II. LỜI VĂN NGHỆ THUẬT
2. Phạm vi các tác phẩm trữ tình rất phong phú Có tác phẩm trữ tình viết bằng văn xuôi, có tác phẩm trữ tình viết bằng văn vần, có tác phẩm thuộc loạ
bằng văn xuôi, có tác phẩm trữ tình viết bằng văn vần, có tác phẩm thuộc loại kí, có tác phẩm thuộc loại thơ... Tuy vậy, có thể chia thành ba nhóm chính là thơ trữ tình, kí trữ tình, các thể văn chính luận nghệ thuật.
a. Thơ trữ tình chiếm bộ phận lớn nhất trong loại tác phẩm trữ tình. Trong thơ trữ tình lại có thể chia ra nhiều thể loại khác nhau.
Căn cứ vào đặc điểm và tính chất của cảm xúc người ta chia thể thơ trữ tình thành các thể loại như bi ca, tụng ca, trào phúng, ballade...
Bi ca là những bài thơ u sầu, buồn bã. Đó là những bài thơ viết về nỗi buồn, về nỗi đau, những mất mát, xót thương... Nhưng không phải mọi nỗi buồn đều thành bi ca mà chỉ những buồn đau đã được nâng lên thành triết lí, thành quan niệm nghệ thuật. Nhiều bài thơ nổi tiếng của V.Jucovsky, Nekrsov, S.
Esenin đều viết theo thể bi ca. Ở ta có thể xem nhiều bài thơ viết về "nỗi buồn thế hệ", về nỗi sầu hận trong thơ Huy Cận, Lưu Trọng Lư... thời kì Thơ mới 1932 - 1945 là những bi ca.
Tụng ca là những bài thơ trữ tình dành để ca ngợi những hành động anh hùng, những chiến công hiển hách, những cảnh tượng hùng vĩ của thiên nhiên. Đặc điểm của tụng ca là sự trang trọng, sự thống thiết trong cảm xúc cũng như trong biện pháp thể hiện. Tụng ca hướng đến những cảm hứng cao cả. Cho nên trong Nghệ thuật thơ ca D.N. Boileau đã xem tụng ca cùng với bi kịch là những “thể loại cao cả”. P. Ronsard, Lomonosov, A. Pushkin thời trẻ, G. Byron, Maiacovsky... đều để lại nhiều tụng ca nổi tiếng. Các bài thơ viết về đất nước, dân tộc, về cuộc chiến đấu anh dũng nhân dân ta trong thơ ca sau cách mạng tháng Tám đều có thể xem là những bài tụng ca.
Trào phúng là một dạng đặc biệt của trữ tình. Với một chất giọng trào lộng, châm biếm, trào phúng phê phán đả kích những cái xấu, cái ác, những thói hư tật xấu của con người và xã hội. Những bài thơ của Tú Mở trong tập Dòng nước ngược, hay một số bài thơ châm biếm của Tú Xương đều được xem là những bài thơ trào phúng.
Ngoài ra ở phương Tây người ta thường nhắc đến thể trữ tình khá phổ biến là ballade. Thoạt đầu đây là loại tác phẩm có cốt truyện phi thường, về sau biến thành một bài thơ một vần ba đoạn. So với nhiều thể loại trữ tình khác, ballade là thể có nhiều yếu tố của tự sự, cho nên nhiều sách lí luận đã xếp nó vào loại tự sự - trữ tình. Tuy nhiên ở đây nói như Bielinsky trong ballade “cái chủ yếu không phải là sự kiện mà cảm giác do nó gợi ra, là suy nghĩ mà nó dẫn người đọc tới”. Do vậy ballade vẫn được xếp vào loại tác phẩm trữ tình (1).
Dựa vào nội dung thể loại có thể chia thơ trữ tình ra các thể loại: trữ tình tâm tình, trữ tình phong cảnh, trữ tình thế sự, trữ tình công dân.
Trữ tình tâm tình là những bài thơ nghiêng về tâm tình, tình cảm con người trong các quan hệ riêng tư của đời sống tình cảm như tình yêu lứa đôi, tình cảm vợ chồng, cha mẹ con cái, anh em, bè bạn... Những bài ca dao viết về tình yêu dang dở, hay than thân, trách phận, những bài thơ tình... là thuộc thể loại này.
Trữ tình phong cảnh là những bài thơ viết về thiên nhiên, cảnh sắc làng quê, đất nước, núi non, sông biển Ở đây thông qua thế giới thiên nhiên huyền diệu nhà thơ bộc bạch nỗi niềm tâm sự của mình trước con người và cuộc đời. Mỗi áng mây trời, một lũy tre xanh, một cánh cò bay,
một chiều thu, một sáng xuân... đều đọng lại những trầm tư trữ tình của thi nhân.
