơ đã tạo được âm vang không dứt của bài thơ cả khi đã khép trang sách lại rồi. Như vậy kết cấu vừa giữ vai trò tổ chức tác phẩm, vừa góp phần thể hiện nội dung, vừa làm cho tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao hơn. Do vậy, khi xem xét tác phẩm không thể không đề cập đến kết cấu nghệ thuật của tác phẩm.

b. Kết cấu nghệ thuật của tác phẩm xét trong các mối quan hệ chỉnh thể thường được đề cập đến trên hai bình diện là kết cấu văn bản (hay còn gọi là kết cấu trần thuật) và kết cấu hình tượng. Cũng có khi người ta gọi là kết cấu bên ngoài và kết cấu bên trong.

Kết cấu văn bản hay còn gọi là kết cấu trần thuật được thể hiện qua bố cục của tác phẩm. Đó là kết cấu bề mặt bao gồm sự sắp xếp, phân bố các phần của nội dung vào các chương, hồi, tiết, đoạn hay màn, lớp, cảnh nhất định trong văn bản. Ở bình diện này người ta thường xem xét cuốn tiểu thuyết có mấy chương; bài thơ có mấy khổ, mấy đoạn; vở kịch có mấy lớp, mấy hồi; ở mỗi chương đoạn đó nội dung chính là gì v.v... Sâu hơn nữa là đi vào sự tương quan giữa các phần đoạn đó với nội dung được thể hiện có ý nghĩa nghệ thuật, có giá trị tư tưởng như thế nào v.v... (1)

Kết cấu hình tượng lại gắn liền với sự tổ chức thế giới nghệ thuật bên trong của tác phẩm. Kết cấu hình tượng do đó sẽ bao gồm việc tổ chức các sự kiện, cách sắp xếp các chi tiết, cách bố trí hệ thống nhân vật cho đến cách miêu tả, cách dẫn chuyện, cách cấu tứ... Chẳng hạn để làm bật nổi sự cô đơn của người vợ đợi chồng hai mươi năm, Hữu Thỉnh đã đặt hình ảnh lẻ loi của người vợ bên cạnh những hình ảnh đông đúc, có đôi làm cho cảm giác cô đơn dường như càng được tăng lên:

Chị thiếu anh nên chị thừa ra truyện rong giỗ tết họ hàng nội ngoại

bao nhiêu tiếng cười vẫn côi cút một mình ... ... ... ... ... ...

Một mình một mâm cơm Ngồi bên nào cũng lệch

Chị chôn tuổi thanh xuân trong má lúm đồng tiền.

HỮU THỈNH - Đường tới thành phố

Hay như để miêu tả nỗi đau bị từ chối làm người lương thiện của Chí Phèo, Nam Cao miêu tả Thị Nở thật xấu với ý nghĩa: đến một người như Thị Nở còn từ chối hắn thì còn ai có thể chấp nhận hắn trong đời này được. Đây là nỗi đau mà cũng là nỗi tuyệt vọng của Chí Phèo.

Hầu hết các biện pháp nghệ thuật, các cách thức miêu tả đều có ý nghĩa tổ chức thế giới nghệ thuật tác phẩm, đều có thể phân tích dưới góc độ kết cấu.

c. Kết cấu nghệ thuật của tác phẩm văn học cũng chịu quy định của quy luật loại thể, thời đại văn học và phong cách nhà văn.

Các loại thể văn học khác nhau có những cách thức tổ chức tác phẩm khác nhau. Một cuốn tiểu thuyết được tổ chức khác với một bài thơ trữ tình, một kịch bản văn học được xây dựng khác với một tùy bút hay một bút kí. Ở tác phẩm tự sự chẳng hạn, kết cấu thường bộc lộ trong việc tổ chức các tuyến sự kiện, ở cách sắp xếp và xây dựng hệ thống nhân vật, cách dẫn chuyện... Ở tác phẩm thơ trữ tình thì việc tổ chức sự kiện lại không quan trọng, mà quan trọng hơn là cách tổ chức các cách triển khai ý thơ, lời thơ. Với tác phẩm kịch kết cấu lại dựa vào tổ chức xung đột kịch hành động kịch... Có thể nói, tương ứng với những loại thể nhất định, có cách tổ chức tác phẩm theo những kiểu nhất định.

Các thời đại văn học khác nhau cũng có những nguyên tắc kết cấu khác nhau. Chẳng hạn truyện dân gian luôn luôn được kể theo "mạch thẳng', tuần tự trình bày từ "ngày xửa ngày xưa" cho đến hết truyện. Kết cấu của truyện Nôm lại chia làm hai tuyến đối lập : tốt - xấu, thiện - ác. Đến chủ nghĩa hiện thực kết cấu đa dạng và phong phú hơn. Trong văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa với nguyên tắc "miêu tả cuộc sống trong quá trình phát triển cách mạng của nó" nên bao giờ cũng kết thúc đầy tươi sáng, tràn trề hi vọng và niềm tin ở tương lai.

Mỗi nhà văn có lối kết cấu đặc trưng của mình. Nghiên cứu kết cấu có thể thấy một phần phong cách của nhà văn. Với Aimatov, trước khi vào truyện và kết thúc truyện ông thường hay dùng lối trữ tình ngoại đề. Các truyện như Người thầy đầu tiên, Giamilia... đều kết cấu theo kiểu này. Nguyễn Công Hoan thường chọn lối kết cấu đặt nhân vật trong sự đối lập giữa tư cách và hành động như trong các truyện Xuất giá tòng phu, Báo hiếu trả nghĩa cha, Báo hiếu trả nghĩa mẹ... Nam Cao thường chọn lối kết

cấu tâm lí, dựa vào sự dằn vặt, trăn trở, day dứt của nhân vật mà triển khai câu chuyện...

Xem xét kết cấu tác phẩm cần phải xem xét trên nhiều bình diện như vậy mới thấy hết được hết cái đặc sắc, sự sáng tạo độc đáo của nhà văn trong nghệ thuật kết cấu tác phẩm. Khi đánh giá giá trị kết cấu nghệ thuật trong tác phẩm cũng phải đặt trong mối quan hệ nhiều chiều, phải thấy được ý nghĩa nội dung nghệ thuật cụ thể toát lên từ kết cấu đó chứ không chỉ dừng lại ở những lời bình giá chung chung như "bố cục hợp lí", "kết cấu chặt chẽ" v.v...

Một phần của tài liệu GIÁO TRÌNH LÍ LUẬN VĂN HỌC PHẦN TÁC PHẨM VĂN HỌC pptx (Trang 35 - 38)