Chúng ta quan niệm thơ là một hình thức sáng tác văn học nghiêng về thể hiện cảm xúc thông qua một tổ chức ngôn ngữ đặc biệt.

Một phần của tài liệu GIÁO TRÌNH LÍ LUẬN VĂN HỌC PHẦN TÁC PHẨM VĂN HỌC pptx (Trang 85 - 88)

II. THƠ TRỮ TÌNH

2. Chúng ta quan niệm thơ là một hình thức sáng tác văn học nghiêng về thể hiện cảm xúc thông qua một tổ chức ngôn ngữ đặc biệt.

thể hiện cảm xúc thông qua một tổ chức ngôn ngữ đặc biệt.

a. Thơ trữ tình cũng như thơ nói chung bộc lộ cảm xúc một cách mãnh liệt. Không có cảm xúc thì không có thơ. Cảm xúc tạo nên chất thơ của thơ. Không ai làm thơ khi không có một nỗi cảm xúc nào đấy trước con người, trước cuộc đời. Mấy trăm năm trước Lê Quí Đôn đã từng cho rằng : “Sự phát khởi của thơ là lòng người”, còn nhà thơ Tố Hữu thì tâm sự : “Mỗi khi có cái gì nghĩ ngợi, chất chứa trong lòng không nói ra được thì tôi thấy cần làm thơ”. Thơ là tiếng nói của cảm xúc, là sự rung động của nỗi lòng. Nếu thiếu những điều này thì không có thơ. Khi viết Điêu tàn, Chế Lan Viên đã từng nói rằng: “Đọc tập

Điêu tàn nay xong, nếu lòng anh vẫn dửng dưng không có lấy một cơn sóng gió thì xin anh hãy cầu khẩn tất cả những gì thiêng liêng, những gì cao cả tha tội cho phạm nhân là tôi đây”. (6). Nhà thơ muốn nói rằng nếu thơ mà không dấy lên ở lòng người cảm xúc mãnh liệt thì mình là người có lỗi.

Thơ gắn với cảm xúc, bộc lộ cảm xúc nên khi được sử dụng ở các phương thức khác như tự sự hay kịch thì cũng không mất đị đặc điểm này, mà trái lại càng làm cho các loại tác phẩm này đậm chất thơ, chất trữ tình.

Cảm xúc thơ khác với cảm xúc của văn xuôi. Cảm xúc văn xuôi dù mãnh liệt đến đâu vẫn mang tính khách quan. Còn cảm xúc thơ, nói như Phan Ngọc là “được một cảm hóa ngay lập tức, đến mức là của chính tôi”. (7) Người ta đọc thơ tiếp nhận cảm xúc thơ như là cảm xúc của chính tôi”. Người ta lấy thơ ra ngâm, ngẫm nghĩ trong những cảnh ngộ cụ thể, tâm trạng cụ thể của mình. Thơ do vậy là tiếng nói tri âm. Người ta tìm đến thơ như tìm đến tri âm. Chẳng thế mà Hoài Thanh đã từng viết : “Thích một bài thơ là thích một con người đồng điệu” đó thôi.

b. Ngôn ngữ thơ được tổ chức khá đặc biệt khác với ngôn ngữ tự sự và ngôn ngữ kịch.

Điều dễ nhận thấy nhất ngôn ngữ thơ được phân dòng. Thoạt nhìn văn bản người ta có thể nhận diện thơ phân dòng này. So với ngôn ngữ tự sự hay kịch, sự phân dòng của thơ làm cho nó có nhiều “khoảng trắng” hơn. Nhiều nhà nghiên cứu đã cắt nghĩa các “Khoảng trắng” này tạo nên chỗ “lặng” của thơ. Nhờ đó mà cảm xúc thơ có khả năng lan tỏa và gợi mở.

Kiểu lời văn của thơ cũng khác với nhiều loại tác phẩm khác. Thơ chủ yếu sử dụng văn vần. Điều cần lưu ý ở đây không phải mọi văn vần đều là thơ. Chẳng hạn :

Xe ca, xe tải, xe con

Không mua bảo hiểm chẳng còn tương lai.

hay

Những người chồng bỏ, chồng chê Biết ăn kẹo kéo chồng mê suốt đời...

Văn vần chỉ thành thơ khi gắn với tính nghệ thuật cũng như các đặc trưng khác của tác phẩm văn học. Mặt khác, tuy đại bộ phận thơ được viết bằng văn vần, nhưng cũng chó khi thơ được viết bằng văn xuôi, tạo nên thể loại “thơ văn xuôi” khá độc đáo.

Một số nhà thơ như Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Thanh Thảo đã có những bài thơ văn xuôi khá nổi tiếng. Chẳng hạn như sau đây là một đoạn trong bài thơ văn xuôi Chơi giữa mùa trăng của Hàn Mặc Tử :

“Trăng là ánh sáng ? Nhất là trong giữa mùa thu, ánh sáng càng thêm kì ảo, thơm thơm và nếu người thơ lắng nghe một cách ung dung sẽ nhận thấy có nhiều miếng nhạc say say gió xẻ rách lả tả... Và rơi đến đâu, chạm vào thứ gì là chỗ ấy, thứ ấy vang lên tuy chẳng một ai thấy rõ sức rung động”...

