CẢM HỨNG TƯ TƯỞNG

Một phần của tài liệu GIÁO TRÌNH LÍ LUẬN VĂN HỌC PHẦN TÁC PHẨM VĂN HỌC pptx (Trang 49 - 51)

Cảm hứng tư tưởng của tác phẩm và cảm hứng sáng tạo của nhà văn liên quan chặt chẽ với nhau nhưng không phải là một. Nói tới cảm hứng sáng tạo của nhà văn thường nghiêng về nói đến một trạng thái tâm lí sáng tạo. Còn nói tới cảm hứng tư tưởng của tác phẩm tức là cảm hứng ủa nhà văn đã được truyền tới hệ thống hình tượng mà họ miêu tả. Cảm hứng góp phần tạo nên lớp nội dung đặc thù của tác phẩm. Đọc Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều chẳng hạn thấy hiện lên một nỗi xót xa cho số phận cung nữ. Còn đọc Bà Bovary của G. Flaubert lại vừa thấy vừa đáng thương, vừa đáng trách, vừa có nỗi man mác buồn thương cho số phận một người đàn bà cố thoát khỏi sự tù túng của khuôn khổ gia đình lại rơi vào trò tình yêu dối lừa, dung tục. Đó là cảm hứng của tác phẩm và chính nó góp phần tạo nên nội dung tác phẩm và không tách khỏi nội dung tác phẩm.

Cảm hứng tư tưởng gắn liền với tình cảm, nhưng đó không còn là thứ tình cảm tự nhiên mà trở thành một phẩm chất nghệ thuật. Nó cũng không phải là thứ tình cảm bằng phẳng, mà niềm say mê khẳng định cái tốt, nỗi khát khao cái cao cả, lòng căm ghét sâu sắc cái xấu, cái ác, sự đê tiện. Trong mỗi câu, mỗi chữ nhà văn bộc lộ tình cảm, cảm hứng của mình. Hơn thế nữa, nhiều khi còn gọi tên cảm hứng như một nguyên do của sáng tạo. Những "thuật hứng", "mạn hứng", "ngẫu hứng", "tức hứng", "quy hứng", "vãn hứng" hay "tức sự", cảm hoài", "thuật hoài", "hữu cảm" rồi "ngâm", "ca", "lưu đề", "ức hữu" ... trong thơ văn cổ đều là những trạng thái cảm hứng khác nhau được gọi tên, trở thành nội dung chính yếu của tác phẩm. Niềm tin yêu hay căm ghét, sự say mê hay chán nản đều làm cho cảm hứng trong tác phẩm có tính chất "thiên vị", "thiên ái". S.Sedrin đã viết: "Nếu thiếu một tư tưởng thiên vị thì sẽ không có sức sống sôi động. Ngẫu nhiên, rời rạc, nguội lạnh, nhạt nhẽo đó là đặc trưng lớn nhất của tác phẩm không có khuynh hướng, không tình tiết nào có thể bù đắp được cho thiếu sót đó" (9). Người đọc thú vị với nụ cười mỉa mai của Nguyễn Khuyến trong Vịnh Kiều: Có tiền việc ấy mà xong nhỉ - Ngày trước làm quan cũng thế a ?. Người đọc cũng cảm nhận được trong câu thơ Truyện Kiều "Lúc tỉnh rượu lúc tàn canh - Giật mình mình lại thương mình xót xa" không chỉ là nỗi thương mình xót xa của nàng Kiều mà còn là nỗi xót thương của Nguyễn Du cho những con người tài hoa mà bạc mệnh. Trong truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan với một nhiệt tình phê phán phủ định xã hội đương

thời ông đã phóng to, cường điệu những thói hư tật xấu để cười cợt, chế giễu châm biếm... tạo nên cảm hững trào lộng tràn trề.

Cảm hứng tư tưởng cũng không phải là thứ tình cảm đơn nhất mà bao hàm trong đó nhiều cung bậc, nhiều sắc độ, có niềm vui xen lẫn trong nỗi buồn, có niềm tự hào pha lẫn chút đắng cay. Trong bài thơ Có lỗi cùa Xuân Diệu dường như ta đọc thấy cả niềm hạnh phúc khi được đón nhận cái đẹp, lẫn cả nỗi "không thỏa với mình", "như có lỗi với ai" khi cái đẹp mở cửa đón mình". Hay nói như nhà thơ kết thúc bài thơ: "Đối với những gì cao cả, thiêng liêng, thẳm sâu, chân chất - Chúng ta đều là những người có lỗi cả em ơi!". Đọc A. Q chính truyện có tiếng cười về những "trận đắc thắng" tưởng tượng của chú A.Q mà người đọc vẫn có cảm tưởng như Lỗ Tấn đang giơ tay quệt nước mắt. Trong Chinh phụ ngâm có nỗi mong ước

"Thành liên mong tiến bệ rồng", nhưng sâu sắc hơn, cay đắng hơn vẫn là nỗi buồn tủi, cô đơn quạnh quẽ của người chinh phụ nơi quê nhà. Do cảm hứng tư tưởng sắc độ như vậy cho nên trong các tác phẩm này cần phải nhận ra đâu là cảm hứng chủ đạo, từ đó mới có cơ sở để cảm nhận, cắt nghĩa và lí giải đúng tác phẩm.