Trữ tình thế sự là những bài thơ viết về thế thái, nhân tình. Đấy là những suy tư, chiêm nghiệm về những biến đổi, thăng trầm của thế sự. Những thời kì xã hội biến động thì xuất hiện loại trữ tình thế sự. Nhiều bài thơ của Nguyễn Trải, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Khuyến... đầy những ưu tư về con người, về thời thế. Đó là những bài thơ trữ tình thế sự sâu sắc.
Trữ tình công dân là những bài thơ mà cảm hứng của nhà thơ bộc lộ với tư cách là một công dân của đất nước. Những bài thơ trữ tình công dân thường bắt nguồn từ những suy tư về Tổ quốc, là nỗi thiết tha về con người, đất đai Tổ quốc, là khát vọng xây dựng đất nước hòa bình, tươi đẹp. Trong những thời kì dân tộc chống xâm lược hay đứng trước những thử thách trọng đại thì thể trữ tình này phát triển mạnh. Thơ ca Việt Nam từ xưa đến nay cảm hứng công dân trở thành nét chủ đạo và nỗi bật.
Sự phân chia thơ trữ tình thành các loại thể như trên là rất tương đối. Trong thực tế không phải ranh giới của các thể loại không phải bao giờ cũng rạch ròi như vậy. Trong trữ tình tâm tình cũng có trữ tình thế sự, trong trữ tình công dân cũng có suy nghĩ riêng tư hay cảm xúc về thế sự. Sự phân loại trên chỉ là một cách nhìn chú ý nét ưu trội của kiểu trữ tình nào đó trong những tác phẩm cụ thể. Dựa vào đặc điểm loại hình này để cảm thụ và phân tích tác phẩm đúng đắn hơn.
b. Kí trữ tình có các thể như tùy bút, bút kí...
Tùy bút là thể văn xuôi giàu chất trữ tình nhất trong các thể kí và văn xuôi nói chung. Ở thể loại này nhà văn tùy theo cảm xúc mà đi từ sự việc này đến sự việc kia, từ liên tưởng này đến liên tưởng khác. Qua đó nhà văn bộc lộ cảm xúc, nhận xét, tâm tình về con người, về cuộc đời.
Giá trị của tùy bút là ở những suy nghĩ sâu sắc, thâm thúy trên cơ sở cảm xúc dào dạt được rút ra từ những việc, những chuyện tưởng như bình thường, đơn giản. Những tùy bút như Sông Đà của Nguyễn Tuân, Đường chúng ta đi của Nguyễn Trung Thành, Dòng kính quê hương của Nguyễn Thi... là những cây bút đặc sắc.
Bút kí là một thể trung gian giữa tự sự và trữ tình, nhưng nghiêng về trữ tình nhiều hơn. Trong bút kí có sự kiện nhưng không dày đặc như phóng sự, kí sự. Trong bút kí tràn trề cảm xúc, suy tư, liên tưởng, nhưng không dạt dào, phóng túng như tùy bút. Sự hài hòa giữa sự kiện và cảm xúc làm cho tùy bút có dáng vẻ độc đáo riêng trong các thể loại loại kí... Nhiều bút kí trong Ai đã đặt
tên cho dòng sông của Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hà Nội ta đánh Mĩ giỏi của Nguyễn Tuân, Bức thư Cà Mau của Anh Đức... là những bút kí đặc sắc.
c. Ngoài ra các tác phẩm chính luận nghệ thuật cũng được nhiều người xem là tác phẩm trữ tình. Một trong những đặc điểm cơ bản của tác phẩm trữ tình là bộc lộ cảm xúc mãnh liệt, thì ở tác phẩm chính luận cũng bộc lộ cảm xúc, nhiệt tình khẳng định, bảo vệ hay phủ định, bác bỏ một số vấn đề gì đó. Cho nên, tác phẩm chính luận cũng có khả năng trở thành tác phẩm trữ tình. Dĩ nhiên không phải mọi tác phẩm chính luận đều trữ tình, mà chỉ ở những tác phẩm đạt đến một trình độ thẩm mĩ nhất định, có tính nghệ thuật nhất định. Có thể kể đến những tác phẩm loại này như những bài diễn văn hùng hồn của Demosthene thời cổ Hi Lạp, những bài văn hừng hực khí thế chiến đếu của các nhà cách mạng tư sản Pháp như J. Marat, G. Danton, S. Just... Những tác phẩm như Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn, Cáo Bình Ngô của Nguyễn Trải, Luận về chánh học cũng là thuyết của Ngô Đức Kế, Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh hay Tạp văn của Lỗ Tấn, tiểu phẩm của Ngô Tất Tố... đều được xem là những tác phẩm chính luận nghệ thuật có giá trị.