Cũng cần thấy rằng, trong thơ hiện đại khuynh hướng “văn xuôi hóa” câu thơ là một khuynh hướng đáng quan tâm. Đó là những kiểu lời thơ rất gần với văn xuôi như :

Không có kính không phải vì xe không có kính Bom giật, bom rung, kính vỡ đi rồi

PHẠM TIẾN DUẬT - Bài thơ về tiểu đội xe không kính

hay

Con chào đời

Không có mười ba bà mụ áo quần xanh đỏ ngồi bên Mà hai mươi bốn khuôn dấu vuông tròn chứng nhận con trên đủ loại giấy tờ tem phiếu...

NGUYỄN KHOA ĐIỀM - Ngôi nhà có ngọn lửa ấm

Hình thức lời văn là tiêu chí để nhận ra thơ và không thơ. Hình thức lời văn làm cho thơ khi được thể hiện bằng các phương thức khác như tự sự hay kịch thì vẫn gọi nó là thơ như truyện thơ, kịch thơ...

Điểm đáng chú ý nữa là ngôn ngữ thơ có vần điệu. Để tạo nên âm điệu của thơ, trong các dòng thơ thường có vần. Vần là sự lặp lại những khuôn âm giống nhau (gọi là vần chính) hay tương tự nhau (gọi là vần thông) giữa các câu

thơ, hay trong cùng một dòng thơ. Người ta có thể gieo vần ở cuối câu, gọi là vần chân (cước vận).

Nếu biết rằng tôi đã lấy chồng Trời ơi người ấy có buồn không ? Có thầm nghĩ tới loài hoa vỡ Tựa trái tim phai, tựa máu hồng

T.T.K.H - Hai sắc hoa ti gôn

Hoặc gieo vần ở giữa câu, gọi là vần lưng (yêu vận) :

Có tài mà cậy chi tài

Chữ tài liền với chữ tai một vần

NGUYỄN DU - Truyện Kiều

Nếu các câu thơ được gieo vần liên tục gọi là vần liên châu, nếu gieo ngắt quãng gọi là vần gián cách. Trong một khổ thơ câu đầu khổ bắt vần với câu cuối khổ thì gọi là vần ôm. Nhờ có vần câu thơ âm vang hơn, đồng thời cũng dễ nhớ, dễ thuộc hơn. Trong thơ cách luật gieo vần trở thành nguyên tắc với những quy định chặt chẽ. Trong thơ tự do, gieo vần không còn là nguyên tắc bắt buộc, nhưng thường người làm thơ cũng tìm cách gieo vần nhằm làm cho câu thơ hay hơn.

Thơ có thể có vần (thơ cách luật) hay không nhất thiết lúc nào cũng có vần (thơ tự do) nhưng thơ phải luôn luôn có điệu. Ngay cả những bài thơ văn xuôi cũng cần có âm điệu, tiết tấu nào đó mới gọi là thơ văn xuôi, nếu không chỉ gọi là văn xuôi thuần túy.

Nhạc điệu trong thơ trước hết phải là nhạc điệu của tâm hồn, của cảm xúc tạo nên. Mỗi câu thơ, mỗi bài thơ không chỉ là câu chữ mà còn là âm hưởng của cảm xúc nhà thơ qua mỗi câu, chữ đó. Có nhiều thể loại thơ về niêm, luật, vần, nhịp về cơ bản là được quy định trước nhưng vẫn tạo ra được những âm điệu khác nhau. Thơ Đường luật chẳng hạn, có bài rất buồn đau, có bài lại hài hước, có bài hào hùng, có bài thống thiết, bi tráng... Điều này chỉ có thể giải thích sự tạo nên âm điệu là do cảm xúc. Có người cho rằng thơ Đường luật với mấy chữ “trắc trắc, bằng bằng” nên không có nhạc điệu là chưa thỏa đáng. Bởi vì nếu vậy chỉ mới xét nhạc điệu trong thơ dựa trên tổ chức của ngôn ngữ, mà chưa căn cứ vào cảm xúc. Tuy nhiên, cách tổ chức ngôn ngữ cũng góp phần không nhỏ tạo nên nhạc điệu trong thơ, bởi vì chính nó đưa nhạc điệu của cảm xúc vang xa. Nhạc điệu của thơ do đó còn phụ thuộc vào cách ngắt nhịp, phối âm, tiết tấu của thơ. Khi Xuân Diệu viết :

Sương nương theo trăng ngừng lưng trời Tương tư nàng lòng lên chơi vơi

XUÂN DIỆU - Nhị hồ

Câu thơ toàn thanh bằng đã góp phần đáng kể diễn tả cái cảm xúc “chơi vơi” khi nghe tiếng đàn trong cõi “Thu gần xa vắng tự muôn đời”. Hay khi Nguyễn Du cắt câu thơ Truyện Kiều thành những nhịp trúc trắc 3/1/4 : "Nửa chừng xuân/ thoắt/ gãy cành thiên hương" cũng góp phần nói lên cái trắc trở của một số phận, một đời người.

Trên đây là những đặc điểm chính của thơ trữ tình với tư cách là một loại thể thuộc loại trữ tình và một loại thể nằm trong thơ nói chung. Thơ trữ tình còn nhiều đặc điểm khác như đặc điểm về phương thức phản ánh đã nêu trong loại trữ tình nói chung, ở đây không nhắc lại.

Một phần của tài liệu GIÁO TRÌNH LÍ LUẬN VĂN HỌC PHẦN TÁC PHẨM VĂN HỌC pptx (Trang 85 - 88)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(124 trang)