Cảm hứng của tác phẩm không phải thể hiện ở một vài nhận xét, một đôi lời bình luận đâu đó mà chủ yếu được bộc lộ từ hệ thống hình tượng, từ hệ thống ngôn từ, từ các chi tiết, tình tiết, các nhân vật tính cách... Thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm đầy những lời tố cáo, châm biếm, đay đả sự đời đen bạc, xấu xa nhưng cũng không giấu được nỗi đau thế sự tràn đầy sau mỗi câu thơ ấy. Nguyễn Khuyến tuy viết rằng Hỏi thăm tuần mất cướp nhưng người đọc lại thấy ông hả hê vì nỗi quan tuần bị kẻ cướp "lôi", "lèn" :

Tôi nghe kẻ cướp nó lèn ông Nó lại lôi ông đến giữa đồng Cướp của đánh người quân tệ nhỉ ! Thân già, da cóc có đau không ?

Sự đối lập giữa cái vẻ ân cần "hỏi thăm" bên ngoài với cảm hứng châm biếm bên trong đã làm cho bài thơ có cái dí dỏm, hài hước một cách đặc sắc.

Phải căn cứ vào hệ thống hình tượng, nhân vật, sự kiện, cảm xúc cụ thể để xác định cảm hứng đích thực của tác phẩm chứ không thể suy đoán chủ quan một cách chung chung. Cảm hứng tư tưởng trong tác phẩm thực sự có giá trị khi mang ý nghĩa xã hội. G. Hegel đã từng khẳng định rằng cảm hứng có ý nghĩa xã hội mới là cảm hứng chủ đạo cần có của văn học.

Người ta có thể làm thơ ngâm vịnh cũng như làm thơ đánh giặc, làm thơ thù tạc cũng như thơ về như ca ngợi những vẻ đẹp cao cả của con người... Nhưng những tác phẩm đó thực sự chỉ có giá trị khi dấy lên được những cảm xúc về cõi nhân sinh, về con người, về cuộc đời nơi mỗi người. Cho nên dù cảm hứng gắn với tình cảm, mà chúng ta thấy rằng, không phải thứ tình cảm nào cũng thở thành cảm hứng. Trong cuộc đời con người có biết bao nhiêu sự say mê, hứng thú. Nhưng không phải say mê nào cũng thành cảm hứng. Chẳng hạn say mê ăn chơi, bài bạc, hút xách là những ham muốn tầm thườn . Chỉ những niềm say mê nào tạo nên khát vọng cao cả, mang ý nghĩa nhân sinh, ý nghĩa xã hội thật sự mới trở thành cảm hứng tư tưởng. V.Hugo say mê khẳng định lòng nhân ái, sự thánh thiện thiêng liêng, sự đánh thức cái tốt, cái đẹp ở những tâm hồn cằn cỗi nhất. Niềm say mê này của ông tạo nên cảm hứng chủ đạo của Những người khốn khổ

. Vũ Trọng Phụng say mê tung hê cái xấu, cái giả, cái vô nghĩa lí của cuộc đời và đó là "âm chủ" của ông trong Số đỏ... Cảm hứng tư tưởng luôn luôn mang ý nghĩa xã hội: cảm hứng anh hùng, cảm hứng công dân, cảm hứng dân tộc, cảm hứng yêu nước... Và ở chiều ngược lại các loại cảm hứng như hài hước, châm biếm, giễu cợt, phê phán, tố cáo, lên án... cũng có ý nghĩa xã hội của nó. Hay các phương diện khác nhau của cảm hứng như cảm hứng tính kịch, cảm hứng bi hài, cảm hứng thương cảm đều gợi lên những ý nghĩa nhân sinh và xã hội.

Tóm lại, cảm hứng là bộ phận không thể tách rời của nội dung tư tưởng và nghệ thuật tác phẩm. Tác phẩm có dấy lên được cảm hứng mãnh liệt và sâu sắc thì mới rung động được trái tim độc giả. Nhờ sự rung động mãnh liệt của cảm hứng mà đề tài, chủ đề của tác phẩm mới được khái quát, được lí giải có chiều sâu và có tính thẩm mĩ. Cùng với đề tài, chủ đề , tình điệu thẩm mĩ, cảm hứng tư tưởng góp phần tạo nên giá trị tư tưởng nghệ thuật cho tác phẩm.

Một phần của tài liệu GIÁO TRÌNH LÍ LUẬN VĂN HỌC PHẦN TÁC PHẨM VĂN HỌC pptx (Trang 49 - 51)